Một Việt Nam “lạ” qua góc nhìn của điện ảnh phương Tây

Việt Nam luôn luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong điện ảnh. Nếu như các đạo diễn phim trong nước thường lấy chất liệu từ vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc hay thiên nhiên hùng vĩ thì các đạo diễn nước ngoài lại khai thác Việt Nam dưới một con mắt rất khác lạ. Và dưới đây là top 3 bộ phim nước ngoài thú vị nhất được quay tại Việt Nam.

[rpi]

NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (1958/2002)

Phiên bản “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American) với sự tham gia của tài tử Michael Caine và nữ diễn viên Đỗ Thị Hải Yến là bản làm lại từ phiên bản năm 1958. Bộ phim kể về mối tình tay ba giữa một nhà báo người Anh, một bác sĩ nhãn khoa Mỹ với một cô gái trẻ người Việt tên Phượng ở những năm cuối của kháng chiến chống Pháp. Trong phiên bản 2002, ta có thể dễ dàng nhận thấy những hình ảnh quen thuộc của phố cổ Hà Nội, cầu Cẩm Nam (Hội An) và đặc biệt ở cả hai phiên bản là hình ảnh Sài Gòn những năm 50.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Một Việt Nam “lạ” qua góc nhìn của điện ảnh phương Tây

Còn với “Người Mỹ trầm lặng” phiên bản 1958, ta có thể chiêm ngưỡng khách sạn Continential với kiến trúc thời thuộc địa ở thời điểm rực rỡ nhất của nó. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi còn ghi lại những thước phim về cây cầu ba vòm Pont des Trois Arches nổi tiếng tại khu vực Chợ Lớn mà ngày nay đã không còn tồn tại.

THE LOVER (1992)

Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud kể về mối tình giữa thương gia người Hoa 30 tuổi và cô gái người Pháp 15 tuổi theo mẹ đến sinh sống tại Việt Nam. Họ tình cờ gặp gỡ trên một chuyến phà từ Vĩnh Long sang Sa Đéc, sau khi trúng tiếng sét ái tình, vị thương gia đã đưa cô gái trẻ đến khu chợ người Hoa nơi anh ta sống.

Nét đặc trưng của người Hoa ở khu Chợ Lớn dường như là nguồn cảm hứng trường tồn và The Lover đã khai thác nét đẹp ấy rõ ràng hơn bất cứ bộ phim nào, từ chiếc đèn lồng đỏ, tục lệ đám cưới… Không chỉ vậy, vùng Sa Đéc, sông Mekong – nơi nhân vật nữ chính sinh sống vốn ít xuất hiện trong phim ảnh cũng hiện lên với những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp cổ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Từ góc nhìn của điện ảnh phương Tây

Xem The Lover, người ta không tránh khỏi cảm giác vừa hoài niệm vừa lạ lùng. Vẫn là lũy tre làng, những đàn trâu thong thả nhưng sự pha trộn giữa những nét truyền thống xen lẫn hiện đại sẽ khiến chính khán giả Việt Nam có thêm một cái nhìn khác về đất nước mình.

THỊ MAI – HÀNH TRÌNH ĐẾN VIỆT NAM (2018)

Xuất hiện nhiều trong điện ảnh Pháp và Mỹ nhưng dưới góc nhìn của người Tây Ban Nha, Việt Nam khi lên phim sẽ trông như thế nào nhỉ? Thị Mai – Hành trình đến Việt Nam (Thi Mai, Rumbo a Vietnam) đã mang đến một góc nhìn hài hước về đất nước mình.

Bộ phim kể về việc một bà mẹ người Tây Ban (Carmen) có con gái qua đời vì tai nạn giao thông, nhưng trước khi chết cô đã hoàn tất thủ tục nhận nuôi cô bé người Việt có tên Thị Mai. Bà mẹ tội nghiệp quyết định thực hiện một chuyến sang Việt Nam để mang đứa bé về vì đó là ước muốn của con gái mình.

Thông qua hành trình của bộ ba Carmen, Rosa và Elvira, người xem có một cái nhìn chân thực đến cười ra nước mắt về Việt Nam thời hiện đại, nổi bật là cuộc sống tấp nập tại thủ đô Hà Nội. Ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội, bộ ba đã có sự nhầm lẫn thú vị rằng người Việt theo đạo nên bịt kín mít ra đường. Song thực tế, đó chỉ là quần áo chống nắng, khẩu trang của phụ nữ Việt vào mùa hè thôi.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Từ góc nhìn của điện ảnh phương Tây

Bên cạnh hình ảnh đường phố tấp nập, ta còn thấy bao món ăn vỉa hè Việt Nam quen thuộc, những cảnh đẹp thiên nhiên trải dài từ Hà Nội tới Vịnh Hạ Long. Đặc biệt, Thị Mai là bộ phim điện ảnh hiếm hoi của nước ngoài thể hiện được tinh thần hiếu khách, thân thiện của người dân Việt Nam.

Không còn chiến tranh hay bom đạn, Việt Nam giờ đây hòa bình, hạnh phúc hơn trong con mắt của những nhà làm phim phương Tây. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng với nền du lịch Việt Nam bởi thông qua phim ảnh, nhiều du khách nước ngoài đã thay đổi cái nhìn về nước ta.

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cinet

One Reply to “Một Việt Nam “lạ” qua góc nhìn của điện ảnh phương Tây”