Món ngon Bạc Liêu khiến du khách “ứa nước miếng”

(#wanderlusttips #amthucbaclieu) Không chỉ có các di tích văn hóa, lịch sử tôn giáo, Bạc Liêu cũng có vô số các món ăn ngon khó cưỡng mê hoặc du khách.

[rpi]

Bánh tằm ngan dừa

1

Nếu như bánh tằm ở những nơi khác sợi lớn hơn sợi bún và đều tăm tắp do làm bằng máy thì sợi bánh tằm Ngan Dừa to cỡ con tằm, kích thước mỗi sợi không đều nhau do được se bằng tay trên mâm bột. Bột bánh được làm bằng gạo một bụi đỏ – một loại gạo ngon ở địa phương đã được cấp “chỉ dẫn địa lý” nên có hương vị rất riêng.

Bánh tằm Ngan Dừa không ăn với bì mà với xíu mại được làm từ thịt ba rọi, gan heo và củ sắn băm nhỏ. Tất cả các hỗn hợp ấy trộn đều với đường, tỏi, hành phi, tiêu và bột mì để tạo độ kết dính, sau đó vo từng viên rồi hấp. Sẽ mất ngon nếu bánh tằm xíu mại mà không có nước cốt dừa chan kèm, cùng với dưa leo băm sợi, giá trụng, rau húng, rau thơm, cải xà lách.

Bánh tằm, xíu mại, nước cốt, rau trộn đều, sau đó cho thêm vài muỗng nước mắm chua cay. Vậy là thực khách đã có một món ăn hấp dẫn, khó quên. Những sợi bánh tằm còn nong nóng, vừa dai,  nhai “sựt sựt” vì được tẩm nước cốt nên khi cắn vào đã nghe ngọt bùi, béo ngậy ở kẽ răng.

Bún xào nem nướng

2

Tô bún trắng tinh phủ nem nướng vàng ruộm thơm lừng, cộng chút giá trắng, lạc rang bùi béo và rau thơm xanh mát, ăn kèm nước tương sẽ khiến thực khách khó lòng buông đũa. Mỗi tô bún đầy đặn vừa đẹp mắt, no bụng, vừa ngon giá cả lại phải chăng chỉ khoảng 30.000đồng một tô.

Hủ tiếu mì

3

Hủ tiếu mì khô và hủ tiếu mì nước hay mì tàu là món ăn mà bất cứ ai ghé Bạc Liêu cũng nên nếm thử. Trước tiên, người bán lấy một vắt mì cho vô cái vợt lưới sắt trụng vô nồi nước sôi cho vắt mì mềm, sợi mì bung ra, xốc xốc mấy cái cho ráo nước rồi đổ vô cái tô lớn. Múc một muỗng canh mỡ tỏi phi rưới vô tô mì, lấy đôi đũa xốc cho mỡ tỏi thấm đều bóng mượt sợi mì, thêm một chút hắc xì dầu vô xốc trộn cho đều rồi rắc lên một nhúm ngò rí xắt nhỏ, lấy thịt, lòng xắt chỗ xếp lên trên, để thêm hai con tôm chiên giòn lên trên. Nếu khách ăn mì khô thì như vậy là xong, bưng tô mì ra bàn cho khách, múc ra thêm một chén lớn nước súp, trong chén súp cũng cho một ít ngò rì, mỡ tỏi cho thơm. Trên bàn ăn đã có chỗ dĩa giá sống, ngò gai, lá quế. Một cái khay nhỏ đựng chai nước mắm, hắc xì dầu, hũ ớt bằm ngâm giấm, dĩa ớt sống bằm nhỏ hay ớt hiểm để nguyên trái. Khách tùy khẩu vị mà lấy nêm nếm thêm vô tô mì của mình cho vừa miệng. Khách vừa dùng đũa trộn gắp mì ăn, thỉnh thoảng lấy muỗng múc nước súp nóng hổi, thơm phức húp một miếng, cảm thấy khoái trá vô cùng, ngon không gì bằng. Nếu khách muốn ăn mì nước thì chan luôn một dá lớn nước súp vô tô mì, không cần múc chén nước súp riêng.

Mì hoặc bún bò cay

4.1

Nói bún bò cay nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng phải có chút kinh nghiệm thì nấu ăn mới ngon. Thịt bò làm sạch hầm với nước dừa tươi để làm nước súp.

Đặc biệt của tô bún bò cay ở Bạc Liêu là phải cay, nên ớt đã bỏ hạt xay nhuyễn là thứ không thể thiếu. Mỳ hoặc bún trụng qua nước sôi, để ráo sau đó trút ra tô, múc nước nấu thịt bò cùng với vài miếng gân, nạm để lên trên.

Khi ăn, người ta luôn có đĩa rau sống gồm có quế, ngò gai, ngò om, giá đậu xanh, bên cạnh. Tùy theo khẩu vị người ăn, tự tay họ sẽ cho thêm vào tô bún, rồi vắt thêm chanh, để có tô bún ngon lành.

Ghẹ sữa chiên giòn

5

Ghẹ sau khi đánh bắt, bà con cư dân biển vùng này chọn ra những con trưởng thành để bán ghẹ thịt. Những con ghẹ non, còn gọi là ghẹ sữa phần thì bán, phần thì đem về dùng để chế biến món ghẹ sữa chiên giòn, hay chiên me, chiên ngũ cốc, chiên nước mắm… món nào cũng hấp dẫn.

Món ghẹ sữa ăn ngon nhưng cách làm cũng khá đơn giản. Trước hết chọn những con ghẹ tươi, kích thước bằng đầu ngón chân cái rồi cho vào thau, bỏ ít muối xốc mạnh cho sạch bùn cát. Sau đó rửa sạch, bóc bỏ mai, để ráo nước, đem ướp với tỏi, ớt (đâm nhuyễn), đường, nước mắm.

Công đoạn kế tiếp là bắc chảo dầu lên bếp cho nóng, cho tất cả ghẹ đã ướp gia vị vào chiên, đảo cho thật đều. Khi rang hoặc chiên, chúng ta chỉ cần giữ lửa cháy đều, đợi cho ghẹ chuyển sang màu vàng ươm, mùi thơm lan tỏa mới rắc thêm ít tiêu, tỏi và ớt bột trước khi cho vào đĩa.

Bồn bồn xào lòng mề, tép

wanderlust_Mon-ngon-bac-lieu-khien-du-khach-ua-nuoc-mieng 10

Bồn bồn còn được gọi là thủy hương, có lẽ vì hoa bồn bồn trông từ xa giống hình cây nhang cắm dưới nước.

Trong những năm gần đây, cây bồn bồn được người dân miền Tây trồng nhiều để lấy phần gốc, thân làm dưa hoặc bán tươi cho người tiêu dùng. Đây là một đặc sản nổi tiếng Bạc Liêu được mọi người ưa thích, và được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” ở nơi đây.

Chế biến món ăn này hơi dụng công và phải nắm vững những kỹ thuật cơ bản để món ăn được ngon miệng. Trước hết, các nguyên liệu cần chuẩn bị như: Lòng mề gà (hoặc vịt) mua ở chợ phải chọn lòng mề thật tươi về nhà làm sạch, rửa bằng nước, muối, chanh để tẩy mùi tanh. Dùng dao bén xắt miếng rồi trụng nước sôi, vớt ra dĩa, để ráo. Tép (tôm) làm sạch, lột vỏ để ra dĩa. Dưa bồn rửa sạch, cắt khúc cỡ 5 cm, vắt ráo. Rau cần rửa sạch, xắt khúc, để ráo. Tất cả các nguyên liệu đã sơ chế (lòng mề + dưa bồn bồn + tép) đều ướp gia vị bột nêm, chờ khoảng 10 phút cho ngấm và có vị đậm đà.

Kế đến, Hành tím, tỏi được phi thơm trong chảo dầu (mỡ) rồi cho lòng mề, tép vào xào chín, múc ra dĩa. Tiếp tục đặt chảo lên bếp cho dưa bồn bồn vào xào vừa chín tới rồi trộn với rau cần xắt khúc cùng lòng mề, tép vào xào chín, nhắc xuống, múc ra đĩa.

Cá đuối vùi muối ớt

Theo kinh nghiệm người miệt biển, thịt cá đuối chế biến món nào cũng ngon đến mức… khỏi chê. Cá đuối tươi rói vừa bắt được được đem làm thịt, bỏ hết ruột rồi dùng muối chà rửa cho hết nhớt, để nguyên con và dùng dao khía dọc trên thân cá theo từng đường nhỏ. Nếu cá lớn thì cắt ra thành từng miếng để cá mau thấm gia vị và dễ nướng.

Trong khi chờ cá ráo nước thì lấy ít muối vùng Bạc Liêu (muối Bạc Liêu có độ mặn vừa phải, độ mặn nhạt hơn muối các vùng khác) đâm nhuyễn cùng với những trái ớt chín để ướp cá. Cho cá vào vịm sành, tô sứ, rắc muối ớt đã đâm lên ướp đều. Chờ một thời gian cho cá thấm. Bên bếp than hồng tỏa nhiệt, từng miếng cá đuối vùi muối ớt được xếp lên vỉ nướng. Mùi thơm lan tỏa ngào ngạt.

Cá đuối nướng chín vàng dọn ra cùng đĩa rau rừng hái ngoài vườn nhà: Đọt vừng, lá xoài, lá cách, vài trái chuối chát, khế chua, ít lát cà, lát khóm. Dân gian gọi đùa món ăn này là cá đuối vùi… muối ớt. Và tất nhiên, người ta cũng dùng muối ớt để chấm. Cũng có người chấm bằng muối tiêu chanh hoặc nước mắm ngon hảo hạng. Món cá đuối nướng ăn nóng mới ngon.

Khô cá chốt giấy chiên giòn

Cá chốt tuy dân dã, bình dị nhưng chế biến món nào cũng ngon như: nấu canh chua, kho sả ớt, làm mắm, làm khô.

Để chế biến món này hơi tốn công một chút vì cá chốt nhỏ con, ít thịt, nhiều xương cần nhiều thời gian làm sạch cá. Trước hết, cá chốt bắt được (hay mua ở chợ về) lựa cá còn tươi, con vừa ăn (không cần lớn, để khi chiên giòn có thể ăn luôn cả xương). Dùng dao bén cắt bỏ đầu, đuôi, ruột, rửa sạch, để ráo. Ướp gia vị (muối và bột ngọt) cho vừa ăn chờ ngấm. Cho cá ra sàng phơi khô (khoảng 1 nắng) cho thịt cá hơi se se lại rồi mang vào chế biến. Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi thơm rồi lần lượt cho cá chốt vào chiên thật vàng 2 mặt, vớt ra để trên giấy thấm cho ráo. Kế đến, chuẩn bị rau sống (dưa leo, cà chua) xếp ra dĩa và cho cá chốt đã chiên lên. Cuối cùng, muốn cho hương vị “thăng hoa” thì làm thêm một chén nước mắm me cùng vài trái ớt hiểm vào nữa là xong.

Xá pấu

wanderlust_Mon-ngon-bac-lieu-khien-du-khach-ua-nuoc-mieng 9

Xá pấu, hay củ cải muối là một món ăn truyền thống của người Hoa ở Bạc Liêu.

Xá pấu có nguồn gốc từ ẩm thực của người Hoa, nhưng qua bàn tay khéo léo của người miền Tây, nó được chế biến khác đi và tạo thành món ăn đặc trưng riêng. Xá pấu làm từ nguyên liệu chính là củ cải kết hợp với đường và muối. Ngày nay, món ăn này được chế biến ở nhiều nơi và hầu như có mặt trong những ngày giỗ tết, đám cỗ của nhiều gia đình. Xá pấu ngon nhất là khi ăn với cháo trắng nóng hổi trong những ngày trời se lạnh giáp tết Nguyên Đán. Để có được những cọng xá pấu giòn, dai, ngọt, bùi như vậy người ta phải tiến hành một công đoạn sơ chế rất công phu và tốn nhiều thời gian.

Có hai loại là xá pấu mặn và ngọt. Với loại xá pấu mặn, khi làm nên chọn những củ cải to, xá pấu ngọt thì dùng những củ nhỏ, để tiết kiệm. Thông thường, người dân Bạc Liêu làm xá pấu ngọt để đóng gói sản phẩm và bán cho khách du lịch vì loại này ăn ngon hơn xá pấu mặn.

Củ cải rửa sạch, cắt dài khoảng 5-10 phân, chẻ làm bốn và ướp muối. Sau đó đem củ cải ướp muối ra phơi nắng 2 ngày. Trong quá trình phơi tránh để củ cải dính mưa sẽ bị ôi, mốc.

Khi củ cải còn ẩm, nhưng cầm lên thấy dẻo, dai thì đem trộn với đường trắng ủ vài ngày cho củ cải ngấm là được. Lúc này người ta đóng gói vào túi nilon và đem bán. Xá pấu (khi chưa qua chế biến) đạt yêu cầu sẽ có có vị ngọt, mặn vừa phải, thơm mùi mật củ cải và hơi khô dai.

Hồng Nhung (TH) | Wanderlust Tips | Cinet