Nơi tìm mua hương vị ký ức
[Wanderlust Tips 09/2019] Tôi luôn có nhiều tình cảm với những ngôi chợ, đặc biệt là các khu chợ Việt nơi lưu giữ những hương vị nồng nàn của quê hương.
[rpi]
Đời sống văn hoá người Việt luôn gắn với chợ. Từ tấm bé, chúng ta đi chợ cùng mẹ, cùng bà, hoặc ít nhiều cũng đã từng đi ngang một cái chợ. Có khi là ngôi chợ có tường, có cửa, có cái tên. Có khi là một cái chợ “chồm hổm”, tự phát ven đường. Có khi đó là nơi mấy cái xe đẩy hàng rong tự dưng “mỏi gối chồn chân” mà nhóm lại thành chợ nhỏ, nay chỗ này, mai chỗ khác. Đến Tết, hẳn chúng ta cũng đi chợ. Chợ Tết tuy khác nhau từng vùng, miền và dù có đổi thay bao nhiêu, dù chúng ta có quên đi ít nhiều những chi tiết, không khí của chợ Tết vẫn đọng lại đấy, giữa muôn trùng những ký ức đáng nhớ và đáng quên trong vòng xoáy cuộc đời. Chợ là cái ồn ào; cái đậm đặc của những mùi; cái lộn xộn của những sự vật, sự việc; cái sặc sỡ của màu sắc; cái đổi thay của mùa, của tiết.
TUỔI THƠ TRONG NHỮNG NGÔI CHỢ
Lúc còn nhỏ, nhà tôi nằm giữa hai ngôi chợ, ở rìa của một ngôi chợ và chỉ độ mươi phút đi bộ là đến một ngôi chợ khác. Tôi nhớ má thường xách cái giỏ mủ màu xanh, mang đôi dép nhựa, đội nón lá, mặc bộ bà ba bông đi chợ. Nhiều lúc, bà dắt tôi theo, nắm lấy bàn tay bé bỏng của đứa con nít mắt tròn xoe đang hít hà cái không khí của chợ. Những bước chân thưở ấy của tôi lẫm đẫm dẫm vào những vũng sình trên con đường nhựa gồ ghề, nó luôn ướt, luôn sình lầy dù giữa cơn nắng hạ ban trưa.
Má thường đi đến đầu chợ (nhà tôi ở cuối chợ) rồi mới bắt đầu mua đồ. Đầu chợ là cái xe xá xíu, thịt quay, là cái hàng bán dưa cải đựng trong những cái keo miểng có nắp đỏ. Đôi khi má dừng lại mua đồ ở chỗ một người đàn ông mà tôi đã quên tên nhưng vẫn còn nhớ rõ cái nét mặt khô khốc, tần tảo của ông trong cái sạp hàng trước nhà. Căn nhà của ông có tường quét vôi màu trời và chân tường màu lá bị ám đen bởi “chợ”, hay chính xác hơn là của bất cứ thứ gì ông bán. Ông có mấy rổ rau tươi xanh mướt phía trước. Ông có cái thau ớt băm và tỏi băm mà ông thoăn thoắt múc vào từng bịch nhỏ, tuỳ khách mua bao nhiêu. Ông có cái tiệm chạp phô trong nhà, nơi khách có thể mua dầu ăn, mì gói, nước tương và cả sữa bột cho trẻ con.
Cách ông không xa là bà bán thịt. Bà có cái sạp là cái bàn gỗ to, cứng cáp, trên đóng một miếng mi-ca trắng và bày đủ các thứ thịt đỏ, hồng bên trên. Như tất cả các sạp hàng trong chợ nếu không có cái bạt, bà che một cây dù lớn, đế và thân dù đã xỉn màu, cả cái màu rỉ sắt đỏ cũng xỉn thành màu đen che chống cái dù mà vải đã sờn, rách te tua, vá chằng vá đụp nhưng vẫn làm tốt cái nhiệm vụ che nắng che mưa. Bà có con dao bầu và cây thép bà vẫn hay “liếc” dao vào cho bén làm vang lên cái tiếng két két của kim loại va vào nhau, nghe vừa sợ, vừa hào hứng. Chỗ sạp thịt lại gần lò bánh mì, nơi mà vào mỗi sáng sớm, khi mùi của chợ vẫn chưa nồng, bạn có thể hít hà cái mùi bánh thơm vừa ra lò, nghe hơi nóng phả vào mặt trong buổi tinh mơ còn lành lạnh đó. Và bên kia là bà bán bún. Những cái thúng bún của bà thật ra lại giống cái bội gà úp ngược hơn, lót lá chuối xanh mơn mởn. Bún cũng chia nhiều loại, bà có loại bún nhỏ chuyên ăn bún thịt nướng, bún lớn để ăn với nước lèo, bún bò là loại bún to chỉ chuyên ăn bún bò Huế, lại còn có hủ tiếu tươi, hủ tiếu mềm, bánh phở. Bà không có cái găng tay nào mà dùng cái bịch ni-lon lộn ngược rồi bóc bún, lại lộn cái bịch lại rồi cho lên cân, thoăn thoắt.
Cái ngôi chợ ấy nhốn nháo như bao cái chợ khác. Nó nhếch nhác. Nó nồng nặc những mùi cá, mùi thịt, mùi hành tỏi, mùi mồ hôi, mùi của cơ cực, của niềm vui, của dại dột, của hạnh phúc giản đơn một thời xa vắng. Không có cánh đồng, không có sáo diều, không có những ngày đánh đáo, bắn bi, tuổi thơ tôi chính là trong cái chợ đó – một miền ký ức.
FOOTSCRAY – CẤT MỘT TIẾNG RAO
Chợ Bi-lo ở Footscray (vùng ngoại ô phía Tây thành phố Melbourne, nước Úc) đã một thời là nơi sầm uất nhất cho đến cách đây vài năm khi chính quyền quận quyết định tăng phí gửi xe và biến cố hoả hoạn ở chợ Bi-lo khiến người dân chuyển đi xa hơn về hướng Tây – khu Sunshine. Chợ Bi-lo không phải tên là Bi-lo, nó có tên chính thức là “Little Saigon Market” nhưng chỉ với người Tây, còn với cộng đồng Việt Nam, nó vẫn được gọi là chợ Bi-lo, theo tên của siêu thị Bi-lo ở ngay cái vị trí xây chợ trước đây.
Cái chợ đó ngộ lắm. Nó giống lắm với những cái chợ có tên ở Việt Nam, nghĩa là có từng sạp, từng gian riêng biệt, trên có mái che, trước có cửa, bên hông có tường, có bãi giữ xe. Có thời gian hơn năm trời tôi ở vùng phía Tây nên hay bắt xe tram (xe điện chạy trên đường ray, bên trên có đường dây cáp) hay tàu điện lên đó đi chợ. Chợ có đến mấy sạp bán rau và trái cây. Sạp nào cũng đủ các loại rau Việt Nam và trái cây theo mùa, cái nào cũng tươi mơn mởn. Nào là rau muống, tần ô, cải xanh, xà lách xoong, nào là rau răm, ngò om, ngò gai, hành lá, tỏi tươi… Những ngày đó có khi chanh bán theo kí lô, có khi bán theo trái, ba trái 2 đô la hay đại loại vậy (chanh xanh thường mắc hơn chanh vàng). Có lần, tôi đứng lựa mãi được ba trái chanh to mọng nước, bà bán hàng nhìn mấy trái chanh còn nói chơi: “Lựa khôn vầy sao chế bán có lời?!”. Tôi cũng cười theo, thả vào lòng bàn tay bà hai đồng xu vàng đã xỉn màu. Hàng thịt ở đây thì khác xa sạp thịt ở Việt Nam vì phải theo quy chuẩn an toàn thực phẩm cực kỳ nghiêm ngặc ở Úc nên có tủ đông, tủ lạnh đầy đủ. Và ở đó, tôi tìm thấy những thứ mà những siêu thị lớn nhất của đất Úc cũng không có: trứng gà non, bao tử heo, lá sách, khăn lông, còn có cả đùi dê thui mà có vài lần tôi mua về làm lẩu. Tiệm chạp phô thì như một cái siêu thị thu nhỏ. Bao nhiêu gia vị đồ Việt, đồ Tàu, đồ Ấn, Mã-lai, Nhật, Hàn đều có đủ. Nước mắm có năm, ba loại, tuy có tên hẳn hoi nhưng vẫn được gọi theo cái cách thân quen của người Việt: logo hình gì gọi theo đó. Vậy là có nước mắm con mực, ba con mực, ba con cua, cánh buồm… Và gạo cũng vậy, có gạo bông hồng, thần tài, địa cầu, con lân…
Cái chợ ấy cũng bát nháo, tuy không nhếch nhác hay sình lầy nhưng cũng đượm mùi của chợ, của lá chuối lót hàng, của những hồ kiếng thả cá sống, cua Darwin, của những mùi hương thân quen giữa một chốn lạ. Và rồi đột nhiên, tôi nghe có tiếng rao:
“Xoài đây, xoài ngọt đây. Ba đồng một trái, mại dzô!”
“Mít đây bà con ơi, mít thơm đây!”
Chuyển động giữa cái nhốn nháo của ngôi chợ chính là những sạp trái cây với những người đàn ông đang vừa chuyển hàng vừa rao. Có cả người Việt và cả những người da đen. Tiếng rao của họ có khi rất chuẩn giọng của cái chợ trong ký ức của tôi, có khi lại lơ lớ như người miền ngược. Những con người không mang dòng máu Việt, không nói tiếng Việt, cũng chẳng ăn cái thứ mắm Việt nồng nặc ấy mà sao lại có thể truyền đi cái tính Việt Nam nồng nàn như thế?! Có nhiều ngày, chẳng vì lý do gì, tôi vẫn cứ đến chợ Bi-lo, chỉ để dạo quanh, lắng nghe tiếng ngôi chợ xôn xao, để ngửi cái mùi hương trái cây, hương hành tỏi, cảm nhận thứ tiếng quê hương lan toả giữa một nơi xa, để hồi tưởng lại tiếng rao ngày xưa của chợ, của những gánh hàng rong trong buổi trưa vắng lẫn tiếng lá dừa xào xạc sau nhà.
HƯƠNG VỊ TẾT Ở WESTMINSTER
Mùa đông nước Mỹ năm ấy đột nhiên ấm áp hẳn, mà dù không như thế thì miền Nam California có bao giờ lạnh, chỉ có cái nắng ấm áp và bầu trời xanh trong vắt trong một ngày giáp Tết. Chúng tôi đến Phúc Lộc Thọ ở Westminster chỉ vài ngày trước Tết. Đúng ra thì chúng tôi chỉ ghé ngang qua đây để dạo chợ Tết trước khi lên xe chạy ngược về Santa Clara ở phía Bắc tiểu bang. Phúc Lộc Thọ không chính xác là cái chợ mà là một trung tâm mua sắm thì đúng hơn. Hôm ấy, những sạp hàng bên trong vẫn còn thưa vắng, chỉ duy những hàng ăn như bánh mì Lee Sandwich thì đã đông khách đến ăn sáng. Bên ngoài, chợ hoa Tết đã sầm uất lắm rồi.
Nào đào hồng, nào mai vàng và có cái loại “mai Mỹ” tuy cũng vàng nhưng cánh lớn, rũ xuống, trông thiếu phần hân hoan ngày Tết. Có những sạp chỉ chưng toàn các loại lan, có lan hồ điệp, lan hài… Các giò lan đong đưa trong gió, hay có cả những bình lan đã cắm sẵn, bảo đảm chỉ cần đem về nhà phun sương, tưới nước thì ngày Tết sẽ nở đẹp thay. Ở một góc, người ta đổ đống những cành đào ra cho khách lựa, người bán sẽ tính tiền, rồi lấy dây và giấy bó lại thành từng bó cho khách mang đi. Bên một góc khác, những cành huệ đỏ rực rỡ sắc thắm trong cái nắng chan hoà, ấm áp làm tôi nhớ về những bàn thờ gia tiên năm cũ, cũng cúc vàng, cũng huệ đỏ, mâm ngũ quả đủ đầy bên bát nhang thoang thoảng mùi khói ấm. Tết thật gần, thật quen mà cũng thật lạ. Đã gần 10 năm, biết bao cái Tết xa nhà, biết bao ngày nấu bánh tét một mình, kho nồi thịt bé xíu, luộc trái khổ qua trong cái nắng hạ Nam bán cầu xa xôi… chợ Tết những ngày thơ vẫn cứ ám ảnh, vừa vui, lại vừa buồn. Cái sự hối hả của cả người bán và người mua, cái sặc sỡ của bánh mứt, cái đông đúc của những bà mẹ dẫn theo cả con nhỏ vừa được nghỉ học, cái rộn ràng của những bản nhạc xuân đã hát đi hát lại suốt bao nhiêu năm… chợ Tết của những ngày xưa ấy nhẹ nhàng thoảng qua như một làn khói mỏng mà sao lại thấy cay nơi khoé mắt đứa con xa xứ.
HÀNH TRÌNH TÌM MUA MẮM GIỮA AUCKLAND
Cách đây mấy hôm, giữa tiết trời cuối đông căm căm giá buốt của New Zealand, tôi thèm mắm. Thế là hẹn cả nhà cùng ăn bún mắm. Hôm ấy, tôi đi chợ sớm. Nói là chợ nhưng thật ra là một kiểu siêu thị châu Á, một kiểu lai giữa siêu thị và chợ. Ấy vậy mà cái “chợ” ấy cũng nhốn nháo lắm. Ở đầu chợ là dãy hàng rau. Mùa đông vẫn còn đấy nên các loại rau vẫn chưa nhiều như tầm đầu hè, các loại rau xà-lách xanh, đỏ, các loại bắp cải, cải thảo vẫn là chủ đạo với giá rẻ. Cam vàng hạ giá chỉ 99 xu một kí lô và giới hạn 2 kí lô mỗi người. Giá sống cũng hạ còn 99 xu một túi. Nhưng dưa leo thì mắc quá, một trái dưa leo telegraph (dài khoảng 4 phân) đến 4 đô la rưỡi. Hẹ thì một bó nhỏ cũng hơn 2 đô rưỡi. Mắc quá, nhưng cũng đành vì bún mắm mà không có hẹ thì thiếu đi cái vị của nó, nhất là mùa này thì làm gì đào ra rau muống hay rau chuối, vị đã mất nhiều thì chỉ còn được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thịt, cá, tôm, mực, bì, bún, thịt quay cũng đã mua đủ, duy có mắm thì không tìm thấy. Tôi đi qua đi lại gian hàng bán đồ hộp, đồ đóng hũ mấy bận, soi rõ từng kệ nhưng vẫn không tìm ra mắm.
Vác rất nhiều đồ ra khỏi chợ, tôi đến một ngôi chợ khác gần đó. Chợ này nhỏ hơn và vắng hơn nhưng vì có nhiều người Thái mua sắm nên tôi hi vọng họ sẽ có mắm. Thế nhưng lại thất vọng. Đến lúc này thì đáng lẽ có thể đổi sang làm bún cá hay tomyum nhưng tính cứng đầu làm tôi vẫn không chịu đầu hàng. Vậy là vẫn với gần chục kí lô đồ đạc, tôi bắt chuyến xe buýt đến Northcote – một quận nhỏ ở khu vực Bờ Bắc với một khu mua sắm đồ châu Á nổi tiếng. Thế rồi tôi vẫn phải ôm sự thất vọng đi thêm hai cái chợ khác cũng lớn không kém, nhưng ngoài cá khô và loại mắm tép bạc của Hàn Quốc ra thì tuyệt không thấy tăm hơi một hũ mắm cá lóc, cá sặc nào. Trời bắt đầu đổ mưa. Tôi về nhà nhưng cái cơn thèm mắm vẫn chưa thôi.
Sau khi đã làm bì, thính, luộc bún (ở New Zealand chỉ có bún khô), luộc cá, tôm, mực và làm món bì cuốn hay ăn chơi kèm với bún mắm, tôi bắt xe buýt đi vào trung tâm vì biết có một nơi chắc chắn có bán mắm. Từ nhà tôi đi vào trung tâm mất hơn nửa tiếng trên xe buýt, có khi gần một tiếng, tuỳ vào giao thông. Trời mưa rả rích và xe thì đông như kiến vì lúc ấy đã gần giờ tan tầm. Tôi đổi chuyến ở gần công viên Victoria và bắt một chuyến xe khác đi về phía đường K (gọi tắt của Karangahape), rìa phía Nam của trung tâm. Đối diện St. Kevins Arcade – chỗ làm cũ của tôi, chính là Lim Chhour – một trong những cái “chợ” châu Á lớn nhất ở Auckland. Trời không phụ người có lòng, cái chợ thứ năm đã mang về cho tôi hũ mắm cá sặc và cá lóc thơm phức.
Đứng trong bếp nhìn nồi nước cốt mắm đang sôi lăn tăn, toả ra cái mùi hương quê nhà đậm đà, tôi thấy mình Việt Nam hơn bao giờ hết. Có những lúc tôi đã nghĩ mình mất dần cái bản chất Việt khi ăn món Tây, món Tàu nhiều hơn món Việt, thậm chí tôi có khi đến hơn tháng không ăn cơm mà ăn mì, ăn khoai, bánh mì… Những ngày đông lạnh, tôi còn thường hay nấu ragu hay các món đút lò với sốt cà chua đậm đà và phô mai chảy béo ngậy, thơm phức. Vậy mà giờ đây, trong một chiều mưa lạnh căm, một mình trong căn bếp, nghĩ đến chuyện lùng kiếm cái thứ mắm quê nhà qua năm cái chợ xa nhau vời vợi, tôi thấy mình vẫn Việt Nam quá, vẫn nhớ quá cái xôn xao, cái đậm đà, cái nhốn nháo, cái sặc sỡ của khu chợ những ngày xưa ấy. Phải, xứ kiwi không có chợ Việt Nam, nhưng tản mác đâu đó vẫn là hình ảnh của những ngôi chợ, nơi văn hoá hội tụ, nơi có món bún khô, phở khô cạnh mì udon, cạnh tương ớt Tứ Xuyên, và ở một góc thật nhỏ giữa Auckland mênh mông, có một cái kệ hàng giữa một ngôi chợ bên rìa thành phố vẫn chất đầy những hũ mắm nồng nàn Việt Nam.
Alex Trần | Wanderlust Tips