Tết Hà Nội của tôi (P1)

Yêu Tết Hà Nội, phải chăng bởi yêu cái không khí mùa xuân lành lạnh phương Bắc cho ta thu mình trong tấm áo ấm mà nhâm nhi những món mình thích? Hay bởi những điều chỉ có ở phố phường thủ đô mỗi dịp Tết đến Xuân về?

Ký ức đào Hà Nội

Với nhiều bạn bè tôi, những người cùng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thì Tết bắt đầu từ ngày 23 Tháng Chạp. Đó là khi các nhà làm mâm cơm cúng tiễn Táo Quân lên thiên đình họp báo cáo cuối năm. Nhưng với tôi, Tết bắt đầu ngay từ khi bố tôi nhắc chuyện mua đào.

hoa_dao_bang_vai_von (1)

Qua những ngày giá rét mùa đông, còn chưa ai kịp nhận ra mùa xuân đến từ bao giờ. Đó là lúc những cánh hoa đào đỏ thắm bắt đầu thấp thoáng trên phố, thực hiện nhiệm vụ báo hiệu Tết đang đến gần. Các vườn đào Nhật Tân trên mạn Hồ Tây lại náo nức đón khách. Bây giờ thanh niên thường kéo đến trong những bộ cánh thật đẹp, ríu rít tạo dáng, chụp ảnh cho nhau. Còn ngày xưa, khách đến Nhật Tân chỉ đơn giản là để mua đào, để ngắm cho đã mắt khu vườn xinh đẹp mà người trồng đào mất bao công chăm bẵm.

Sau khi ngắm nghía rất kỹ và theo dõi thời tiết, đến khoảng ngày 26-27 giáp Tết thì bố tôi sẽ mang đào về nhà. Năm thì bố mang về một cây đào thế uốn lượn cầu kỳ đặt trong chậu to giữa sân. Năm thì chỉ có một cành đào tròn xoe như cái ô úp ngược, cắm trong lọ lục bình. Có năm đào nở muộn vì trời lạnh quá, bố đắp vôi trắng vào gốc đào, chỉ qua một đêm là những nụ hoa bừng nở thành bông rực rỡ. Có năm trời ấm thì đào bung nở trước cả ngày giao thừa, bố lại mang về bao nhiêu sỏi đổ vào chậu hoặc lọ hoa để “hãm” cho đào nở chậm lại. Tôi thường tranh thủ xin bố mấy nắm sỏi để chơi “ô ăn quan”.

Bố tôi luôn chọn đào bích để chơi Tết. Bố bảo tôi, màu thắm đỏ của những bông đào rải đều khắp các cành sẽ làm cho ngôi nhà ấm cúng hơn, màu đỏ còn đem lại may mắn nữa. Ngày ấy, việc chọn đào luôn là của bố. Mẹ tôi chỉ việc treo lên đó những món đồ trang trí. Tôi luôn được giúp mẹ việc này, treo những cái bao bì mừng tuổi mà mẹ tôi đã buộc sẵn chỉ đỏ để móc lên các cành chi, cành tăm.
Với tôi, Tết Hà Nội luôn bắt đầu bằng sự hiện diện của hoa đào là bởi thế. Những bông hoa đào mỏng manh mà sắc thắm tươi sưởi ấm không gian đất trời, như lời chúc giản dị cho ngày Tết yên vui chốn Hà Thành.

Những năm tháng sau này du ngoạn nhiều nơi trên khắp ba miền đất nước, tôi được đến bao chợ hoa xuân. Chưa từng có chợ hoa nào mà tôi yêu như chợ hoa Hàng Lược ở khu phố cổ. Chợ chỉ họp mỗi năm một tuần vào dịp Tết. Đây không chỉ là chợ hoa xuân mà chính là phiên chợ hoa ngày Tết đặc biệt nhất của Hà Nội.

May mắn làm sao, ngày nay Tết Hà Nội vẫn thắm sắc đào, những khu vườn ở Nhật Tân vẫn nhộn nhịp mỗi dịp cuối năm, chợ hoa Hàng Lược vẫn đến hẹn lại rộn ràng suốt tuần trước Giao thừa. Bố mẹ tôi giờ đã thành ông bà, cuối năm vẫn chờ con cháu về chơi để khoe cành đào ông sắm được Tết này.

Hương mùi già chiều cuối năm

hoa-mui-gia-1-1389080127-662x0-1576-1389242263

Mẹ tôi thường bảo” Thiếu hương thơm của những bó mùi già nghĩa là Xuân chưa thật về”. Thế nên dù bận rộn đến mấy không năm nào mẹ quên mua một bó mùi. Sau khi dọn dẹp nhà cửa tươm tất, mẹ cuộn tròn hết những bó mùi già vào một nồi nước lớn, đặt đun trên bếp. Nước sôi, hương mùi nồng ấm, thơm thoang thoảng lan tỏa khắp gian bếp, lên thềm, ra sân. Hương thơm dịu nhẹ ấy không thể lẫn với những mùi hương khác. Nó còn vương mãi trên da thịt, ăn sâu vào ký ức mà không một thứ nước hoa nào sánh bằng. Hầu hết những đứa trẻ trong xóm như tôi thời đó đều được tắm nước mùi già, gọi là tẩy đi những bụi bẩn, buồn phiền của năm cũ để đón Năm mới vui vẻ hạnh phúc.

Thời gian trôi, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, cách đón Tết cũng giản đơn đi nhiều, nhưng phong tục tắm tất niên bằng nước lá mùi vẫn được giữ gìn. Một năm chỉ có một lần vào những ngày cuối năm, những người Hà Nội như tôi lại được đắm mình trong hương thơm rất riêng của lá mùi già.

Những ngày giáp Tết

Tôi còn nhớ Hà Nội hơn hai mươi năm trước, những năm 1985-1995, không khí Tết thật khác với bây giờ. Ngày đó, không khí Tết, hương vị Tết tràn ngập các ngôi nhà từ rằm tháng Chạp. Nhà nào cũng tíu tít chuẩn bị, mà tập trung nhất là khoản đồ ăn, thức uống ngày Tết. Dưới quê gửi lên mấy cân gạo nếp, đôi gà béo. Trên phố gửi xuống mấy gói bánh kẹo Hà Nội, mứt Tết phố Hàng Đường.
Hôm làm mâm cỗ cúng Táo Quân, cũng là ngày mẹ tôi bắt đầu bày mâm ngũ quả thật đẹp lên ban thờ. Các nhà đã lên danh sách luộc bánh chưng chung, rủ nhau mua lá chuối về rửa, mua lạt về ngâm cho mềm. Thường cứ sau ngày tiễn Táo Quân một, hai hôm, mấy gia đình bên đằng nội nhà tôi lại cùng tụ tập ở sân nhà bác Cả để gói bánh chưng và luộc bánh.

Ở giữa sân là từng thếp lá chuối xanh mướt, sạch láng và bó lạt thật mềm, một rổ gạo nếp trắng ngần, một nồi to những viên đậu xanh tròn vo được các bác gái và mẹ tôi nắm sẵn, một mâm đầy những miếng thịt trắng hồng lẫn nạc và mỡ lấm tấm hạt tiêu. Mọi người ngồi xung quanh gói bánh, trò chuyện râm ran. Bọn trẻ con chạy nhảy, chơi đùa, chốc chốc lại có đứa chạy đến bên bố mẹ nằn nì được thức đêm canh nồi bánh. Quả thật, thức đêm canh nồi bánh to như cái thùng phi, là một sự kiện tuyệt vời nhất đối với lũ trẻ con thành phố chúng tôi.

Banh_chung_(goi_khong_khuon)

Hàng ngày toàn đun bếp dầu, bếp điện, chứ hiếm khi nào chúng tôi được đun bếp củi. Thật thích khi được ngồi quanh bếp lửa hồng, nghe người lớn hướng dẫn thêm củi, thêm chấu, rồi vùi khoai, vùi ngô vào nướng ăn với nhau. Không khí ấm áp quá đỗi, giống như một buổi đốt lửa trại rất vui.

Cái cảnh gói bánh, luộc bánh tại gia như thế đã không còn nữa từ hơn mười năm nay. Cả những việc như muối củ kiệu, gói giò thủ, rang hạt bí, xào mứt… mà các bà các mẹ nhà tôi vốn rất khéo léo, thì cũng dần dần chấm dứt. Không còn cảnh các bà các mẹ tất bật những ngày giáp Tết. Ở Hà Nội ngày nay, tất cả các món ăn ngày Tết đều có thể được mua rất tiện lợi, từ bánh chưng đến nồi canh măng nấu sẵn. Tất nhiên đồ mua không thể giống như đồ mẹ làm, nhưng cũng coi như tạm đủ ngon để tiếp khách ba ngày Tết.

Nhịp sống Hà Nội trở nên hối hả, gấp gáp, việc chuẩn bị cho Tết cũng cần phải nhanh gọn. Thậm chí có nhà còn lên kế hoạch Tết đi du lịch nước ngoài, thế là cũng chỉ sắm Tết “phiên phiến” mà thôi. Vậy là chính lúc này, những ngày cuối năm, tôi mới cảm nhận đủ sự khác biệt của Tết xưa và nay.

Bội Tú Đào | Wanderlust Tips 

Trả lời