24h vui chơi miền Tây sông nước

Có rừng cây, sông nước, những di tích lịch sử đáng tự hào cùng vô vàn điều hấp dẫn ẩn giấu trên từng đường đi lối về, miền Tây cuốn hút du khách gần xa với vẻ đẹp độc đáo, mộc mạc và thân thương đến dạt dào.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | 24h vui chơi miền Tây sông nước

CHỢ NỔI CÁI RĂNG SÔI ĐỘNG CỦA MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, cách bến Ninh Kiều khoảng 30 phút đi bằng canô. Miền Tây Nam Bộ có nhiều chợ nổi song đây là khu chợ nổi trên sông lớn và nổi tiếng nhất. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền, người mua cũng biết mà tới. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại xuồng dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi…

LÀNG CỔ LONG TUYỀN – NÉT ĐẸP LÀNG QUÊ NAM BỘ

Cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 5km, làng cổ Long Tuyền được coi là nơi hội tụ phong khí văn hóa, tượng trưng cho vẻ đẹp sông nước miệt vườn miền Tây và là 1 trong số 5 làng cổ của Việt Nam đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận. Dù tới nay đã hơn 100 năm tuổi, trải qua mưa nắng thời gian nhưng ngôi làng Long Tuyền vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc trưng. Địa hình Long Tuyền đẹp như bức tranh với dòng sông Bình Thủy vắt ngang. Sông Bình Thủy dài 15km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra 30 con rạch lớn nhỏ, đan xen chằng chịt. Tới nay, làng cổ Long Tuyền còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa: nhà cổ Bình Thủy, đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã, chùa Hội Linh, chùa Long Quang…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | 24h vui chơi miền Tây sông nước

BẾN NINH KIỀU – BIỂU TƯỢNG CỦA CẦN THƠ

Tọa lạc giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, Bến Ninh Kiều thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều. Nơi đây vốn là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Năm 1876, quân Pháp chiếm Cần Thơ, bến sông được xây gạch, đá dọc theo bờ để ngăn sóng và trở thành bến tàu của xứ lục tỉnh – nơi giao thương buôn bán hàng hóa rất tấp nập. Vẻ đẹp của Bến Ninh Kiều đã đi nhiều vào trong thơ ca. Ngày nay, Bến Ninh Kiều được đầu tư để trở thành công viên du lịch có diện tích 7.000m², thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến ngắm cảnh, tản bộ, hóng mát trong chuyến du lịch miền Tây.

VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG RỘNG LỚN CỦA MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

Cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 60km, vườn cò Bằng Lăng thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Nơi đây thu hút hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con cò (cò trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc) từ các phương về cư ngụ. Chúng chao cánh và sà xuống những cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn… Tới đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu cảnh sinh hoạt thú vị của đàn cò đông đúc giữa vùng đồng quê thanh bình của đồng bằng sông Cửu Long. Để thấy được nhịp sống sôi động của vườn cò, du khách nên đi vào tháng 8 đến tháng Giêng âm lịch hàng năm. Riêng loài cò ma là từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Bên cạnh đó, khoảng thời gian từ 5-6 giờ sáng là lúc đàn cò cùng nhau tỏa đi kiếm ăn; khoảng 5 giờ chiều, đàn cò sẽ bay về sau một ngày dài vất vả. Đây đều là những thời điểm lý tưởng trong ngày để ghé thăm vườn cò, tận hưởng những giây phút cánh cò chao liệng tuyệt đẹp trong ánh bình minh sớm mai hay ráng chiều tà huyền ảo.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | 24h vui chơi miền Tây sông nước

RỪNG TRÀM TRÀ SƯ XANH MƯỚT TUYỆT ĐẸP

Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách thành phố Châu Đốc khoảng 20km và cách nội thành TP. Cần Thơ khoảng 130km. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Bên cạnh đó, rừng tràm còn chứa đựng những yếu tố văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư (đồng bào Khơ-me và Kinh) sống ven rừng với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật…

GHÉ MIỆT VƯỜN THƯỞNG THỨC HOA TRÁI MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi tới miền Tây chính là thăm những miệt vườn cây trái. Các miệt vườn thường rộng khoảng vài ha, với vườn cây trái xum xuê đủ loại phong phú: xoài cát, chôm chôm, dừa sáp, bưởi da xanh, thanh long, măng cụt… Mùa nào thức ấy, du khách đến thăm vườn quanh năm đều có hoa trái để thưởng thức. Bên cạnh đó còn có thể trải nghiệm thử làm nông dân với những hoạt động như tát mương bắt cá, làm nông dân thu hoạch trái cây… Qua đây, du khách phần nào hiểu hơn về cuộc sống lao động bình dị của người dân địa phương.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | 24h vui chơi miền Tây sông nước

TỚI VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc địa phận 7 xã của huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp có diện tích 7.588ha, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, trong đó có gần 200 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam, với nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới, điển hình phải kể tới sếu đầu đỏ. Tới thăm Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách sẽ được tham quan theo tuyến đường thủy trên những chiếc tác ráng, đi xuyên qua những cánh rừng tràm và đồng cỏ mênh mông, tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp và sinh hoạt thú vị của các loài chim chỉ có tại miền Tây.

LÀNG HOA SA ĐÉC – VẺ ĐẸP MIỀN TÂY HẤP DẪN

Làng hoa kiểng Sa Đéc nằm trong địa phận xã Tân Qui Đông, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo”. Làng hoa rộng khoảng 60ha với 600 hộ và 3.600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh. Tới đây vào bất cứ tháng nào trong năm du khách cũng được ngắm nhìn thỏa thích cả một rừng hoa với đủ màu sắc, hương thơm. Ở đây có những loại cây rất bình dị gần gũi với đời sống người lao động như: khế, cau, bùm sụm, sung, si, mai… và có cả các loại cây kiểng quí hiếm tuổi thọ hàng trăm năm.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | 24h vui chơi miền Tây sông nước

THẢ MÌNH GIỮA LÀNG NỔI TÂN LẬP

Nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) là một vùng đất ngập nước với sinh cảnh rừng tràm, sen – súng, lục bình, lúa ma điển hình của khu vực và là nơi cư trú của nhiều loại động vật (chim, cò, cá…). Len lỏi chạy xuyên qua làng nổi Tân Lập là rạch Rừng. Trước làng là dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hòa. Tới đây, du khách có thể tản bộ trên con đường xuyên rừng tràm, đi thuyền xuôi theo rạch Rừng, bao quát toàn cảnh rừng tràm mênh mông từ tháp quan sát, trải nghiệm câu cá đồng, cắm trại, thưởng thức ẩm thực đặc sắc…

THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHƯƠNG NAM

Nằm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khánh thành ngày 17/5/2014, tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Thiền viện được xây dựng trên diện tích gần 4ha với tổng kinh phí xây dựng là 145 tỷ đồng. Mục đích xây dựng Thiền Viện xuất phát từ tâm nguyện mong muốn khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý-Trần; lầu chuông, lầu trống được xây dựng theo tháp chuông Chùa Keo ở Thái Bình. Đặc biệt, 4 hạng mục trên được làm bằng gỗ lim, khoảng 1.000 khối được nhập từ Nam Phi. Riêng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện được làm bằng đồng, nặng 3,5 tấn; đại hồng chung nặng 1,5 tấn. Tượng Bồ Tát và các vị tổ sư được tạc bằng gỗ Du Sam có tuổi thọ 800 năm. Khuôn viên được bài trí cân đối như: Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), Chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược…

wanderlust tips 24h vui choi mien tay song nuoc6 1

NGÔI CHỢ CỔ CẦN THƠ HƠN TRĂM TUỔI 

Liền kề với Bến Ninh Kiều nổi tiếng miền Tây sông nước là chợ cổ Cần Thơ đã hơn trăm tuổi. Cư dân địa phương còn quen gọi là chợ Hàng Dương hay “chợ lục tỉnh”. Chợ cổ Cần Thơ được xây dựng khoảng năm 1915 cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây (TP HCM). Đây được xem là ngôi chợ có kiến trúc đẹp nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là nơi tập kết, buôn bán hàng hóa của khu vực Nam Kỳ lục tỉnh. Qua dòng thời gian, chợ đã xuống cấp nghiêm trọng nên vào năm 2005, nơi đây đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hàng tỷ đồng vừa đáp ứng nhu cầu giao thương mua bán, vừa giữ được bản sắc văn hóa cổ đồng bằng, tạo ấn tượng đẹp với du khách gần xa bởi nét kiến trúc.

CÁC NGÔI CHÙA NỔI TIẾNG Ở SÓC TRĂNG

Tỉnh Sóc Trăng là vùng đất có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa (dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ gần 29% ). Vì thế không có gì lạ khi đặt chân đến Sóc Trăng, hầu như huyện, xã nào cũng có sự hiện diện những ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau, tạo nên quần thể kiến trúc đẹp mắt, linh thiêng và tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của vùng đất Sóc Trăng nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều ngôi chùa song 4 ngôi chùa nổi tiếng nhất không thể bỏ qua là: chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Kh’leng (đều thuộc TP. Sóc Trăng) và chùa Chén Kiểu (thuộc huyện Mỹ Xuyên, cách trung tâm TP. Sóc Trăng 10km).

wanderlust tips 24h vui choi mien tay song nuoc7 1

KHÁM LỚN CẦN THƠ – DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA

Khám lớn Cần Thơ còn có tên là Prison Provinciale (“nhà tù tỉnh”) được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1878-1886 như một công cụ cai trị của chính quyền thực dân thời bấy giờ. Tồn tại qua hơn trăm năm, nơi đây chính là bằng chứng tội ác của thực dân và đế quốc cũng như minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt. Khám lớn Cần Thơ chia thành 2 khu, với 21 phòng giam tập thể (có sức chứa khoảng 30 người, nhưng có khi giam hơn trăm người) cùng nhiều xà lim nhỏ dùng để biệt giam. Ngoài ra, các hạng mục khác là: nhà chùa, nhà thờ, nhà bếp, nhà giám thị, nhà hướng nghiệp,… Bên cạnh đó, nơi đây cũng còn lưu giữ được một số các dụng cụ tra tấn, các hiện vật do tù nhân làm ra, cùng một số tranh ảnh, tư liệu quý…

DẠO CHƠI BÊN HỒ XÁNG THỔI NỔI TIẾNG MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

Từng là một nơi chỉ để chứa “rác sinh hoạt” của người dân thành phố, nhưng hiện nay, Hồ Xáng Thổi (còn gọi là Bờ Hồ) lại là điểm vui chơi nổi tiếng tại Cần Thơ, nhất là vào buổi tối. Với diện tích 6,5ha, du khách phải đi bộ đến mỏi nhừ đôi chân mới hết một vòng hồ. Mặc dù là hồ nhân tạo, nhưng nước bên trong hồ vẫn khá sạch vì được thay thường xuyên. Tới đây, bạn hãy dạo bước bên bờ hồ sẽ cảm nhận không khí trong lành dễ chịu, xung quanh là ánh đèn từ các khu nhà hắt xuống tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo. Bởi vậy mà không chỉ nhiều du khách tới đây dạo chơi, nhiều tay máy cũng thường tới đây “săn” các khoảnh khắc ấn tượng. Khi đã dạo chơi thấm mệt, hãy ghé một quán cà phê ven hồ để thưởng thức một ly nước mát lạnh và ngắm nhìn mặt hồ yên ả, tĩnh lặng.

wanderlust tips 24h vui choi mien tay song nuoc8 1

ĐẾN MIỀN TÂY GHÉ THĂM NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU BỀ THẾ

Khu nhà công tử Bạc Liêu (còn có tên gọi là nhà Lớn) được xây dựng năm 1919. Khu nhà gồm 2 tầng nổi bật bởi màu trắng sang trọng cùng kiến trúc Pháp lộng lẫy, bề thế. Nơi đây gắn liền với tên tuổi của vị công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy – công tử nổi danh nhất xứ Nam Kỳ đầu thế kỷ 20. Khu nhà nằm gần bờ sông Bạc Liêu, số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Từ nội thành thành phố Cần Thơ, theo hướng QL1A qua cầu Cần Thơ rồi đi thẳng, qua thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), qua TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), sau khi qua hết địa phận tỉnh Sóc Trăng là đến địa phận tỉnh Bạc Liêu. Quãng đường khoảng hơn 100km.

CHECK-IN TẠI CẦU ĐI BỘ CẦN THƠ

Cầu đi bộ Cần Thơ hay còn được người dân địa phương gọi là cầu Tình Yêu, bắc qua rạch Khai Luông, nối Bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế. Cầu bằng bêtông cốt thép bán vĩnh cửu, dài gần 200m, rộng 7,2m, tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Mặt cầu được thiết kế cách điệu uốn lượn hình chữ S tượng trưng cho đất nước. Tại hai phần cầu mở rộng được bố trí hai đài hoa sen. Trên cầu trang bị hệ thống đèn led màu được điều khiển theo những kịch bản khác nhau tạo nên vẻ đẹp sinh động và hiện đại. Bên ngoài lan can ở thành cầu là hệ thống cây xanh, bồn hoa càng tạo nên vẻ đẹp ấn tượng đặc trưng của miền Tây.

Wanderlust Tips | Cinet

Comments are closed.