Có một Sa Pa đẹp nguyên sơ như thế!

Sa Pa – Thị trấn mù sương từ lâu đã rất nổi tiếng là địa điểm du lịch với các khu tham quan, danh thắng nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch. Tuy nhiên ít ai biết, trước khi trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, mảnh đất phía Tây Bắc của Tổ quốc đã có vẻ đẹp nguyên sơ như thế với thiên nhiên, con người và văn hóa.

Về Sa Pa

Sa Pa là một thị xã thuộc tỉnh Lào Cai, Việt Nam, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Tên gọi của thị xã xuất phát từ tên thị trấn Sa Pa cũ. Thị trấn này ra đời vào năm 1905, khi người Pháp phát hiện đây là địa điểm lý tưởng để xây dựng khu nghỉ mát và đã thực hiện. Tên “Sa Pả” là tên vốn có theo tiếng H’Mông ở vùng này, có nghĩa là “bãi cát”, người Pháp viết tên khu là “Chapa“, vì âm “S” phát âm cứng gần như “Ch” trong tiếng Pháp. Dấu tích còn lại của tên vùng là phường Sa Pả ngày nay

Vì nằm ở độ cao khá cao so với mực nước biển, nên thời tiết ở Sa Pa thường lạnh hơn những tỉnh miền Bắc khác, trung bình khoảng 13 – 15 độ C.

Sa Pa - mảnh đất mang vẻ đẹp nguyên sơ vùng Tây Bắc.
Sa Pa – mảnh đất mang vẻ đẹp nguyên sơ vùng Tây Bắc.

Thiên đường du lịch

Từ những năm đầu của thế kỉ 20, Sa Pa đã được biết đến và được chọn làm địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng yêu thích của giới công chức Pháp. Người Pháp cho xây dựng ở đây những khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng. Phải kể tới những khách sạn Chapa (1909), Fansipan (1914) hay Le Metropole (1932). Thời ấy, Sa Pa được coi là kinh đô nghỉ hè ở miền Bắc Việt Nam.

Ngày nay, Sa Pa được biết đến nhiều với những điểm tham quan du lịch nổi tiếng như Nhà thờ đá Sa Pa, Khu du lịch Bản Cát Cát, nóc nhà Đông Dương đỉnh Fansipan… Tuy nhiên, thời gian gần đây, du lịch tại thành phố này đang bị lạm dụng bởi những công trình nhân tạo, một phần làm ảnh hưởng không tốt tới mỹ quan.

ít ai biết rằng ở Sa Pa không chỉ có thế. Đây là vùng đất nằm ở vùng cao Tây Băc, có thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi trùng trùng điệp điệp, có những cánh đồng ruộng bậc thang thẳng thắp nối nhau, có văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng chứ không chỉ dừng ở những công trình nhân tạo

Núi non hùng vĩ

Là thị trấn thuộc vùng núi nên đương nhiên ở Sa Pa, dễ dàng bắt gặp những dãy núi trải dài cùng những ngọn đồi thoai thoải, bao quanh thị trấn. Nổi tiếng nhất ở đây có lẽ chính là núi Hàm Rồng.

Núi Hàm Rồng là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa “hàm của rồng”. Hàm Rồng là một trong số ít các núi ở Việt Nam có hình tượng đẹp và rõ nét, gắn liền với nó là truyền thuyết thú vị và ly kỳ. Quanh núi Hàm Rồng có nhiều kiểu núi khác nhau, rừng kín thường xanh, với các loại cây lá rộng xanh quanh năm và các loại dây leo, bụi rậm chằng chịt, rừng hỗn hợp cây lá rộng, lá kim…Vùng núi cao với đặc điểm là rừng thưa, ít rậm rạp, thỉnh thoảng cỏ cây lá rộng xen kẽ. 

Núi Hàm Rồng ở Sapa
Núi Hàm Rồng ở Sapa

Đến với núi Hàm Rồng du khách không những được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ của đất trời mà còn được thưởng thức không khí trong lành, mát mẻ của khí trời Sa Pa. Trên sân ngắm mây ở độ cao khoảng 1.800m, du khách phóng tầm mắt nhìn cảnh thung lũng Sa Pa huyền ảo thoắt ẩn thoắt hiện trong những cụm mây trắng bồng bềnh theo gió.

Khung cảnh Sapa mờ sương nhìn từ trên Núi Hàm Rồng.
Khung cảnh Sapa mờ sương nhìn từ trên Núi Hàm Rồng.

Rồi băng qua khu thiên thạch lâm rộng mênh mông, lớp lớp đá đan xen nhau đủ mọi hình dáng, tha hồ cho khách thả trí tưởng tượng thành muôn hình vạn dạng. Đường lên cổng trời ngó phía trước chỉ thấy trời xanh bao la, nhìn dưới chân toàn mây giăng.

Hết cổng trời 1, dừng chân ở cổng trời 2 cao khoảng 1.700m để được ngắm đầu rồng thật rõ. Lối đi mỗi lúc một hẹp, dẫn vào hang Tam Môn chỉ vừa một người chui lọt,thoát ra là một khoảng trời mênh mông. Khu cắm trại ở đây có hẳn một vườn cây ăn trái với ba loại chủ lực: đào, lê, mận.

Ngày nay, tuy đã được quy hoạch để làm khu du lịch, nhưng Núi Hàm Rồng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có.

Những cánh đồng ruộng bậc thang

Như là chiếc “thang vàng” khổng lồ buông từ trên trời cao khi mùa lúa chín, như là vân tay kỳ bí của đất mẹ mùa cày ruộng, như kính vạn hoa khổng lồ lấp lánh gương soi mùa nước đổ…, ruộng bậc thang Sa Pa không chỉ bao đời làm ra hạt thóc nuôi sống con người trên miền núi cao chót vót, khí hậu khắc nghiệt mà còn là bản sắc văn hóa, sức sáng tạo độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Người ta mải mê với những kì quan, thắng cảnh nhân tạo mà quên đi thứ vô cùng gần gũi này, có thể bắt gặp ở bất kì đâu trên các thung lũng. Nếu bạn muốn ngắm ruộng bậc thang thì có thể đi bất cứ mùa nào trong năm, mỗi mùa lại có những vẻ đẹp riêng. Mùa xuân và hè là màu xanh ngát của những cây lúa mới, đang đợi trổ bông, sang tháng 8 tháng 9 mùa thu, là sắc lúa chín vàng, đẹp ngút ngát, uốn lượn quanh những triền núi, sườn đồi. Đây được coi là khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang đẹp như mơ.

Ruộng bậc thang ở Sa Pa vàng ươm mùa lúa chín.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa vàng ươm mùa lúa chín.

Cung đường Sapa – Cát Cát – Mường Hoa – Tả Van – Lao Chải là nơi có quần thể ruộng bậc thang Sa Pa đẹp nhất. Đặc biệt là thung lũng suối Mường Hoa gồm ruộng bậc thang của các xã Tả Van, Hầu Thào, Lao Chải. Tại đây có những thửa ruộng bậc thang lớn nhất, với diện tích lên đến gần 1.000 ha.

Du khách sẽ hoàn toàn chìm đắm vào vẻ đẹp ngất ngây của những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp, rộng mênh mông. Hay đơn giản là những thửa ruộng bao quanh các nếp nhà. Nhỏ nhưng cũng khiến du khách nao lòng bởi vẻ bình yên nơi đây.

Những sóng lúa mênh mông, nối tiếp nhau trên những bậc thang, mang vẻ đẹp đến ngỡ ngàng.

Văn hóa và con người

Theo thống kê năm 2019, Sa Pa có diện tích 681,37 km², dân số là 81.857 người, mật độ dân số đạt 120 người/km².Đây là nơi sinh sống của dân cư 6 dân tộc Kinh, H’Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó, trong đó tỉ lệ người H’Mông chiếm chủ yếu. Với việc có đang dạng các dân tộc sinh sống, điều này đã thể hiện bản sắc văn hóa ở Sa Pa đa dạng như thế nào.

Những cậu bé, cô bé, những người phụ nữ dân tộc đen nhẻm, luôn diện lên mình bộ trang phục dân tộc truyền thống, luôn nở nụ cười tươi. Vẻ đẹp của họ như thấm nhuần vào tâm hồn những người làm nghệ thuật để rồi tạo ra bức ảnh chưa hề qua chỉnh sửa nhưng được đánh giá rất cao trong làng nhiếp ảnh, nhất là các nhiếp ảnh gia nước ngoài. Đôi mắt biết nói, nụ cười biết cảm, đôi tay khô ráp đầy màu nhuộm vải cũng là những điểm nhấn khó phai trong những bức ảnh chân dung những dân tộc thiểu số.

van hoa sapa trang phuc truyen thong sapa

Đến với nền văn hóa khác biệt đã thú vị, nhưng nếu may mắn đến đúng dịp lễ hội của du lịch Sapa thì bạn lại càng có cơ hội hiểu rõ hơn thêm về những dân tộc thiểu số, về đất nước và du lịch Việt Nam. Mỗi dân tộc ở đây lại có những phong tục tập quán, những nét đặc sắc văn hóa, những lễ hội khác nhau. Khi được trải nghiệm các lễ hội, bạn sẽ không khỏi trầm trồ bởi sự độc đáo nó mang lại.

Phải kể tới như Lễ hội xuống đồng ngày xuân của người Tày, với lễ rước đất, rước nước, các màn múa xòe..; hay Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ Tết nhảy của người Dao,… Hay nổi tiếng nhất là Chợ tình Sa Pa, nơi gặp gỡ của các nam thanh nữ tú các dân tộc với mong muốn giao lưu, kết bạn mới, tìm bạn đời.

Tất cả hòa quyện lại với nhau, tạo nên một nền văn hóa đa dạng, đa màu sắc mà không nơi đâu có được ngoài mảnh đất vùng cao Tây Bắc này.

Nếu bạn chưa từng một lần ghé thăm Sa Pa, hãy lên lịch ngay và chắc chắn mảnh đất Tây Bắc sẽ không làm bạn thất vọng!

Ảnh: Internet.

Wanderlust Tips | Cnet.