Tẩn Thị Su và giấc mơ Sapa O’Chau

[Wanderlust Tips tháng 3/2018] Tẩn Thị Su – cô gái dân tộc H’mong khiến bất cứ ai cũng có thiện cảm ngay từ lần đầu gặp gỡ bởi khuôn mặt rạng rỡ từ nụ cười cho tới ánh mắt. Và khi nghe cô gái ấy kể về hành trình thực hiện giấc mơ Sapa O’chau của mình thì niềm yêu mến ấy đã trở thành sự cảm phục sâu sắc, về tấm lòng chân thành và về những điều đẹp đẽ mà Su đang cố gắng làm cho những trẻ em nghèo ở Sa Pa.

wanderlust tips tan thi su va giac mo sapa ochau

wanderlust tips tan thi su va giac mo sapa o chau 4

Chào chị Su, được biết chị xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khá khó khăn, phải bỏ học đi làm sớm, chị có thể chia sẻ về quãng thời gian đó?

Vì nhà nghèo nên học hết lớp 5 mình đã phải đi bán hàng rong giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên việc bán hàng không ổn định, lúc bán được lúc không. Không bán được hàng thì không có gì ăn.

Điều may mắn là những du khách đến Sa Pa rất thân thiện, họ không khó chịu khi bị một lũ trẻ nhằng nhẵng bám theo. Họ còn sẵn lòng để dạy chúng mình một vài câu tiếng Anh cơ bản. Mình học từ đó, mỗi ngày thêm một vài chữ, rồi cũng đến lúc giao tiếp được với khách nước ngoài. Sau đó, mình bắt đầu công việc hướng dẫn viên du lịch cho các du khách đến Sa Pa.

Sau này khi có điều kiện mình tiếp tục học bổ túc lên các cấp 2 rồi cấp 3. Năm ngoái Su đã hoàn thành chương trình học hết lớp 12.

Trong thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, chắc hẳn chị đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Khi đi làm mình có rất nhiều kỷ niệm, có cả kỷ niệm vui và buồn. Tuy nhiên kỷ niệm Su nhớ nhất đó là lần mình gặp được những du khách rất tốt bụng. Khi đó mình chỉ khoảng 13-14tuổi và mới lên thị trấn làm việc, mình gặp một đôi vợ chồng người Hà Lan và dẫn họ đi chơi các bản làng ở Sa Pa. Lúc đó mình không nói được tiếng Anh nhiều nhưng họ không chê mình mà ngược lại họ rất ân cần và còn mời mình đi ăn. Sau 1 tuần họ rời Sa Pa, họ rất buồn và còn khóc khi chia tay Su. Đó là một kỷ niệm đẹp. Mặc dù chỉ là những du khách nước ngoài ghé thăm Sa Pa thôi nhưng nhờ sự đối đãi tốt chân tình với nhau mà chúng mình đã trở thành những người bạn tốt.

Người làm du lịch cũng cần tấm lòng chân thành để tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, phải vậy không?

Mình nghĩ rằng dù là du khách trong nước hay nước ngoài đến với Sa Pa thì mình là người địa phương cần đối đãi với họ thật lòng thì mới có thể thực sự trở thành những người bạn. Ban đầu họ là những người xa lạ nhưng người Việt chẳng có câu “trước lạ sau quen”. Chúng mình giao lưu với nhau về văn hóa, kiến thức, sự qua lại tạo nên nhiều kỷ niệm đẹp.

Tới nay chị và các tình nguyện viên đã xây dựng thành công Sapa O’Chau – doanh nghiệp xã hội với các hoạt động du lịch ý nghĩa. Điều gì khiến chị nảy sinh ý tưởng về Sapa O’Chau và chặng được thực hiện giấc mơ này như thế nào?

Nhiều người cũng hỏi mình vì sao mình lại thực hiện Sapa O’Chau, và mình trả lời rằng mình có được sự đồng cảm với các em có hoàn cảnh khó khăn và mình muốn làm điều gì đó để hỗ trợ các em có thể tiếp tục đi học. Vậy nên vào năm 2010, mình đã mở một lớp học tình thương đầu tiên cho các em nhỏ với mong muốn các em có thể biết đọc biết viết và nói tiếng Anh được tốt hơn. Mình nghĩ rằng như vậy các em sẽ dần tự tin trong giao tiếp, giúp đỡ cho công việc, thu nhập gia đình và cuộc sống hàng ngày cũng cải thiện hơn. Ban đầu lớp học chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng chỉ sau khoảng 3-4 tháng đã có hơn 100 em đi học. Các em giới thiệu cho nhau và tự tìm đến lớp học nhiều hơn.

Đến nay không chỉ tổ chức lớp học mà Sapa O’Chau còn giúp đỡ nhiều em có chỗ ăn ở. Tính đến thời điểm 2018 này, Su đang giúp đỡ 30 bạn đang học tại các trường cao đẳng, đại học và 57 em học sinh trong độ tuổi 16-20 tuổi vẫn đang tham gia lớp học. Các em nhà xa và cũng có hoàn cảnh khó khăn, khi lên thị trấn thường không có chỗ ăn chỗ ở gây ảnh hưởng đến học tập. Vì vậy mà Sapa O’Chau hỗ trợ điều kiện vật chất và cả tinh thần để các em có cơ hội tiếp tục học tập. Tại đây, các em được dạy về kiến thức, giao tiếp tiếng Anh và cả các kinh nghiệm, kỹ năng trong cuộc sống.

Sau khi học hết lớp 12, các bạn có thể học tiếp lên cao đẳng, đại học hoặc đi làm luôn. Các bạn có thể lựa chọn ở lại Sapa O’Chau làm việc hoặc các bạn học xong về du lịch cũng có thể trở về đây thực tập.

wanderlust tips tan thi su va giac mo sapa o chau 3

Vậy các hoạt động dịch vụ du lịch chính của Sapa O’Chau hiện nay là gì?

Nhiều người dân ở Sa Pa còn không biết chữ và không có nhiều kinh nghiệm trong làm du lịch nên Sapa O’Chau đã liên kết họ lại và giúp đỡ họ. Sapa O’Chau tổ chức các tour du lịch đến thăm các bản làng của người dân tộc, cung cấp hướng dẫn viên bản địa thông thạo khu vực và có thể nói tiếng Anh. Du khách tới đây có thể thăm quan khung cảnh thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương như làm ruộng nương, và sau đó còn có thể nghỉ lại tại các homestay.

Chị có đánh giá như thế nào về du lịch Sa Pa hiện tại? Chị nghị rằng cần làm những gì để du lịch nơi đây phát triển hơn?

wanderlust tips tan thi su va giac mo sapa o chau 2
Su nghĩ rằng một mình mình không thể làm được tất cả mọi thứ hay cũng không dám đánh giá mọi thứ trên cái nhìn về một phía của bản thân. Sa Pa có văn hóa và cảnh quan đẹp, vì vậy nếu mọi người cùng chia sẻ và đóng góp để Sa Pa có thể phát triển du lịch lâu dài thì rất tốt. Bản thân mình cũng đang cố gắng làm những điều trong khả năng của bản thân.

Sa Pa phát triển như bây giờ sẽ có nhiều người thấy những điểm tốt và xấu, đôi khi nó còn do cái nhìn tích cực và tiêu cực. Còn bản thân mình là một người dân địa phương, sinh ra và lớn lên ở đây nên mình chỉ mong Sa Pa phát triển nhưng vẫn gìn giữ được những điều tốt đẹp, những nét khác biệt riêng có. Đó là lợi thế về khí hậu, phong cảnh đẹp và văn hóa đa dạng của 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Còn để giữ được du khách hay để phát triển du lịch ở một địa phương thì nơi đó cần giữ được cốt lõi văn hóa. Các du khách yêu mến một vùng đất không chỉ bởi phong cảnh đẹp hoang sơ mà còn bởi chân tình của người dân bản địa nơi đó.

Trong tương lai gần, chị mong muốn điều gì và có ấp ủ những kế hoạch gì để phát triển Sapa O’Chau?

Hiện tại thì khu nhà sinh hoạt của các em ở Sapa O’Chau vẫn phải đi thuê nên kế hoạch trước mắt của mình là có riêng một khu nhà và không cần đi thuê mướn nữa, như vậy mình cảm thấy an tâm hơn và có thể giúp đỡ được nhiều em hơn. Về lâu về dài mình mong rằng có thể giúp đỡ được các em không chỉ ở Sa Pa mà còn ở các khu vực khác. Các em được tạo cơ hội tiếp tục đi học và có công ăn việc làm ổn định hơn. Và mình cũng hy vọng rằng mô hình của mình có thể chia sẻ rộng rãi để nhiều người biết đến và cùng thực hiện.

Cám ơn những chia sẻ chân thành của chị Su, chúc chị luôn mạnh khỏe và mong những dự định của chị về Sapa O’Chau sớm thành hiện thực.

Vân Ly | Wanderlust Tips