Dấu ấn tôn giáo trên các vùng đất thiêng và huyền bí

[Wanderlust Tips tháng 8/2018] Cùng Wanderlust Tips khám há 5 thánh địa tôn giáo lớn và quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Từ xa xưa con người đã tìm ra một thứ sức mạnh vạn năng để chiến thắng những thiên tai do thiên nhiên giáng xuống, đó chính là niềm tin tôn giáo. Và cho đến ngày hôm nay, niềm tin tôn giáo đã ăn sâu trong ý thức của hàng tỷ tín đồ trên khắp thế giới, chi phối nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi người. Cũng vì niềm tin tôn giáo ấy mà hàng năm, hàng triệu tín đồ đều hành hương về những thánh địa linh thiêng của tôn giáo mình để tỏ lòng thành kính sâu sắc, đồng thời cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Tìm hiểu về những thánh địa tôn giáo quan trọng của thế giới cũng là cách để hiểu thêm về khởi nguồn các tôn giáo lớn, và những nét văn hóa đặc trưng trong cuộc sống của các tín đồ.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Dấu ấn tôn giáo trên các vùng đất thiêng và huyền bí

1. JERUSALEM – NGÃ BA GIAO THOA CỦA BA TÔN GIÁO LỚN

Jerusalem nằm ở phía đông thành phố Tel Aviv, Israel và là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới. Khác với những thành phố hiện đại, nhộn nhịp tại Israel, Jerusalem cổ kính với các công trình kiến trúc đậm màu sắc tôn giáo. Đặc biệt, nơi đây được coi là ngã ba gặp gỡ của các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của 3 tôn giáo lớn bậc nhất thế giới: Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Chính cuộc giao thoa đó đã khiến cho du khách mỗi khi tới thành phố này đều nghĩ ngay đến sự thiếu an toàn, chia rẽ hay xung đột. Tuy nhiên, trên thực tế, dù cùng song song tồn tại cả 3 tôn giáo nhưng những giáo dân tại đây rất đoàn kết, họ đều dành sự kính trọng của mình đối với vùng đất Thánh này.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Dấu ấn tôn giáo trên các vùng đất thiêng và huyền bí

Thành lập vào khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Jerusalem đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, với hai lần bị tàn phá, hàng chục lần bị vây hãm, tấn công, xâm chiếm và tái thiết. Người ta nói rằng trong mỗi lớp đất của Jerusalem đều ẩn chứa những phần khác nhau của lịch sử. Và Jerusalem luôn mang trên mình vẻ lung linh, huyền ảo như những giá trị tôn giáo linh thiêng ẩn chứa trong nó.

Trái tim của thành phố Jerusalem chính là Thành cổ Jerusalem nơi thánh địa mà ba tôn giáo cùng tồn tại. Thành cổ được bao bởi một bức tường khá cao ngăn cách với thành phố Jerusalem hiện đại. Các lối đi nhỏ cùng công trình kiến trúc đã chia khu vực này thành 4 khu: khu Hồi giáo, khu Thiên Chúa giáo, khu Do Thái và khu người Armenia. Đặc biệt, dù chỉ rộng chưa đầy 1km2 nhưng nơi đây nắm giữ những địa chỉ hành hương quan trọng bậc nhất của cả ba tôn giáo lớn: Hồi Giáo, Thiên Chúa và Do Thái.

Theo các tài liệu lịch sử, hơn 3.000 năm trước, vua David chọn Jerusalem làm kinh đô của Vương quốc Israel. Sau đó, con trai của ông là vua Solomon, trị vì từ năm 970 – 931 TCN, bắt đầu xây dựng đền thờ đầu tiên tại đây. Vì thế, người Do Thái giáo xem đây là vùng đất thánh, nơi có Bức tường Than khóc, dấu tích cuối cùng của ngôi đền thờ của những người theo đạo Do Thái đã bị các tôn giáo khác và các dân tộc khác hủy hoại, đẩy dân tộc họ vào nạn diệt chủng.

Trong khi đó, mọi tín đồ Thiên chúa giáo trên thế giới đều hướng về Thành cổ Jerusalem, nơi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá. Theo kinh Tân Ước, nơi đây còn được tôn sùng là đồi Golgotha (hay còn gọi là đồi Calvary), là nơi Chúa Giê-su được mai táng và cũng là nơi Chúa được phục sinh trong 3 ngày. Ngày nay, Nhà thờ Mộ Thánh đã trở thành địa điểm hành hương của tín đồ Thiên Chúa giáo toàn thế giới. Còn theo kinh Qur’an, Jerusalem là điểm dừng chân trong hành trình Đêm kỳ bí của Nhà tiên tri Muhammad để cầu nguyện cho những linh hồn của tất cả những nhà tiên tri. Do vậy, đây cũng là nơi mà các tín đồ Hồi giáo thường tới thăm, đông nhất là trong tháng ăn chay Ramadan. Cách đó không xa, đền thờ Mái vòm bằng vàng Dome of the Rock được cho là nơi nhà tiên tri Muhammad đã bay lên thiêng đàng trên con ngựa có cánh. Vì thế, Jerusalem là thánh địa quan trọng thứ 3 của người Hồi giáo, chỉ sau Mecca và Medina ở Ả Rập Saudi. Đền thờ Al-Aqsa, một trong những đền thờ đầu tiên của người Hồi giáo, cũng nằm trong khu vực Thành cổ.

2. MECCA – VÙNG ĐẤT THIÊNG CỦA NGƯỜI HỒI GIÁO

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Dấu ấn tôn giáo trên các vùng đất thiêng và huyền bí

Đối với người Hồi giáo, không có thành phố nào thánh thiện hơn Mecca. Đây là nơi sinh của nhà tiên tri Muhammad, cũng là trung tâm của sự phát triển đức tin và thực hành Hồi giáo.

Theo luật Ả Rập Saudi chính thức, chỉ những người Hồi giáo “thực sự” mới có thể vào thành phố. Mecca (Makkah al-Mukarramah) thuộc Ả Rập Saudi, nằm bên dãy núi Shadad và là thủ đô tinh thần của Hồi giáo. Hàng năm, vào ngày lễ Ramadan, những tín đồ đạo Hồi từ khắp nơi trên thế giới sẽ tìm về đây để cầu nguyện nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Một trong những lý do làm nên sự linh thiêng Mecca chính là Kaaba (Khối lập phương) được xây dựng quanh hòn đá đen linh thiêng. Đây là địa điểm đầu tiên trên thế giới được dùng làm nơi thờ phụng của người theo đạo Hồi, được xem là “Nhà của Allah”. Thậm chí nhiều tín đồ Hồi giáo còn tin rằng nơi này có trước khi đạo Hồi xuất hiện. Kaaba cũng là nơi mà tất cả các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới phải hướng mặt về khi cầu nguyện.

Chính vì mang trong mình sự linh thiêng của tôn giáo có lượng tín đồ đông thứ hai nhất thế giới mà hàng năm Mecca đón tiếp hàng triệu tín đồ hành hương và khách du lịch đến thăm, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất vùng Trung Đông. Đặc biệt đối với những người theo đạo Hồi, họ đều cố gắng thực hiện lần lượt hết các “nghĩa vụ” đối với đạo, bao gồm: Niệm, Lễ, Trai, Khóa, Triều thì mới có thể an lòng nhắm mắt xuôi tay. Theo đó, hàng năm, hàng triệu tín đồ Hồi giáo vẫn đều đặn đổ về thánh địa Mecca để thực hiện nghĩa vụ “Triều” yêu cầu các tín đồ đạo Hồi phải hành hương về Thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời. Việc hành hương bắt buộc người tham gia phải tự bỏ ra mọi chi phí bằng số tiền mình kiếm được, không vay mượn. Cuộc hành hương đó gọi là Hajj, được tổ chức thường niên và diễn ra sau khi tháng ăn chay Ramadan kết thúc. Trong lễ Hajj, các tín đồ sẽ đi 7 vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh Kaaba. Và bất chấp hàng năm đều xảy ra những tai nạn chết người, thì biển người hành hương vẫn đều đặn đổ về vùng đất Thánh Mecca của họ.

Bên cạnh thánh đường Al-Masjid al-Haram với Kaaba linh thiêng, một trong những thánh tích của Mecca còn phải kể đến hang động Hira ở ngọn núi Ánh sáng, nằm cách Mecca khoảng 3km. Đây được cho là nơi nhà tiên tri Muhammad đã dành rất nhiều thời gian thiền định. Họ tin rằng ông đã nhận được sự mặc khải đầu tiên của mình từ Thiên Chúa bởi Tổng lãnh thiên thần Gabriel bên trong hang động này.

Mecca đọng lại trong tâm tưởng của người lữ hành về tất cả những điểm đến và văn hóa phong tục đều ghi dấu ấn của đạo Hồi. Sự phản chiếu của tôn giáo trong luật pháp cũng như phong tục của người dân địa phương cũng rất rõ ràng. Tại Mecca, bạn không được phép thực hiện bất kỳ nghi lễ nào ám chỉ đến các tôn giáo khác. Phụ nữ phải mặc quần áo rộng và che đầu bằng khăn trùm. Đàn ông không được phép mặc quần soóc trên đường phố. Đồng tính luyến ái là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi nào liên quan đến những điều này có thể khiến bạn phải chịu những hình phạt nghiêm trọng.

3. VARANASI – NƠI ÁNH SÁNG CỦA CÁC VỊ THẦN CHIẾU XUỐNG

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Dấu ấn tôn giáo trên các vùng đất thiêng và huyền bí

Nhắc đến Ấn Độ, người ta sẽ nghĩ ngay đến sông Hằng, đến nền văn minh cổ xưa vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn đến tận ngày nay. Và cũng không thể bỏ qua Varanasi, thánh địa của hai tôn giáo lớn: đạo Hindu với dòng sông Hằng huyền bí, và đạo Phật với Sarnath – một trong “tứ động thánh tích” của Phật giáo.

Thần thoại của người Hindu kể rằng sông Hằng chảy từ thiên đàng xuống thẳng hạ giới, vì vậy ngôi nhà thực sự của sông Hằng theo Ấn Độ giáo là ở thiên đàng, mà đỉnh Himalaya chính là nơi bắt nguồn của hạ giới. Varanasi, nơi dòng sông chảy về thiên đường và những Ghat dọc hai bên bờ. “Ghat” trong tiếng Hindu nghĩa là cầu thang dẫn xuống bờ sông và chỉ riêng thành phố Varanasi đã có đến 87 cầu thang như thế.

Phần lớn các Ghat phục vụ nhu cầu tắm rửa của dân chúng, một số khác là nơi cử hành nghi lễ như Manikarnika Ghat, một trong những nơi cổ kính và linh thiêng nhất của tôn giáo và truyền thuyết Hindu. Người ta nói rằng nếu người nào sau khi chết được hỏa táng ở đây, linh hồn của họ sẽ được yên nghỉ mãi mãi. Hàng thế kỷ qua, người ta vẫn luôn tin rằng nghi thức tang lễ ở Manikarnika Ghat giúp con người thoát khỏi kiếp luân hồi bất tận.

Ngoài sông Hằng, khách du lịch còn bị thu hút bởi Sarnath (Vườn lộc uyển) cách thành phố Varanasi khoảng 10km về phía Tây Bắc, đây là một trong tứ đại thánh địa của Phật giáo. Bước vào thánh tích, có lẽ sự nguy nga mà trang nghiêm của ngọn tháp Dhamekh sẽ chiếm trọn sự tập trung của du khách. Đây là công trình trọng tâm, ghi dấu nơi Đức Phật thuyết bài Pháp đầu tiên gọi là Chuyển Pháp Luân, và cũng là bảo tháp nổi bật nhất trong vườn Lộc Uyển này. Tháp Dhamekh được xây dựng vào triều đại vua A-dục. Chiều cao của tháp hiện tại là 31,1m với đường kính bên dưới là 28,3m, lại được xây dựng trên một nền đất cao, càng làm cho ngôi bảo tháp trở nên hùng vĩ và trang nghiêm hơn.

Ngày này, thành phố Varanasi vẫn giữ được hơn 2.000 ngôi đền lớn nhỏ. Chính sự đa dạng trong phong cách kiến trúc đền miếu tại đây cũng đã phản ánh được phần nào sự ảnh hưởng sâu đậm của các sắc thái tôn giáo. Ngoài ra, tại đây còn nổi tiếng với nghi thức tắm sông Hằng, một nghi thức đánh dấu Lễ hội Kumbh Mela của Ấn Độ Giáo kéo dài đến ba tháng. Lễ hội Kumbh Mela được tổ chức ba năm một lần hướng đến tưởng niệm trận chiến huyền thoại để dành bình chứa mật hoa trường sinh bất tử giữa thần linh và ma quỷ. Theo truyền thuyết, bốn giọt mật đã rơi xuống 4 thị trấn khác nhau của Ấn Độ và lễ hội sẽ được tổ chức luân phiên tại các thị trấn này.

Bên cạnh đó, đã đến Varanasi, đừng bỏ lỡ cơ hội được nếm thử các món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất thiêng này. Có rất nhiều nhà hàng tuyệt vời bên dòng sông Hằng, bạn vừa có thể thưởng thức hương vị tuyệt hảo của món ăn vừa thả hồn trôi theo dòng sông và đắm mình trong khung cảnh hoàng hôn huyền diệu.

4. BODH GAYA – NƠI ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Dấu ấn tôn giáo trên các vùng đất thiêng và huyền bí

Tứ động tâm là bốn Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ, ghi dấu 4 sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca. Tứ động tâm gồm: Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi Phật đản sanh, Bodh Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Vườn Lộc Uyển) nơi Phật chuyển Pháp Luân và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật nhập Niết bàn. Tuy nhiên, Bodh Gaya được coi là thánh địa linh thiêng nhất mà khách hành hương luôn tìm về. Bodh Gaya hay còn gọi là Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Tây bờ sông Nairanjana của thị trấn Gaya, thuộc tiểu bang Bihar đã trở thành một địa danh nổi tiếng cho những ai muốn tìm đến sự thanh tịnh trong tâm hồn và thức tỉnh lương tri. Bodh Gaya được mệnh danh là đất Phật, tương truyền là nơi Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ hơn 2.500 năm trước.

Có thể nói, Bodh Gaya đã trở thành cái nôi của lịch sử văn hoá Phật Giáo và các đệ tử Phật đều ao ước được ít nhất một lần đến chiêm bái nơi này. Những bia tháp và cột đá lớn nhỏ chung quanh Bodh Gaya do các du tăng Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác tự đắp lên khi đến chiêm bái thánh địa này. Cũng tại đây, cây Bồ Đề biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, được người Ấn Độ vô cùng kính ngưỡng, họ coi đây là một loài cây linh thiêng, là nơi trú ngụ của các vị thần. Và sự kính ngưỡng này càng lên đến đỉnh cao khi Cây Bồ Đề được hợp nhất với sự chứng đạt vĩ đại nhất của Đức Phật – sự giác ngộ.

Cách Bodh Gaya khoảng 200m về hướng Đông có một con sông cạn chạy dài dọc theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, hiện nay được người dân địa phương gọi là sông Lilajan, tức là sông Niranjara (Ni Liên Thiền). Đây là nơi Đức Phật đã tắm trước khi Ngài lên tọa thiền và thành đạo. Chính phủ Ấn Độ đã bắc một cây cầu ngang dòng sông thiêng này để du khách có thể dễ dàng qua lại các khu Phật tích quanh vùng Bodh Gaya. Từ trên cầu có thể nhìn thấy được một số Phật tích như: chót tháp Đại Giác, núi Tượng Đầu – nơi Đức Phật từng tu khổ hạnh và cảnh sinh hoạt của toàn thể cư dân quanh vùng.

Như vậy, theo lời dạy của Đức Phật, những ai có đủ duyên lành hành hương chiêm bái ở Tứ động tâm thì sẽ nhận được phước lớn. Hơn nữa, vị hành giả nào sau khi chiêm bái mà đạt được lòng tin kiên cố không lay chuyển cùng tâm hoan hỷ, luôn vui vẻ và an lạc nhẹ nhàng thì chắc chắc người đó sẽ được sống trong cõi lành. Đặc biệt, tại Thánh địa Bodh Gaya nơi Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề, nhiều vị hành giả đã dừng chân khá lâu ở đây để tu tập. Theo kinh nghiệm riêng của họ, được tu tập ngay trên Thánh địa là một phước duyên, vì họ sẽ nhận được rất nhiều ơn phước của Đức Phật ban.

5. VATICAN – TRUNG TÂM QUYỀN LỰC CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Dấu ấn tôn giáo trên các vùng đất thiêng và huyền bí

Nằm lọt thỏm giữa thủ đô Roma của nước Ý, Vatican vỏn vẹn diện tích 44ha và dân số chưa đến 1000 người, là một trong những quốc gia nhỏ bé nhất thế giới. Thế nhưng, Vatican lại là vùng đất Thánh của người Thiên Chúa giáo, nơi ở của những Đức Giáo hoàng và là trung tâm, biểu tượng của nền văn hoá Tây phương. Nơi đây cũng được coi là khu lưu giữ nhưng giá trị đỉnh cao của nghệ thuật Phục hưng. Khó có thể có một quần thể kiến trúc nào sánh được với toà thành Vatican, niềm tự hào và nơi hướng về của hơn một tỉ con chiên đạo Kito giáo. Là đất hành hương của toàn bộ người theo đạo Kito, bất kỳ ai đến với Vatican đều muốn chiêm ngưỡng những kiệt tác mang lối kiến trúc Phục hưng của những nghệ sĩ bậc thầy, kỳ tài nước Ý như Michelangelo, Raphael, Bramante, Bernini,…Nơi đây, mỗi một chi tiết nhỏ đều là một kiệt tác. Chính vì vậy, Vatican thường bị quá tải khách thập phương viếng thăm, nhất là vào các dịp lễ tôn giáo.

Đối với nhiều người theo đạo Thiên Chúa giáo, một trong những điều cần làm trong đời là viếng thăm tòa thánh Vatican để nhìn thấy Giáo Hoàng tại quảng trường thánh Phêrô. Là khu biệt lập có tường bao bọc nằm gọn trong thành phố Roma của Ý, thành Vatican được coi là trung tâm quyền lực của Giáo hội Công giáo, có ảnh hưởng lớn đến hàng tỷ giáo dân trên toàn thế giới. Các địa danh linh thiêng nhất của Vatican là Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhà nguyện Sistina và bảo tàng Vatican. Ngoài những công trình vĩ đại kể trên, Vatican còn có rất nhiều công trình nghệ thuật khác. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, bao thăng trầm và đổi thay của lịch sử, những công trình nghệ thuật đó vẫn vẹn nguyên và có sức hút kỳ lạ đối với bao du khách mỗi lần ghé thăm.

Khác với những ảnh hưởng được biết đến rộng rãi bên ngoài, nội bộ Vatican lại rất kín kẽ. Thậm chí, nhiều người còn xem đây là một quốc gia đầy bí ẩn, dù không khó để đến tham quan một số địa điểm. Hãy nhớ rằng, thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu là những ngày trong tuần lý tưởng nhất để bạn đến thăm Vatican. Đặc biệt, bạn nên tránh đến đây vào ngày cuối tuần nếu không muốn đối mặt với dòng người đông đúc, chen lấn. Và cũng đừng quá lo lắng về quy định ăn mặc tại đây, bạn chỉ cần ăn mặc trang nhã và lịch sự là được.

Oanh Kim | Wanderlust Tips