Giấc mộng Phượng Hoàng

Đôi khi tôi vẫn thường tự hỏi, những gì tôi vừa ngắm nhìn và trải nghiệm có phải một giấc mộng? Những dãy nhà mái ngói cổ cong cong bên dòng đà giang lững lờ trôi. Những con đường lát đá loang loáng bóng nắng xuyên khắp cổ trấn. Những ồn ã, đông đúc khi màn đêm buông xuống hay sự tĩnh lặng, bình yên mỗi sớm mai… tiếng hát của người lái đò trên sông vừa trầm ấm, vừa mạnh mẽ hào hùng. Tôi đã bị đánh thức rồi sao, khỏi một giấc mộng mang tên Phượng Hoàng Cổ Trấn?

[rpi]

wanderlust tips giac mo phuong hoang3

NỖI BUỒN GẶP GỠ

Phượng Hoàng cổ trấn đã có lịch sử lên tới 1.300 năm tuổi, nằm ở Châu tự trị dân tộc Thổ Gia và dân tộc Miêu Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Tôi đặt chân tới đây vào buổi tối một ngày hè giữa tháng 8. Thời tiết ở Phượng Hoàng khá mát mẻ. Giữa những ngôi nhà hiện đại, Phượng Hoàng cổ trấn dần dần hiện ra với ánh đèn lung linh giăng mắc khắp những căn nhà và cầu cổ. Tôi hăm hở kéo vali trên con đường đá từng phiến to bản gồ ghề.

Thế nhưng khi đi sâu vào trong cổ trấn thì cảm xúc lần đầu tiên chạm mặt mà tôi tưởng tượng bỗng…lạc đi đâu mất. Tôi chợt  ngỡ ngàng bởi một cảm giác hụt hẫng và lạc lõng quá đỗi trong khi ánh mắt vẫn đang ngơ ngác tìm những mái ngói rêu phong trầm mặc, dòng sông Đà Giang thơ mộng như tôi hằng tưởng. Vậy mà chào đón tôi lại là cả trấn cổ ồn ã và rực rỡ ánh đèn.

Đã 11h đêm mà đường phố vẫn chật kín người, những cửa hàng kinh doanh ở khắp nơi, người mua vào ra tấp nập. Thậm chí trong một ngõ hẻm nào đó, do người qua lại quá đông đến độ… tắc đường. Bên bờ sông là các quán bar xập xình mở đủ các loại nhạc khác nhau. Có lẽ một người thích yên bình và hoài cổ như tôi khá thất vọng với sự thương mại hóa này.

Mặc dù không còn dịp cao điểm nhất, nhưng tôi được biết rằng cho tới tháng 11 cổ trấn vẫn sẽ đông đúc như vậy bởi đây là lúc thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Nếu không ngại cái lạnh phương Bắc, bạn có thể đi vào lúc cuối đông, đầu xuân, khi những bông tuyết cuối cùng đang tan khỏi những nhành cây để có thể tận hưởng một Phượng Hoàng tĩnh lặng hơn.

HỒN CỦA PHƯỢNG HOÀNG

wanderlust tips giac mo phuong hoang4

Gần nơi tôi ở là khu chợ, tiếng mua bán đã huyên náo lắm rồi. Chợ bán đủ mọi loại trái cây cùng các món ăn sáng của địa phương nên cũng khá tiện lợi. Băng qua khu chợ, tôi bắt đầu nhìn thấy thấp thoáng những mái ngói cổ kính, các tòa lầu cao hai tầng, mái cong vút, cửa số khắc hoa xinh xắn và cổ kính. Nếu ban đêm cổ trấn đầy những âm nhạc xập xình thì ban ngay nơi đây bình yên hơn, nhiều cửa hàng còn chưa mở cửa. Dòng Đà Giang vẫn lững lờ trôi, mọi người tập trung chủ yếu ở hai bên bờ sông, vừa trò chuyện ngắm cảnh, vừa vui vẻ dạo bộ. Tôi thở phào, có lẽ đây mới là cổ trấn nơi tôi hằng ao ước sau khi trải qua quãng đường hơn 1.500km và chút hụt hẫng ban đầu.

Vốn là một thành lũy quan trọng, Phượng Hoàng cổ trấn đã trải qua nhiều biến động lịch sử, các cuộc xung đột sắc tộc và trở thành một tòa thành có văn hóa pha trộn giữa người Hán và người Miêu. Phong cách kiến trúc “Phượng Hoàng” được thể hiện khá nổi bật trong những hợp viện, nhà cửa hay những cây cầu lớn ở cổ trấn, điển hình là cây cầu Hồng Kiều. Cầu Hồng Kiều cũng chính là cây cầu trung tâm của cổ trấn, được xây dựng từ năm 1615, như một căn nhà lầu dài, gồm hai tầng lầu bắc qua dòng Đà Giang. Cột cầu vẫn được giữ nguyên từ thời nhà Minh đến nay với các hoa văn được khắc chìm. Mái cầu được lợp ngói cổ âm dương dày dặn, đầu mái cong vút kiêu hãnh như phượng hoàng.

Từ đây, cây cầu chia toàn bộ cổ trấn thành hai phần: khu cũ và khu mới. Khu trấn cũ với rất nhiều di tích kiến trúc được bảo tồn khá tốt từ thời Minh. Khu trấn mới vẫn theo phong cách kiến trúc “Phượng Hoàng” nhưng những căn nhà có dáng dấp hiện đại hơn, chủ yếu là các quán cà phê, bar dọc dòng Đà Giang.

Đi sâu vào phía trong cổ trấn tới tận tường thành nham cát đỏ là các cửa hàng san sát nhau bán vô số các mặt hàng: đồ trang sức bạc của người Miêu sáng lấp lóa, những vò rượu thơm lừng của người Hán, đèn hoa đăng xinh xắn của người Thổ Gia, các món ăn vặt đặc trưng… Gần đó là những người bán rong với các sọt quả nặng trĩu luôn miệng mời chào du khách qua đường.

Mùi đậu phụ thối xen lẫn mùi bánh ngọt lan khắp cả góc phố tạo thành một hỗn hợp mùi hương thật kỳ lạ. Tiếng búa gỗ nện làm kẹo vừng kẹo lạc xen lẫn với tiếng hát ngân nga từ một cửa hàng bán trống gần đó. Rồi lại một góc xôn xao với người bán hàng đọc thơ vần nhịp để giới thiệu về món mỳ nổi tiếng của quán, tuy chẳng hiểu nội dung là gì nhưng nhịp điệu và biểu cảm của chàng trai đọc thơ khiến tôi cứ bật cười khanh khách….Từng ấy hình ảnh, âm thanh, hương vị khắc sâu vào tâm trí tôi một cổ trấn đặc trưng và cũng thật bình dị.

NƠI THỜI GIAN NGỪNG LẠI

wanderlust tips giac mo phuong hoang1

Chỉ cần bất thình lình rẽ vào một con hẻm, bạn sẽ lại chợt thấy vắng lặng vô cùng. Khác biệt hẳn với mọi sự náo nhiệt nơi trung tâm cổ trấn, những homestay nhỏ xinh nép mình yên tĩnh và có lẽ vài du khách vẫn còn đang say giấc. Ở một con hẻm khác lại là quán cà phê nhỏ với vố số chuông gió, bàn ghế gỗ mộc cùng những đồ trang trí nhiều màu sắc. Nhà nào cũng có khoảng sân nhỏ nhỏ với những cây cảnh xanh mướt từ cổng vào.

Đi tiếp tới tận cuối cổ trấn, leo lên các bậc thang cao vút, tôi như lạc vào một chốn xa xôi đã hoàn toàn tách biệt với thế giới hiện đại. Nơi đây chỉ có các cụ già người dân địa phương tập dưỡng sinh, họ chuyên tâm vào các bài tập hít thở và trình diễn những bài thái cực quyền đẹp mắt.

Đứng từ đây, toàn bộ khung cảnh hữu tình của cổ trấn được thu trọn trong tầm mắt. Những tòa nhà, hợp viện, đền đài… với mái ngói âm dương cứ thế nối tiếp nhau xa tít tắp, bao phủ quanh cổ trấn là núi rừng xanh tươi hùng vĩ, dòng Đà Giang chảy xuyên qua thành phố soi bóng lầu thành cổ kính càng làm khung cảnh thêm trữ tình, say đắm.

Hóa ra người ta yêu và muốn trở lại Phượng Hoàng cổ trấn đều có lý do cả. Bạn có thể tìm thấy những chốn sôi động phồn hoa, và cả những chốn thanh tĩnh an yên như lạc bước khỏi vòng xoáy bất tận của thời gian. Trong tay là một chiếc bản đồ đặc biệt làm bằng giấy bìa nhám (kiểu giấy cổ) là bạn đã có đầy đủ thông tin chi tiết về đường đi và các điểm thăm quan hay ho nhất của cổ trấn.

Nếu thời gian cho phép, bạn có thể khám phá thêm Miêu Trại để hiểu hơn về đời sống văn hóa dân tộc Miêu bản địa. Miêu Trại là một khu làng cũ, cách Phượng Hoàng cổ trấn 30-40 phút đi xe bus. Đến đây, bạn sẽ được đi thuyền xuyên qua hồ Chiyou xanh mướt, lướt qua hai bên đồi núi trập trùng đến cửa động Tiaoyue và lắng nghe tiếng hát hào sảng của các em bé người Miêu.

wanderlust tips giac mo phuong hoang2

W.TIPS

VISA

Visa du lịch Trung Quốc có hiệu lực không quá 15 ngày nên bạn nên tính toán kỹ lưỡng cho ngày đi và về. Thông thường lệ phí sẽ là 40USD/người trong 4 ngày làm việc. Nếu dùng visa đoàn thì ngày đi, ngày về, số người đi người về sẽ phải chính xác tuyệt đối.

NGÔN NGỮ

Người dân ở đây chỉ nói tiếng Trung mà không nói được tiếng Anh hay ngôn ngữ ngoại quốc nào khác. Các biển hiệu hay thực đơn cũng đa phần bằng tiếng Trung. Vì vậy để giao tiếp, bạn hãy học một số câu tiếng Trung cơ bản như: Xin chào: 你好 (Nǐ hǎo), Cảm ơn 謝謝 (Xièxie), Cái này giá bao nhiêu?: 多少錢?(Duōshǎo qián). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cài sẵn trên điện thoại phần mềm chuyển ngữ.

download 1
 

DI CHUYỂN

Có rất nhiều cách để di chuyển từ Hà Nội tới Phượng Hoàng cổ trấn.

♦ Cách 1: Bay 2 chặng Hà Nội – Quảng Châu và Quảng Châu – Trương Gia Giới, sau đó đi xe ô tô 230km từ Trương Gia Giới tới Phượng Hoàng cổ trấn.

♦ Cách 2: Bay chặng Hà Nội – Trường Sa, sau đó đi ô tô gần 500km từ Trường Sa tới Phượng Hoàng cổ trấn.

♦ Cách 3: Đi ô tô hoặc tàu hỏa từ Hà Nội tới Nam Ninh, sau đó tiếp tục đi tàu hỏa tới Trương Gia Giới, rồi từ Trương Gia Giới di chuyển bằng ô tô tới Phượng Hoàng cổ trấn.

♦ Cách 4: Đi ô tô hoặc tàu hỏa từ Hà Nội tới Nam Ninh, sau đó đi máy bay từ Nam Ninh tới sân bay Đồng Nhân cách Phượng Hoàng cổ trấn chỉ khoảng 50km.

14
 

LƯU TRÚ

Không có nhiều khách sạn ở trong cổ trấn, đặc biệt là khu trấn cũ. Vì vậy bạn có thể lựa chọn các homestay của người dân địa phương. Có các homestay với phòng nhìn thẳng ra dòng Đà Giang và các homestay ở trong ngõ ngách với sân vườn xinh xắn. Giá homestay tùy thuộc vào loại phòng bạn chọn và thời điểm bạn đi. Trung bình từ 400.000VND đến 700.000VND.

TIỀN TỆ

Tiền Việt và USD đều không tiêu được ở Phượng Hoàng cổ trấn, bạn nên đổi sang Nhân dân tệ từ Việt Nam sẽ được giá hơn. Nên mang theo USD để đề phòng, ở Phượng Hoàng cổ trấn, USD đổi sang Nhân dân tệ Trung Quốc sẽ có lợi hơn đổi ở Việt Nam. 1CNY = 3.400VND. 1USD = 6,5CNY.

Ở đây cũng có cây rút tiền ATM dành cho các loại thẻ quốc tế (Visa, Mastercard…) tuy nhiên hãy cân nhắc kỹ khi sử dụng do phí chuyển đổi ngoại tệ rất đắt.

Ở Trung Quốc, hiện tại rất phổ biến việc giao dịch và thanh toán bằng điện thoại thông minh cài phần mềm WeChat. Rất nhanh gọn và tiện lợi, kể cả là hàng rong.

images 2 1
 

ĂN UỐNG

Đồ ăn ở Trung Quốc khá nhiều dầu mỡ và cay nóng, đồ ăn ở Phượng Hoàng cổ trấn cũng vậy. Nếu không ăn được cay, bạn có thể dặn trước với nhà hàng.

Người Trung Quốc có thói quen uống trà nóng vì vậy ở các nơi thường có sẵn nước nóng. Nếu bạn muốn uống nước lạnh, các cửa hàng cũng có sẵn nước để lạnh nhưng không có đá, rất khó để tìm thấy đá ở đây, kể cả bạn vào nhà hàng.

Hoa quả ở Phượng Hoàng cổ trấn khá tươi ngon và rẻ. Bạn có thể ra chợ mua đào hoặc kiwi. Giá khoảng 5-10CN/cân Trung Quốc. 1 cân Trung Quốc = 0,5kg và người Trung Quốc đều sử dụng đơn vị đo lường này khi mua bán ngoài chợ.

Bên cạnh hoa quả thì có rất nhiều đồ ăn vặt hấp dẫn bạn nên thử như: bánh tép, trà sữa, nước ép quả…

images 4
 

MUA SẮM ĐỒ LƯU NIỆM

Bạn có thể thỏa thích lựa chọn cho mình các món đồ từ trang sức, trang trí nhà cửa, nhạc cụ cho tới đồ ăn uống về làm quà. Tại đây bạn có thể mặc cả với người bán để mua chúng với giá chỉ một nửa hoặc hai phần ba giá niêm yết mà thôi.

KHÁC

Một số trang như: Facebook, Google hay Instagram… bị chặn ở Trung Quốc nên nếu muốn truy cập vào thì bạn nên tải thêm các ứng dụng Betternet hay Hotspot Shield VPN cho điện thoại.

Vân Ly | Wanderlust Tips