Đi thiền ở Myanmar – hành trình vào tâm trí

[Wanderlust Tips tháng 8/2018] Người ta vẫn thường nói rằng mọi sự trong cuộc sống đều có cái duyên. Vốn là người lý trí, tôi không mấy quan tâm đến chuyện đó. Cho đến khi những sự kiện xảy ra, việc này dẫn đến việc kia, rốt cuộc đưa đến những ngã rẽ mà mình không thể nào giải thích bằng lý trí, mà chỉ có thể gọi là nhân duyên. Hành trình đến với thiền tập của tôi cũng bắt đầu như vậy.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đi thiền ở Myanmar – hành trình vào tâm trí
Một ngày cuối đông cách đây vài năm, tôi đến thăm nhà một người bạn ở Đà Lạt. Bạn tôi chia sẻ rằng sắp tới cô ấy có một chuyến đi thiền ở Myanmar. Tôi có đi Myanmar một vài lần trước đó, và cũng ấn tượng với tính cách hiền lành chân chất của người dân ở đây. Sau khi suy nghĩ, tôi ngỏ lời muốn được đi chung. Bạn tôi nhờ người hỏi bên thiền viện, thế là chỉ hai tuần sau, chúng tôi lên đường.

Với thiền mà nói, tôi chưa bao giờ có ý định tìm hiểu nghiêm túc. Tuy vậy, khi gần đến độ tuổi tam thập nhi lập, tôi bỗng muốn hiểu biết sâu hơn về bản chất của cuộc đời, về những cách thức để rèn luyện tâm trí tinh thần. Tôi tìm đến thiền hay tôn giáo không phải để thoát tục vì thấy đời quá khổ, mà chỉ muốn hiểu rõ hơn về bản thân, muốn tìm một nền tảng triết lý vững chắc để làm kim chỉ nam cho mình.

CUỘC SỐNG NƠI THIỀN VIỆN

Cũng nhờ duyên may, mà tôi được dẫn đến thực tập ở một nơi uy tín. Thiền viện nơi tôi thực tập có tên là Panditarama Forest, nằm trên một khu đất rộng vài chục hecta trong rừng. Người sáng lập nơi này là một thiền sư uy tín tại Myanmar, cũng là học trò xuất sắc của thiền sư Mahasi Sayadaw, một trong hai vị thiền sư nổi tiếng thế giới vì đã có công phổ biến thiền vipassana sang phương Tây. Đó là một nơi rất đẹp với nhiều cây cối và ao hồ. Mỗi buổi sáng thiền hành thấy nắng chiếu bụi sương lấp lánh mờ ảo qua các thân cây trong rừng. Buổi tối hết giờ thiền đi về thấy hoa súng nở trắng ao, thoảng mùi hương nhè nhẹ thanh khiết, cảm giác như mình đang ở một cõi nào khác.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đi thiền ở Myanmar – hành trình vào tâm trí

Mỗi năm thiền viện tổ chức khóa thiền kéo dài hai tháng, thiền sinh đăng ký cần tham dự ít nhất mười ngày. Mỗi khóa thiền như vậy có đến hàng trăm tăng ni và thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới như Anh, Mỹ, Đan Mạch, Úc, cho đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… tụ tập về tu học. Các tài liệu trong thiền viện cũng được in ra nhiều thứ tiếng, có cả tiếng Việt, thuận tiện cho thiền sinh ngoại quốc. Và giống như các thiền viện khác, mọi chi phí ăn ở của thiền sinh trong thời gian ở đây đều được miễn phí, vì hoạt động của trung tâm chủ yếu nhờ vào đóng góp tự nguyện của Phật tử các nơi. Trong vài ngày đầu tiên ở thiền viện, tôi phải làm quen với kỷ luật sinh hoạt rất nghiêm túc. Mỗi sáng chuông đánh thức lúc 3h. Hằng ngày hành thiền 14h, không ăn sau 12h trưa, buổi chiều chỉ uống nước trái cây.

Giới hạn giờ ngủ từ 4 – 6 tiếng mỗi ngày. Trong thời gian ở thiền viện, thiền sinh không tiếp xúc với thế giới bên ngoài hay thiết bị điện tử, giữ năm giới, tránh nói chuyện (trừ với thiền sư), hạn chế đọc sách và viết lách, hoạt động chậm rãi, và không nhìn ngó xung quanh (trong đạo Phật gọi là thu thúc lục căn). Những quy định đó có thể làm những người bình thường cảm thấy khó chịu. Nhưng càng thực tập, tôi càng nhận ra rằng chúng được đặt ra để thiền sinh chú mục vào quan sát những gì đang diễn ra bên trong mình, giúp cho việc thực tập được tập trung và hiệu quả hơn.

Tại đây, tôi được hướng dẫn sơ lược về việc hành thiền. Thiền Phật giáo có hai loại, một là thiền Samatha hay thiền Chỉ, là kiểu vừa ngồi vừa niệm Phật, hoặc ngồi tập trung ngắm một bông hoa. Còn Vipassana là thiền Quán, hoặc còn gọi là thiền Minh Sát, là loại thiền mà Đức Phật đã sử dụng sau khi sử dụng những phương pháp khác. Sư thầy chỉ tôi cách quan sát hơi thở qua sự phồng xẹp của bụng, khi hít vào bụng phồng lên thì nhủ thầm là phồng, thở ra bụng xẹp xuống thì niệm xẹp. Khi có suy nghĩ hay cảm giác gì nảy sinh cũng đều quan sát và ghi nhận bằng cách niệm lại.

Những ngày sau tôi cứ thế thực hành. Và lạ lùng là mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại một thời khóa biểu như vậy, mà tôi không hề thấy chán. Vì mỗi ngày đều có những điều mới mẻ mà tôi khám phá ra trong hành trình đi vào tâm mình. Dần dần, những suy nghĩ lan man của tôi bắt đầu ít lại. Và rồi đến một lúc tôi có thể nhận biết được suy nghĩ ngay khi chúng xuất hiện. Bình thường, có biết bao nhiêu lúc người ta suy nghĩ mà không nhận thức được rằng mình đang suy nghĩ. Nên những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh lúc nào mà không hay. Các thiền sư vẫn hay ví tâm trí như một khu vườn, nếu không chú tâm thì những suy nghĩ phiền não sẽ xâm lấn không khác gì cỏ dại. Sau vài ngày thực tập, tôi có thể cảm nhận được tâm trí mình được dịu xuống, bớt đi những suy nghĩ vô ích. Như khi nước lặng, bụi bẩn dần lắng xuống đáy, trả lại sự trong sạch, sáng tỏ vốn có.

CHIÊM BÁI THÁNH TÍCH

Sau khoảng gần một tuần ở thiền viện, một hôm sau giờ thiền, người bạn thiền đi cùng đưa tôi một mảnh giấy, trong đó hỏi tôi có muốn đi Kyaikhtiyo không. Kyaikhtiyo là một trong ba thắng tích Phật giáo quan trọng nhất Myanmar, nơi có tảng đá thiêng màu vàng chói lọi. Thông thường trong khóa thiền tập trung thiền sinh không được đi ra ngoài, nhưng đợt đó tôi đi chung với một số sư cô hỗ trợ đoàn Phật tử từ Việt Nam sang cúng dường, nhân tiện hành hương đến các di tích nên rủ tôi theo. Tôi chần chừ không muốn đi vì mục đích của tôi sang là để thực hành thiền, nhưng sư cô trưởng đoàn động viên, bảo tôi tham gia vì cũng ít khi có dịp ghé đến.

Sau vài tiếng đồng hồ đi xe buýt đến ngôi làng nhỏ bé Kinpun dưới chân núi, chúng tôi tiếp tục lên xe tải, phương tiện vận chuyển duy nhất ở đây, để di chuyển lên đỉnh ngọn núi nơi có đá thiêng. Đường lên vòng vèo uốn lượn gấp khúc như tay áo, cảm giác cứ như đang đi tàu lượn siêu tốc, làm không ít các cô các bà rú lên sợ hãi. Tôi nhìn ra ngoài xe, thấy sau những cây rừng um tùm hoang dã, mảng trời bên ngoài ánh lên xanh biếc.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đi thiền ở Myanmar – hành trình vào tâm trí

Lên đến đỉnh núi, tôi hít thở một hơi căng tràn cả lồng ngực. Bầu không khí ở nơi này có một cái gì đó rất khó tả, trong trẻo, an lành và tinh khiết. Sư cô đi cùng nói rằng năng lượng ở đây rất tốt và mạnh mẽ, nên sau khi tìm kiếm ở nhiều địa điểm khác nhau, vị vua trong truyền thuyết đã quyết định đặt tảng đá vàng và xây dựng ngôi chùa linh thiêng ở đây. Theo tích xưa kể lại, trong một lần Đức Phật truyền đạo, Người đã trao tặng một sợi tóc cho một ẩn sĩ. Sau một thời gian, ẩn sĩ trao sợi tóc lại cho vị vua đang trị vì kinh đô, với một nguyện ước là sợi tóc sẽ được cất giữ trong một tảng đá có hình thù giống như cái đầu của vị ẩn sĩ. Với phép thuật của mình, vị vua vớt được tảng đá từ dưới đáy biển, tìm được nơi hoàn hảo, hội tụ linh khí của đất trời, để đặt hòn đá và xây ngôi chùa cất giữ sợi tóc. Cũng theo truyền thuyết, chính sợi tóc thần kỳ của Đức Phật đã giữ cho tảng đá đứng vững trên một bề mặt chênh vênh vài chục xăng ti mét vuông, mà không lăn xuống núi.

Không biết có phải do khí hậu vùng cao, hay do thực sự đó là vùng đất linh thiêng với năng lượng tốt, mà tôi cảm nhận được một sự yên bình sảng khoái trong suốt quãng đường đi bộ leo lên các bậc thang đến nơi chiêm bái.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đi thiền ở Myanmar – hành trình vào tâm trí

Đến nơi, tảng đá màu vàng rực rỡ hiện ra hùng vĩ. Dáng đứng cheo leo của tảng đá tạo cảm giác như nó có thể lăn xuống vực thẳm bất kỳ lúc nào. Thật lạ lùng là một kiến trúc như vậy lại có thể trường tồn suốt hơn hai nghìn năm lịch sử. Xung quanh tảng đá, những Phật tử đang thay nhau cầu nguyện rồi thành kính dát những lá vàng mỏng lên mặt đá, đắp thêm bề dày cho tảng đá vàng. Vào những mùa cao điểm, một ngày ở đây có tới hơn 10.000 người hành hương chiêm bái.

Theo người dân địa phương, ngôi chùa và tảng đá linh thiêng này đã biến những lời nguyện cầu của các Phật tử thành tâm trở thành sự thật. Gần bên tôi, sư cô trưởng đoàn đã tìm một chỗ hướng ra đá thiêng, an tọa nghiêm trang niệm Phật. Tôi cũng khẽ khàng tìm một chỗ ít người cạnh đó, thì thầm cầu nguyện bình an cho gia đình mình, và sự thuận lợi hanh thông cho con đường tu học của mình sắp tới.

Mặt trời lặn dần, tảng đá khổng lồ trở nên sáng rực trong ánh chiều tím biếc. Tôi theo chân mọi người ra về, thấy trong lòng tĩnh lặng và bình an.

MỘT Ý NIỆM KHÁC VỀ HẠNH PHÚC

Bước ngoặt trong quá trình thiền tập của tôi là khi tôi được trình pháp dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư Nepal. Trình pháp là các buổi phỏng vấn ngắn, để thiền sư trực tiếp theo dõi sự thực hành của thiền sinh và đưa ra các hướng dẫn cần thiết. Thiền sư hướng dẫn tôi không những có kiến thức uyên thâm mà kỹ năng giảng giải hướng dẫn và trả lời thắc mắc cũng rất tốt. Cách thiền sư tiếp cận mọi thứ đều rất khoa học và dễ hiểu. Và khi trả lời thắc mắc, thầy dẫn dắt từ việc thiền sinh đã biết và hiểu rõ đến những điều chưa biết đều cực kỳ hợp lý, giúp tôi hiểu thêm thế nào gọi là chánh niệm, tại sao phải chánh niệm, và cách áp dụng thiền vào cuộc sống. Dưới sự hướng dẫn cặn kẽ, tôi đã tiến triển hơn trong việc thực tập và học hỏi được rất nhiều điều mới.

Thiền sư dạy rằng phải giữ chánh niệm mọi lúc mọi nơi, chánh niệm như một sợi dây liên tục từ khoảnh khắc mở mắt thức dậy trong ngày cho đến tận lúc đặt lưng đi ngủ. Khi thực hành theo, tôi chợt nhận ra rằng bình thường mình đã sống vô ý và hời hợt ra sao. Tôi bắt đầu làm mọi thứ chậm lại, đi từng bước nhỏ trên mặt đất một cách chậm rãi và tôn nghiêm, cảm nhận các cơ co lên giãn xuống, các xương khớp nhịp nhàng cử động. Tôi cảm thấy biết ơn cơ thể của mình, cảm thấy ngay cả việc mình có thể đi được đứng được đã là một may mắn lớn, thấy mỗi bước đi đã là một điều kỳ diệu.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đi thiền ở Myanmar – hành trình vào tâm trí

Và những hoạt động thường ngày trong chánh niệm giúp tôi bổ sung trong lúc ngồi thiền. Những ngày sau đó, tôi không còn bị đau khi ngồi kiết già nữa. Tâm trí tôi không còn lang thang nghĩ ngợi về quá khứ, hay lo lắng về tương lai, mà hiện diện với từng hơi thở. Và tôi cảm nhận rõ rằng nó thực sự yêu thích điều này, nó thích được đơn nhiệm, được làm mỗi lần chỉ một việc. Nó như được trút đi gánh nặng, trở nên thực sự nhẹ nhõm và vui tươi. Mỗi giờ ngồi thiền đối với tôi trở thành mỗi giờ ngồi chơi với hơi thở của mình, hơi thở biến thành người bạn thân của tôi. Sau những giờ thiền dài, đứng dậy đi lại, tôi thấy đầu óc mình sảng khoái mát mẻ tinh khôi, cứ như một chiếc gương soi sạch sẽ, hay như một mặt hồ trong veo không chút bụi. Cảm giác cứ như vừa được gột rửa tắm gội từ bên trong.

Đến những ngày cuối cùng của khóa thiền, tôi cảm nhận được một tầng nghĩa mới của cái gọi là “an trú trong hiện tại”. Tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc mà tôi chưa bao giờ cảm giác trước đây. Nó không phải là hạnh phúc vì được thăng chức, được tăng lương, được thỏa mãn một ước nguyện nào đó hay ai đó làm mình vui lòng. Nó là cảm giác nhẹ nhàng tự nhiên khi tâm trí được đặt trong hiện tại, không trông đợi gì, không suy nghĩ gì. Nó là cảm giác an lạc khi không hề bị vướng bận quấy nhiễu bởi bất kỳ lo lắng sợ hãi suy nghĩ muộn phiền gì. Một niềm hạnh phúc vững chắc và bền chặt, không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện bên ngoài nào. Nó ko hề bị tác động bởi hoàn cảnh và không ai cướp nó đi được. Nó là do nỗ lực hành thiền, và đặt tâm trí hiện diện với hiện tại. Niềm hạnh phúc bên trong lan truyền ra, khiến tôi nhận thấy những ý nghĩa mới trong những điều giản dị nhỏ nhặt, giúp tôi nhìn cuộc sống với niềm vui và lòng biết ơn.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đi thiền ở Myanmar – hành trình vào tâm trí

Từ lần đầu tiên đó, mỗi năm tôi dành ra khoảng từ vài tuần đến một tháng thực tập thiền tại Myanmar. Tôi coi đó như những khoảng thời gian để tôi dành cho riêng mình, để tìm hiểu rõ hơn về bản thân mình, để nghỉ ngơi tịnh khẩu hồi phục năng lượng, và để sống một cách thức tỉnh hơn. Mỗi lần quay trở lại sau một khóa thiền, tôi có được những bài học quý giá, nhận ra mình đang sai hay chệch hướng chỗ nào trong cuộc sống. Để rồi có những bước điều chỉnh để bớt sai hơn, để sống tốt, và trở thành một con người tốt hơn.

W. TIPS

Khí hậu

Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là khoảng thời gian thời tiết dễ chịu nhất ở Myanmar. Hầu như không có mưa, nhiệt độ trung bình từ 21-28°C, mưa ít hoặc không có mưa. Sang tháng 2, nhiệt độ bắt đầu dần tăng cao.

Vị trí

Trung tâm thiền định Panditarama Forest nằm cách thành phố Yangon của Myanmar hơn 60km về phía Bắc. Trung tâm nằm trên khu đất rừng rộng 100ha, vì vậy nơi đây có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Cùng với đó là phòng thiền riêng biệt cho nam nữ, phòng ăn, chỗ nghỉ, khu vực thiền…

Di chuyển

Từ Việt Nam, có rất nhiều chuyến bay thẳng đến Myamar. Bạn có thể xuất phát từ Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh đều có đường bay của Vietnam Airline, Vietjet Air tới Yangon, sau đó từ bạn tiếp tục đi xe ô tô để di chuyển tới thiền viện Panditarama Forest.

Thời gian

Mỗi năm Panditarama Forest tổ chức khóa thiền kéo dài 2 tháng, từ 1/12 đến 31/1 năm sau. Thiền sinh đăng ký cần tham dự ít nhất 10 ngày. Để tham gia khóa thiền này, bạn cần phải nộp đơn đăng ký trước, muộn nhất vào ngày 20/11 trước khi khóa thiền diễn ra. Để đăng ký, thiền sinh truy cập: http://www.saddhamma.org/html/retreat-form.shtml

Trang phục

Tại thiền viện, bạn cần luôn ăn mặc gọn gàng, kín đáo và thoải mái để thực hiện các động tác quỳ gối hay bắt chéo chân. Sơ mi trắng là trang phục được khuyến khích nhất, song không nên chọn các loại vải quá mỏng nhìn xuyên thấu. Bạn cũng không được mặc quần soóc, áo ba lỗ khi tham gia thiền. Những đôi dép sandal là lựa chọn phù hợp nhất, đặc biệt thuận tiện khi cần cởi bỏ để bước vào trong nhà hay các khu vực thiền.

Rosie Nguyên | Wanderlust Tips