5 món ăn ngon tưởng chừng như “biến mất” của vùng đất Phan Thiết

Dưới đây là những món ăn tưởng chừng như “biến mất” ở Phan Thiết như chả giò cá trích, măng le Bình Thuận kho giò heo cuốn bánh tráng mè Phú Long, cá nục kho ớt sừng Phan Thiết, chang chang nấu khế/ chùm ngây, bánh Hòn.

1. CHẢ GIÒ CÁ TRÍCH

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips 5 món ăn ngon tưởng chừng như "biến mất" của vùng đất Phan Thiết

Cá trích là một loài cá biển thân nhỏ, nhiều vảy bạc, xương mềm. Ai là dân xứ biển đều biết loại cá này, cá trích thường được chiên xù, nướng, hấp, chiên xốt cà, làm gỏi đều rất ngon nhưng món chả cuốn cá trích không phải ở đâu cũng có. Chả cuốn thực ra là chả giò cuốn, tức món ăn làm bằng bánh tráng cuốn lấy nhân bên trong sau đó chiên vàng giòn. Sở dĩ ở Phan Thiết có món chả cuốn cá trích là vì cá trích ở đây rất phổ biến. Loại cá này ăn không tanh, thịt lành, ngọt mát, mềm, rất hợp ăn với bánh tráng.

Khi ăn chả giò cuốn cá trích thì dùng miếng bánh tráng mỏng lót trên lòng bàn tay, trải rau xà lách, tía tô, vài sợi xoài xanh bằm hoặc một lát khế chua, rồi mới cho chả cuốn cá trích đã được chiên giòn lên trên, cuốn lại chặt tay. Hương vị đầu tiên thực khách sẽ cảm nhận được là vị đậu phộng beo béo trong nước chấm, vị cá biển đậm đà lẫn trong cái chua chua của xoài, giòn tan của bánh tráng chiên giòn. Ăn kèm với món chả cuốn cá trích còn có một đĩa nem chua, chả lụa và trứng luộc để cuốn chung với bánh tráng cho thêm nhiều hương vị.

2. MĂNG CUỐN BÁNH TRÁNG

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips 5 món ăn ngon tưởng chừng như "biến mất" của vùng đất Phan Thiết

Măng le với vị đặc trưng giòn ngọt, không đắng chát là loại rau rừng “khoái khẩu” của nhiều người. Mùa măng le thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, rộ nhất là tháng 7 âm lịch vì đây thời gian cao điểm mùa mưa. Măng le ngon nhất là loại mới chỉ mọc nhú dưới đám lá khô hay trong các hốc đá. Do các bụi le có tán thấp và rậm rạp nên người đào măng phải luồn, lách vào bụi le, dùng dao đào lớp đất chung quanh cho đến lúc có thể lấy tay bẻ măng.

Món măng cuốn bánh tráng thì phải dùng măng khô mới thích hợp. Măng khô có độ dai hơn măng tươi sẽ làm món măng cuốn bánh tráng ngon hơn gấp nhiều lần. Bỏ măng khô vào luộc sơ qua, sau đó xé măng thành từng sợi nhỏ, luộc đi luộc lại nhiều lần. Sau mỗi lần luộc, đổ nước và ngâm chừng vài tiếng trong nước lã rồi tiếp tục luộc lại, ngâm càng nhiều thì miếng măng càng trắng vàng rất đẹp mắt. Khi nào nếm thử thấy măng không còn vị đắng là đạt yêu cầu, vì khi ninh nhừ với thịt, thịt có thể mềm nhưng măng rừng vẫn giữ nguyên sợi dai mềm, giòn.

3. CÁ NỤC KHO ỚT SỪNG

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips 5 món ăn ngon tưởng chừng như "biến mất" của vùng đất Phan Thiết

Với người dân Phan Thiết, món cá nục kho càng ngon hơn khi sử dụng cá nục tươi được đánh bắt tại vùng biển Phan Thiết – Bình Thuận để chế biến. Khi cá nục rộ nhiều, người Phan Thiết thường chọn những con cá nục thật tươi để chế biến, vừa thơm ngon, vừa giữ được vị béo ngọt của thịt cá.

Món cá nục kho ớt sừng có một điểm rất khác biệt trong chế biến là bẻ đầu nhét vào bụng cá. Đây cũng là cách vừa tạo cho con cá nục kho căng tròn hấp dẫn vừa làm cho miếng cá (nhất là những người thích ăn đầu) thêm thơm ngon khi thấm đều gia vị.

4. CHANG CHANG NẤU KHẾ

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips 5 món ăn ngon tưởng chừng như "biến mất" của vùng đất Phan Thiết

Chang chang là loài nhuyễn thể sống trong môi trường nước ngọt vùi mình trong sình bùn ven sông hoặc dưới đáy sông. Loại sò này sống nhiều ở Bình Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, chúng có quanh năm nhưng nhiều nhất là sau Tết Âm lịch, rồi rộ lên từ cuối tháng 3. Nói rộ nhưng số lượng chang chang không nhiều, muốn ăn phải dặn trước người đi mò chừng mấy ngày trước đó.

Vào những ngày hè oi bức, các bà nội trợ vẫn thường tìm mua chang chang về nấu món canh với khế. Canh chang chang có tác dụng giải nhiệt cơ thể, tốt cho sức khỏe. Với món canh dân dã này cũng đủ làm xao lòng những thực khách phương xa.

5. BÁNH HÒN

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips 5 món ăn ngon tưởng chừng như "biến mất" của vùng đất Phan Thiết

Bánh hòn được làm từ bột năng có màu trắng và mịn. Sau khi bột được nhào kỹ vo thành những viên tròn như hòn bi có hạt đậu phộng ở giữa, đem hấp cho đến khi chuyển sang màu trong, thì vớt ra rổ cho ráo nước. Kế tiếp là rắc dừa non bào thành sợi cùng với mè rang trộn đường. Vậy là có món bánh hòn thật hấp dẫn. Miếng bột dai dai, trộn lẫn vị bùi bùi của đậu phộng. Cứ cho từng viên nhỏ xíu vào miệng, và tận hưởng hương vị lan tỏa trên đầu lưỡi.

Wanderlust Tips | Cinet