Chợ trong tâm thức người Việt
- 01/11/2019
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- chợ, chợ nổi, chợ truyền thống, văn hóa chợ, Việt Nam
[Wanderlust Tips 09/2019] Trong những ngày lang thang ngang dọc Nam Bắc, tôi đều có thói quen lủi vào các khu chợ địa phương, ngắm nhìn dòng người qua lại, lắng nghe những âm thanh tưởng lạ mà quen, hít lấy hít để cái mùi đặc trưng và cảm nhận về văn hóa bản địa đang ẩn mình trong những điều giản dị ấy.
[rpi]
CHỢ GẮN CHẶT “CUỐNG NHAU” VỚI TRUYỀN THỐNG
Từ thuở bé thơ, mỗi lần mẹ đi chợ, tôi đều mong ngóng mẹ trở về với một thức quà nhỏ dành cho mình, khi thì dăm ba trái cóc, khi lại là một bịch chè bột lọc yêu thích. Có lẽ trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam, chợ là điều gì đó rất quen thuộc và gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày. Chúng ta, từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên và già đi, chắc hẳn ai cũng một lần đặt chân đến những khu chợ, có thể đó chỉ là khu chợ ở một làng quê nghèo hoặc cũng có thể là một khu chợ tấp nập đông vui nơi phố thị.
Nhưng phàm những điều thân quen thì chúng ta lại thường không mấy để tâm tìm hiểu. Càng thân quen ta càng tưởng mình hiểu hết về nó nhưng thực chất lại chẳng biết bao nhiêu. Và chợ chính là một ví dụ điển hình cho điều ấy khi mà không có nhiều công trình khoa học hay ghi chú sử liệu có thể cắt nghĩa được bản chất cũng như vai trò của chợ trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam.
Bây giờ, nếu như được hỏi về định nghĩa của chợ, mấy ai trả lời được trơn tru, thường thì sẽ là những câu nói chung chung như chợ là nơi để mua bán, hoặc là các khái niệm có phần “cứng nhắc” hơn mà bạn có thể tìm thấy trong những cuốn sách: “Chợ là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội thường xuyên giữa các địa phương để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của người dân, đồng thời góp phần củng cố mối liên hệ cộng đồng cư dân của nhiều địa phương trong vùng trong xã hội Việt Nam từ hàng trăm năm nay”. Và phần lớn cũng chỉ thường như thế.
Định nghĩa về chợ đã khó, trả lời cho câu hỏi chợ có từ khi nào lại càng khó hơn. Những bia chợ, những thư tịch mà cha ông ta để lại cũng chỉ đưa ra những khung thời gian áng chừng, không rõ ràng về sự xuất hiện và phổ biến của chợ. Tấm bia chợ Kim Lũ thị bi ký (hiện đặt tại chợ Chủ, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đã có những ghi chép bằng chữ Hán miêu tả rằng nơi đây từ lâu đã có chợ phiên kẻ bán người mua đông đúc. Về thư tịch, trong “Hồng Đức thiện chính thư” thời Lê – Mạc đã có những ghi chép “lệ về việc mở chợ”, nổi bật với quy định chợ mới mở sau không được họp cùng ngày và tranh giành với chợ cũ trước đấy. Hay trong “Kiến văn tiểu lục”, Lê Quý Đôn cho biết: “Đến thời Thái Tông nhà Lý, mới đóng kinh đô ở Thăng Long, người bốn phương lũ lượt kéo đến, họp tập buôn bán cùng nhau mở chợ cửa Đông”. Như vậy, nhìn chung, những sử liệu về chợ ở văn bia hoặc thư tịch thường ghi chép về cách quản lý chợ, nếu có miêu tả về chợ cũng chỉ là những ghi chép sơ sài. Có chăng, các chợ thường được nhấn mạnh hơn khi có cháy lớn hoặc có tội phạm nào đó bị “bêu đầu thị chúng”.
Mãi cho đến khi người Pháp vào đến Việt Nam thì chợ mới bắt đầu hiện lên rõ ràng và chi tiết hơn. P. Gourou trong một miêu tả về chợ quê ở đồng bằng sông Hồng đã nói rằng: “Mặt hàng của họ thực nghèo nàn; một người phụ nữ nông dân ngồi suốt buổi trước cái thúng chỉ có vài mớ rau hoặc mấy xu cá. Ngoài những người phụ nữ nông dân bán sản phẩm của đồng ruộng, vườn tược hoặc ao đánh cá được, trong các chợ đó chỉ có một số rất ít người chuyên nghiệp đơn điệu cho sự chuyên môn hóa về buôn bán rõ nét hơn: một hoặc hai người thợ rèn sửa chữa nông cụ mà người ta nhờ chữa và bán dao nhỏ, dao phay, những người bán kẹo lạc, bánh đa, đậu phụ, một người đàn bà bán vải”. Ngoài ra, còn có những mô tả về sắc màu của các khu chợ khi mà phần lớn chúng đều có màu đen hoặc các sắc độ đậm nhạt của màu nâu bao trùm khắp chợ, thỉnh thoảng mới có mảnh trắng hay vài quẹt xanh đỏ lướt qua.
Có thể nói, sự tác động của người Pháp đối với nền kinh tế Việt Nam không hề làm thay đổi bản chất của những phiên chợ, bởi đối chiếu với những nét miêu tả của P. Gourou như trên thì gần giống với những phiên bản chợ quê hiện nay. Nói như Nguyễn Mạnh Tiến trong cuốn “Sống đời của chợ” thì “Chợ Việt Nam vẫn gắn chặt cuống nhau với truyền thống. Chợ ở mọi hình hài là phần truyền thống nối dài”.
NHỮNG KHU CHỢ LÀM NÊN VĂN HÓA
Cùng với đình chùa hay nhà thờ, thì chợ là một trong những không gian công quan trọng làm nên văn hóa nước ta. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều hình thái chợ khác nhau, phần lớn đều rất đỗi quen thuộc. Xét về mặt không gian, sẽ có thêm nhiều tiêu chí nhỏ hơn. Chẳng hạn, không gian theo phương hướng thì có chợ Đông, chợ Đoài, chợ Nam, chợ Tây…; không gian theo đơn vị hành chính thì có chợ làng, chợ xã, chợ huyện, chợ tỉnh…; còn theo địa vực thì sẽ có chợ đô thị, chợ trung du, chợ miền núi hay chợ nổi.
Các khu chợ thường là những quầy hàng, sạp hàng tụ họp trong một không gian trong nhà hoặc ngoài trời mà thành. Thậm chí, có khi chỉ là gánh hàng với đôi thúng mủng hay chiếc xe đạp chở sọt hàng, mẹt hàng cũng thành một “tiệm di động”. Thường thì ở các chợ lớn, các quầy hàng sẽ phân theo khu vực như khu bán thịt, bán rau, bán cá, bán đồ khô, bán hoa quả… khách đi chợ cũng dễ tìm đồ mà mua. Còn các chợ có quy mô nhỏ hơn thì vị trí cũng lộn xộn, đầu chợ có hàng rau mà cuối chợ cũng có hàng rau, đôi khi hàng gạo cạnh hàng hoa quả rồi lại đến hàng chè bánh… khách mới thì đi một vòng chợ mới biết hết các hàng, còn khách quen thì cứ nhớ vị trí mà tìm đến mua.
Khác biệt hẳn với hình thức các quầy sạp san sát nhau thường thấy ở các hầu hết các khu chợ “trên cạn”, là hình thức chợ họp ngay trên vùng sông nước mà người ta gọi là “chợ nổi”. Cùng với Campuchia và Thái Lan, Việt Nam là một trong những đất nước có văn hóa chợ nổi nổi tiếng trong các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và thế giới. Ở một vùng đất mà sông ngòi kênh rạch chằng chịt đi đâu cũng thấy như miền Tây Nam Bộ, không lạ gì khi người Việt vốn nhanh nhẹn đã lấy cái tự nhiên mà tạo hóa đã ban cho để tạo điều kiện nuôi sống bản thân gia đình và làm nên nét văn hóa đặc trưng bản địa. Giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm chiếc ghe, chiếc thuyền; và trên mỗi chiếc ghe, chiếc thuyền ấy lại chất đầy hàng hóa, chủ yếu là trái cây. Sắc màu rực rỡ của các loại hoa quả, rau củ đã làm nổi bật cả một vùng trời quê mộc mạc, giản dị. Bên cạnh cơ man chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…, bạn còn có thể tìm thấy nào tôm, nào cua, nào cá hay cả những món ăn địa phương hấp dẫn. Và thông thường, trên mỗi chiếc thuyền đều sẽ có cây sào treo lủng lẳng loại sản phẩm để khách hàng nhìn vào biết ngay là ở đây bán gì. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, bạn sẽ thường thấy áo quần được treo lên nhưng đó không phải là mặt hàng bởi người dân chợ nổi sinh hoạt ngay trên thuyền nên họ thường phơi quần áo khắp thuyền. Trường hợp thứ hai là những ghe thuyền bán hàng ăn, hàng nước, mà đã là thức ăn, thức uống thì thường không thể treo được. Và cuối cùng, nếu bạn đến đây và thấy một chiếc thuyền nào đấy đang treo lá dừa, thì không phải là họ bán lá dừa đâu mà là đang bán lại chính chiếc thuyền của họ.
Cái cảm giác lênh đênh trên sóng nước, thưởng thức tô hủ tiếu hay nhâm nhi ly cà phê, bên tai vọng về một câu vọng cổ miên man còn mắt thì ngắm nhìn những tà áo bà ba đơn sơ đang mua bán trên những chiếc ghe sẽ khiến bạn không thể nào quên. Một số chợ nổi mà bạn nên ghé khi đặt chân đến miền Tây sông nước là chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang); chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng); chợ nổi Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ); chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang); chợ nổi Long Xuyên (An Giang) và chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long).
Nếu phân chia chợ theo tư duy thời gian thì có chợ cóc là những chợ nhỏ, chợ tạm thường họp lại một cách tự phát chỉ trong thời gian ngắn, không cố định một chỗ; còn những chợ ngày nào cũng họp người ta gọi là chợ hôm; chợ họp theo thời gian trong ngày thì có chợ sáng, chợ chiều, chợ đêm; chợ họp theo tuần hay tháng chính là chợ phiên, thường thì từ 3-10 ngày họp một phiên. Nhắc đến chợ phiên không thể không nhắc đến chợ phiên Bắc Hà, một trong những khu chợ nổi tiếng và lớn nhất ở vùng Tây Bắc nước ta. Chợ nằm trên vùng núi cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Cứ vào sáng Chủ nhật hàng tuần, người ta lại thấy những sắc áo thổ cẩm rực rỡ trong ánh nắng ban mai. Có người đến đây mang theo những sản vật làm ra đem buôn bán. Có người đến đây để mua về những món mà nhà đang thiếu. Cũng có người đến chỉ vì muốn cảm nhận và đắm mình trong cái không khí nhộn nhịp của người qua kẻ lại, của âm thanh rộn ràng và không gian tràn đầy hương sắc. Dù là người dân tộc nào, từ đâu đến thì tất cả họ đã và đang góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho phiên chợ.
Nếu chợ phiên thường họp theo tuần hay theo tháng thì cũng có những khu chợ được họp theo năm như chợ Tết, chợ tình… Chợ tình có chợ tình Sa Pa và chợ tình Khâu Vai nhưng chợ tình Khâu Vai nổi bật hơn cả. Chợ tình Khâu Vai còn có tên gọi khác là chợ Phong Lưu và đã có lịch sử đến 100 năm. Giống như chợ phiên Bắc Hà, chợ tình Khâu Vai cũng nằm ở vùng núi cao Bắc Bộ, thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Nơi đây vốn sẽ không có nhiều không gian để bày bán các mặt hàng như những chợ khác mà chỉ có những người bán đồ ăn, thức uống. Bởi lẽ, chợ tình Khâu Vai là nơi mà những người dân chất phác tìm đến để tâm tình, để ôn lại những kỷ niệm xưa. Họ thường là những người có mối tình trắc trở, đã từng yêu nhau nhưng không lấy được nhau và mỗi người giờ đây đã có cuộc sống riêng. Không hề có sự ghen tuông hay bực bội, khi đến đây bạn sẽ chỉ cảm nhận được tình người tình đời ấm áp.
Không chỉ dựa trên tiêu chí không gian và thời gian mà chợ còn được phân loại theo nhiều tiêu chí khác. Nếu theo quy mô trao đổi hàng hóa thì có chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ tổng hợp. Trái ngược với chợ tổng hợp bán đủ thứ gi gỉ gì gi cái gì cũng có thì có những khu chợ lại chỉ chuyên bán một loại hàng hóa như chợ hoa, chợ trái cây, chợ vải hay chợ chiếu. Và nói về chợ chiếu thì nổi tiếng nhất vẫn là chợ chiếu Định Yên ở Đồng Tháp. Định Yên chính là cái nôi của làng nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng khắp dải đất chữ S. Nghề này đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, cùng dân làng đi qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Chợ chiếu Định Yên còn được gọi là chợ ma, do chợ thường chỉ họp vào ban đêm, ban ngày mọi người trong làng sẽ dành thời gian để dệt chiếu. Nếu ở những khu chợ khác, người bán thường ngồi một chỗ đợi người mua đến chọn hàng thì ở đây, trong màn đêm đen, dưới ánh sáng le lói của cây đèn dầu hay đèn mù u, người đến mua chiếu thường tìm một nơi để ngồi chờ, còn người bán chiếu thì lại vác hàng trên vai đi tới đi lui rao hàng, mời chào. Có thể nói, manh chiếu từ trước đến nay đã gắn liền với văn hóa và đời sống của mỗi người dân Định Yên.
CHỢ TRONG CUỘC SỐNG NGÀY NAY
Kể ra để thấy rằng, chợ ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú và đầy màu sắc không thua kém bất cứ đất nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, những hình thức gần với chợ và phát triển hiện đại hơn của chợ cũng dần xuất hiện, phần nào thay thế vị trí của chợ trong đời sống của người dân. Quen thuộc nhất chính là các siêu thị với hệ thống tòa nhà, quầy hàng hiện đại, sắp đặt khoa học cùng nguồn gốc sản phẩm đảm bảo, giá cả niêm yết rõ ràng… ngày càng được nhiều người lựa chọn mua đồ hàng ngày thay vì tới chợ, dù giá cả hàng hóa trong các siêu thị có phần đắt đỏ hơn ở chợ. Bên cạnh đó, thương mại điện tử phát triển kéo theo các chợ trực tuyến ra đời. Ở đó, người ta bán đủ mọi sản phẩm, bao gồm cả những cái mà ta thường thấy ở chợ truyền thống hay siêu thị. Và bạn chẳng cần đi đâu cả, chỉ cần ngồi tại nhà lướt web chọn đồ, thanh toán và dịch vụ chuyển phát sẽ giao hàng tận nơi. Sự mới mẻ của hình thức chợ này đã đánh trúng tâm lý tiện lợi và tiết kiệm thời gian – thứ mà con người trong đời sống hiện đại đang cần. Không chỉ các trang thương mại điện tử nổi tiếng thế giới như Ebay, Amazon mà mạng xã hội như Facebook hay Instagram giờ cũng là một kênh mua sắm rất phổ biến. Có cầu ắt có cung, thị trường chỉ đang thay đổi theo xu hướng và mong muốn của chúng ta.
Bên cạnh sự tác động của các “đối thủ cạnh tranh”, chợ còn thay đổi do nhu cầu trực tiếp của con người cùng với sự phát triển của đời sống, văn hóa. Giờ đây, khi đến Khâu Vai, bạn sẽ không được nhìn thấy một chợ tình nguyên bản của trước đây, bởi khi khách du lịch ngày càng đông kéo theo nhiều quầy hàng được mở ra bên cạnh hàng ăn hàng uống. Đến chợ chiếu Định Yên cũng không còn thấy cái không khí nhộn nhịp như vốn có, bởi giờ đây người ta đã vào tận nơi, đến tận nhà để mua sản phẩm. Hoặc ngay gần Hà Nội có làng Chuông, có chợ Chuông với truyền thống làm nón, bán nón nổi tiếng. Nhưng khi đến đây, bạn sẽ cảm nhận được một điều đang hiện hữu rất rõ nét là tuy chợ Chuông vẫn còn đó, vẫn họp như trước nhưng không còn đông đúc người và chủ yếu chỉ bán nguyên liệu làm nón, còn nón thành phẩm thì như chiếu Định Yên, người ta thường tìm mua ngay tại nhà dân.
Mặc dù vậy, có lẽ chợ vẫn luôn là nơi không thể thiếu trong tâm thức của người Việt Nam. Đi đâu trên dải đất hình S chúng ta vẫn thấy nó, ngoài đường lớn có chợ lớn, trong ngõ nhỏ có chợ cóc. Nó vẫn len lỏi và gắn với cuộc sống của mỗi người. Nó như một xã hội thu nhỏ nơi không chỉ buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi con người ta tìm đến hẹn hò, kể nhau nghe đôi ba câu chuyện về tình đời, tình người. Và tất nhiên, chợ luôn là một nét đặc trưng làm nên văn hóa của các vùng miền. Theo đó, chợ giờ đây trở thành địa chỉ du lịch thu hút du khách từ xa đến để được đắm mình trong phông nền văn hóa bản địa.
Bây giờ đi học, đi làm ở xa nhưng mỗi lần trở về nhà, tôi vẫn cùng mẹ đi chợ sớm, không chỉ để xách bớt đồ, đỡ đần cho mẹ mà còn để cảm nhận phần nào đó cái không khí của những ngày tuổi thơ. Và lần nào từ chợ về, trong tay tôi đều có dăm ba trái cóc, hay bịch chè mua cho những đứa cháu ở nhà. Trong ánh mắt mong ngóng của chúng, tôi lại nhìn thấy được hình ảnh của mình những ngày xưa cũ…
Lan Anh | Wanderlust Tips