Đặc sắc nét văn hóa làng nghề truyền thống người Chăm
- 23/07/2016
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Champa, du lịch, Editor picks, Làng dệt thổ cẩm Phan Hòa, làng gốm Bàu Trúc, người Chăm, Ninh Thuận, Sa Huỳnh, văn hóa
(#wanderlusttips #NinhThuan) Ninh Thuận là một vùng đất có nhiều nét văn hóa riêng trong đó có nền văn hóa Chăm đặc sắc góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc địa phương Ninh Thuận nói riêng.
[rpi]
Nằm ở Cực Nam Trung bộ, thời kỳ Vương quốc Champa cổ, Ninh Thuận và Bình Thuận thuộc châu Panduranga của Champa. Đặc biệt, Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được ở Nhơn Hải của Ninh Thuận các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền văn minh Sa Huỳnh cách đây khoảng 2500 năm. Ninh Thuận còn là nơi gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
Người Chăm ở Ninh Thuận vốn được biết đến với rất nhiều nghề truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề dệt và một số làng làm nghề thuốc Nam được giữ gìn và phát triển.
Ba làng nghề truyền thống của người Chăm được công nhận chính thức gồm 2 làng dệt là Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng gốm Bàu Trúc. Trong đó, làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa.
Làng gốm Bàu Trúc nằm ở ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10km về hướng nam. Đây là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Làng gốm Bàu Trúc còn được coi như một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm. Ở nhiều nơi, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với mẫu mã phong phú. Nghề làm gốm ở đây rất công phu, trong đó, vật liệu đóng một vai trò rất quan trọng. Đó là một loại đất sét đặc biệt được lấy bên bờ sông Quao, đem về đó đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được trộn vào tuỳ thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Do đó gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác.
Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 – 6.000C trong vòng 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bầu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang theo vẻ “lung linh của nền văn hóa Chămpa”.
Ngày nay gốm Bàu Trúc phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ được ứng dụng chế tác phong phú hơn phục vụ du lịch và đời sống thẩm mỹ ngày càng cao của đông đảo dân chúng trong cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng. Nghề làm gốm cổ truyền Bàu Trúc đang được đệ trình hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Chăm tập trung ở hai xã Phan Hòa, Phan Thanh của huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết khoảng 80km về hướng Bắc. Theo truyền thuyết, mẹ xứ sở Pôlnư NaGar dạy cho phụ nữ Chăm nghề dệt để mặc và tôn vinh sắc đẹp.
Sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn viết: “Ở Lâm Ấp có cây cát bối hoa nở giống như lông ngỗng, rút lấy sợi làm chỉ thêu khăn, xiêm áo, có hình rồng Chăm, chim thần Garuda phục vụ vua chúa, cung đình”. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm vẫn còn giữ nhiều nét truyền thống như: những hoa văn, màu sắc đặc trưng được dệt trên loại khung dệt dài (Jih Dalah) chỉ có ở người Chăm, dệt ra những sản phẩm khổ hẹp dùng trong lễ nghi, tôn giáo. Hoa văn và hoa văn thổ cẩm Chăm là một đề tài phong phú thể hiện bản sắc văn hóa tộc người rõ rệt. Đó là một nền nghệ thuật dân gian độc đáo với óc thẩm mỹ, tư duy đơn giản mà khúc chiết, giàu có, liên quan đến yếu tố tín ngưỡng dân gian và dấu ấn tôn giáo của người Chăm.
Hiện nay ở làng dệt thổ cẩm Phan Hòa vẫn còn những chiếc khung dệt cổ truyền bằng gỗ Gõ, gỗ Trắc được đóng cách đây hàng trăm năm. Các giàn cán bông, cung bắn bông, xa quay kéo sợi vẫn còn thông dụng. Bông hái về phơi khô, cán lấy hột, dùng cung bắn cho bông bung ra trải thành lớp mỏng, lấy thanh tre cuộn lại thành con bông rồi móc vào xa quay kéo sợi. Muốn sợi chắc không bị đứt, bị xù lông khi dệt thì đem ngâm nước cơm, sau đó chải sợi, phơi khô, đánh ống. Nếu muốn sợi có màu lục thì nhuộm với cây tràm, màu đỏ nhuộm với lá trâm bầu, màu đen từ cây buông, màu vàng từ cây trừng…
Khi dệt, người thợ mắc sợi trên khung rồi ngồi trước khung đưa tay lòn con thoi qua lại và dùng sao dệt dập sợi tạo tiếng kêu lách cách nắt nhịp đều đều rất vui tai. Muốn tạo mô típ hoa văn, người thợ lành nghề có thể “bắt bông” cách điệu với những họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Từ bốn hoa văn cổ truyền xnh két, vàng cúc, trăng, đen đi trên nền đỏ, người thợ có thể tạo ra các loại sản phẩm như túi xách, ví, khăn, dây thắt lưng… thích hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và du khách.
Theo các nguồn sử liệu, thư tịch cổ, nghề dệt vải đã sớm ra đời trong cư dân văn hoá Sa Huỳnh và phát triển rộng hầu hết khắp nơi trong vương quốc Champa để đảm bảo nhu cầu may mặc, trang trí làm đẹp của cộng đồng dân cư và phục vụ yêu cầu của cung đình và tôn giáo Chăm. Những giá trị đặc trưng cơ bản vốn có của nghề dệt truyền thống Chăm được thể hiện đầy đủ trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực, gắn liền với đời sống tâm linh, phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, sinh hoạt lao động và sinh hoạt văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc riêng của của dân tộc Chăm trên mảnh đất Ninh Thuận hôm nay. Có thể nói, sản phẩm làng nghề của người Chăm ngày càng phát triển phong phú, đa dạng và rất được ưa chuộng, đặc biệt trên thị trường du lịch để làm quà tặng, sử dụng trong đời sống hàng ngày, trưng bày mỹ thuật, trang trí nội thất…
Wanderlust Tips | Cinet