Tết Hà Nội của tôi (P2)

Trong những khoảnh khắc kỷ niệm hiển hiện đầy sống động mỗi dịp tiễn năm cũ, đón Năm mới, có lẽ ấn tượng nhất chính là Hà Nội sáng Mùng Một Tết.

Âm thanh gọi Tết về

12459811_1093854483972444_1072901633_n-2

Đốt pháo giao thừa là tập tục mà chỉ có những người sinh ra trước thế kỷ 21 còn được chứng kiến. Tết năm 1995, việc sản xuất và đốt pháo chính thức bị cấm trên toàn Việt Nam, nhưng tôi không thể nào quên được mùi pháo thơm khi xưa. Tết đầu tiên không pháo, ra phố Mùng Một thấy lạ lẫm ngỡ ngàng. Với nhiều người thế hệ đầu 8X như tôi, tiếng pháo chính là âm thanh gọi Tết về. Nhiều năm nay, đêm giao thừa tôi vẫn thường cùng bạn bè đi xem bắn pháo hoa bên Hồ Gươm. Tiếng pháo rộn ràng nhưng cảm giác háo hức như thời còn thơ bé dường như không còn nữa.

Mùng Một Tết Hà Nội

Trong những khoảnh khắc kỷ niệm hiển hiện đầy sống động mỗi dịp tiễn năm cũ, đón Năm mới, có lẽ ấn tượng nhất chính là Hà Nội sáng Mùng Một Tết. Người bạn phương xa ăn Tết Hà Nội một lần, chẳng thể nào quên được. Khoảnh khắc ấy trong ký ức những ai được sinh ra và lớn lên nơi đây như tôi, càng in đậm trong tâm khảm.

Sáng Mùng Một năm xưa, đường phố ngập màu hồng vỏ pháo. Sau hai mươi năm, cảnh đường phố Hà Nội sáng Mùng Một lắc rắc xác pháo hồng đã trôi vào dĩ vãng. Bây giờ nó chỉ còn là một ký ức mà khi nhớ lại, tôi chợt nhận ra Mùng Một Tết thủ đô xưa còn những điều đáng để hồi tưởng.

Đó là một buổi sáng đặc biệt, nó dường như kéo dài suốt cả ngày. Đôi khi tôi không thấy buổi trưa và chiều đâu cả, chỉ đến khi trời tối thì biết là ngày Mùng Một sắp kết thúc.

đào

Buổi sáng Mùng Một Tết, mẹ tôi chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, bố tôi thảnh thơi bên ấm trà. Còn tôi hào hứng giúp bố xếp tiền mừng tuổi vào các bao giấy màu đỏ, biết rằng mình cũng sẽ nhận được tiền mừng tuổi giống như thế từ những người lớn. Sau đó, cả nhà đi chúc Tết ông bà, các bác. Rồi bố tôi sẽ về nhà để tiếp khách có thể đến chúc Tết hôm đó. Mẹ và tôi cùng các bác cô, các chị em đi chùa. Sáng Mùng Một Tết, chúng tôi thường đi các chùa ở gần nhà.

Buổi sáng đầu tiên của Năm mới, bước ra ngoài phố, thấy Hà Nội yên ả quá. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp mới hôm qua còn chiếm lĩnh mỏi nẻo đường. Buổi sáng Mùng Một Tết, mùa xuân phơi phới, tâm hồn thơ thới. Đi dọc những con phố thênh thang, vắng bóng người xe, cảm giác thật lạ.

Hà Nội ngày Mùng Một Tết bây giờ cũng vắng vẻ và yên ắng hơn ngày thường. Nhưng người ta cũng ra đường đi chơi nhiều hơn. Có những hàng quán mở xuyên Tết, sáng Mùng Một đã đông vui các nhóm bạn hẹn hò. Những lối sống mới không quá đối chọi với nếp xưa, miễn sao người ta được sum họp và vui vẻ bên nhau. Tuy vậy, tôi vẫn yêu ngày Mùng Một Tết như những năm xưa, những năm còn thơ bé.

Mùng Một Tết ngày xưa, tôi thích nhất được đến chúc Tết nhà người thân và bạn bè của bố mẹ. Vừa được nhận tiền mừng tuổi, vừa được ăn bao nhiêu món, thật là thích thú vô cùng! Mỗi nhà lại có một món gì đó khác nhà mình. Bánh, mứt, kẹo… tôi phải nếm hết ở mỗi nhà mà mình đến. Rồi còn bánh chưng, canh bóng, giò tai, nem, xôi, và vô vàn món nữa. Mỗi nhà nấu mỗi vị, mỗi nhà có những “món tủ” khác lạ để mang ra mời khách quý. Mọi người quây quần, xuýt xoa thưởng thức.

anh

Ngày xưa, quả thực các bà các mẹ có thời gian “bày vẽ” nhiều hơn bây giờ. Tôi còn nhớ bác dâu tôi có năm tỉ mẩn làm… bánh nhúng. Từng cái khuôn bánh được nhúng vào bát bột rồi nhúng vào xoong mỡ nóng già, bọn trẻ con tíu tít vây quanh xem lớp bột chín dần thành những chiếc bánh vàng rộm. Mẹ tôi thì không năm nào quên làm món nem. Có cô bạn thân của mẹ thì năm nào cũng phải tìm được một loại bánh hay kẹo mới nào đó để cho trẻ con. Nhà bác bạn bố tôi lại có chè hạt sen…

Giản dị vậy thôi, những ngày đầu năm ấy, đặc biệt là ngày Mùng Một Tết bình yên mà ngập tràn niềm vui, tiếng cười. Biết bao đổi thay diễn ra theo năm tháng, người ta ăn Tết ít nhiều đã khác đi. Nhưng mãi còn lắng đọng trong ký ức là những gì mình vốn thuộc về. Trong những chuyến ăn Tết xa nhà, vào ngày Mùng Một, tôi vẫn thường dành một khoảnh khắc ngồi bên tách trà nóng và hồi tưởng Tết Hà Nội của tôi.

Bài: Tú Bội Đào

Tranh: Họa sĩ Phạm Hà Hải

Trả lời