Lê Bích – Người giữ nét tinh hoa Hà Nội

Gặp nhiếp ảnh gia Lê Bích vào một ngày cuối năm khi triển lãm ảnh cá nhân 2015 mang tên “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” chuẩn bị kết thúc, cuộc trò chuyện diễn ra trong khuôn viên đình làng Kim Ngân yên tĩnh, thư thả.

Xoay quanh chủ đề về chuyện nghề, chuyện đời, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã dành cho chúng tôi khoảng thời gian ít ỏi giữa bộn bề hàng ngày, để lắng nghe và chia sẻ về quãng thời gian gắn bó với nghề nhiếp ảnh.

Chào anh Lê Bích, sau một thời gian miệt mài với nhiếp ảnh về phố, nghệ nhân, làng nghề, nghe nói anh đã chụp gần hết những gì gọi là di sản ở Hà Nội?

Nói gần hết thì khó vì Hà Nội tuy nhỏ bé nhưng lại mang trong mình rất nhiều di sản quý giá và tôi cố gắng chụp càng nhiều càng tốt. Đợt triển lãm này, tiêu chí tôi đặt ra là những nghề đang có nguy cơ mai một nên chỉ có 26 nhân vật. Trong số những nhân vật này, có người đã không còn làm nghề nữa, có người đã bỏ nghề, có người đã truyền lại cho con. Tôi rất là tiếc. Những gì sắp mất đi và đã mất sẽ trở nên quý giá. Tôi muốn làm để sau này không cảm thấy tiếc nuối và cho thế giới biết là Hà Nội đã có những góc tinh hoa như thế. Hà Nội còn rất nhiều nghề cũ với rất nhiều nghệ nhân, nhưng các nghề cũ cũng đang cần người tiếp nối và phát triển, để không mất dần đi theo thời gian và sự phát triển của xã hội hiện đại.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích.

Anh đã chụp Hà Nội được bao lâu rồi?

Hà Nội là tình yêu nơi tôi lớn lên. Cơ duyên vào năm 2009, tôi đã tham gia phong trào phát động vẽ và viết về Hà Nội cho chương trình “Hà Nội 1000 năm”. Trong thời gian đó, tôi đã có cơ hội tìm hiểu khá sâu về văn hóa, cốt cách của người Hà Nội, người Tràng An thanh lịch. Hồi đó tôi đã làm một seri bài. Đây chính là cái đà và cũng là mảng đề tài đi theo tôi cho đến giờ. Khi làm việc với các nghệ nhân, tôi cố gắng lột tả những nét thật nhất có thể. Tôi đã chụp đi chụp lại rất nhiều để lựa ra tấm hình ưng ý nhất.

Những người tôi tiếp cận là những người tài năng và khiêm tốn. Tôi đến và gặp họ, đặt vấn đề một cách chân tình. Ban đầu họ không biết tôi là ai, họ giữ một khoảng cách nhất định nhưng sau khi biết công việc tôi định làm, họ đã giúp tôi rất nhiệt tình. Làm xong nhân vật này thì lại rút ra được kinh nghiệm cho nhân vật sau. Và tôi đã mất 5 năm để hoàn thành bộ ảnh này. Triển lãm diễn ra ngay tại trái tim phố cổ, nơi các nhân vật cảm thấy họ được tôn vinh tại chính nơi họ sống. Điều tuyệt vời hơn cả là sau đó tôi đã trở thành bạn của họ.

Được biết trước khi làm nghề nhiếp ảnh, anh đã có một công việc khác. Sau đó vì niềm đam mê này mà gần như anh chuyển sang hẳn công việc làm nhiếp ảnh. Song song giữa công việc mới và công việc cũ, anh thấy nó có bổ trợ cho nhau được nhiều không?

Trước đây, tôi từng làm việc cho một công ty nước ngoài và làm công việc quản lý trong nhiều năm. Bố tôi là họa sĩ, rất yêu cái đẹp và cũng có chụp ảnh. Đam mê nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh từ xưa nhưng việc kiếm sống vẫn phải đặt lên hàng đầu. Vị trí quản lý giúp tôi học hỏi về cách ứng xử giữa con người với nhau, đấy là kinh nghiệm để sau này khi đi làm nghề, tôi có cách cư xử đúng đắn với nhân vật của mình, tạo được thiện cảm với họ. Tôi cảm thấy họ được tôn vinh và có vốn sống để viết câu chuyện về họ.

Bây giờ khi đã ngoài 40 tuổi rồi, tôi nghĩ đã đến lúc sống với đúng đam mê và sở thích cá nhân, muốn được làm những gì mình thích. Tôi đã quyết định xin nghỉ việc và trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Niềm đam mê đặc biệt dành cho Giếng.
Niềm đam mê đặc biệt dành cho Giếng.

Ngoài tình yêu về Hà Nội, anh có thể nói gì về tình yêu đặc biệt của anh với Giếng?

Giếng cũng giống những nghề cũ, cũng đang bị mai một đi mỗi ngày. Không ai còn dùng đến giếng nữa, đặc biệt là ở Hà Nội. Có lẽ sang năm tôi sẽ trình làng bộ ảnh Giếng Hà Nội. Sẽ có những cái giếng khiến nhiều người rất ngỡ ngàng vì nó đã bị che đi, bị lấp đi. Giếng với người Hà Nội xa xưa không chỉ giữ vai trò lấy nước sinh hoạt, mà nó còn là nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa của mọi người, giữ vai trò tâm linh trong đời sống. Ở đình đền nào cũng có. Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, đền Bạch Mã, đền Kim Liên đều có giếng. Chỉ tiếc đến nay rất nhiều giếng đã bị lấp. Những cái còn lại, tôi sẽ cố gắng chụp hết. Tôi chọn đề tài là lưu lại bằng hình ảnh. Tôi đã chụp khoảng 30 giếng ở Hà Nội và gần 300 giếng khắp Việt Nam.

Ngoài Giếng và Nghệ nhân, anh còn chụp rất nhiều về Làng nghề?

Làng nghề là đề tài sâu đậm nhất, dài hơi và tôi xác định là làm cả đời không hết. Đã có nhiều làng nghề không còn nữa, có làng giờ chỉ còn 1, 2 người giữ nghề. Có rất nhiều người làm về đề tài này và tôi vẫn đang tìm con đường riêng để thể hiện sâu sắc nhất thông điệp là hãy gìn giữ làng nghề và lưu giữ nó bằng hình ảnh. Thời gian đầu tôi sẽ đi trải nghiệm hết các làng nghề, biết về làng nghề, lắng nghe những câu chuyện. Sau đó có thể tôi sẽ cố gắng cùng với những người cũng yêu thích làng nghề để làm những việc thiết thực, tôn vinh và gìn giữ.

Theo đuổi công việc mình yêu thích.
Theo đuổi công việc mình yêu thích.

Dự định của anh cho năm 2016?

Vẫn tiếp tục đề tài Giếng và Làng nghề. Về Giếng tôi đã hình thành khung xương rồi còn làng nghề thì vẫn đang tìm tòi, chưa có được cách đi riêng. Hai năm vừa qua, tôi đã đón giao thừa bên Giếng và chắc chắn năm nay sẽ vẫn vậy.

Cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Bích! Chúc anh sẽ lưu giữ được thêm nhiều hơn nữa những nét tinh hoa qua ảnh và làm được nhiều việc hơn nữa trong năm 2016 này!

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lam Linh | Wanderlust Tips 

Trả lời