Đi tìm lãng mạn ở New York

[Wanderlust Tips 04/2019] New York, trong mắt tôi, là thành phố hoa lệ của tài chính, hỗn loạn và những câu chuyện tình huyền thoại mang hơi thở của thứ “lãng mạn kiểu Mỹ”.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Phi trường JFK rộng lớn nhưng cũng không khác gì bao phi trường khác ở Melbourne, Auckland, Đài Bắc hay Tokyo. Tất cả đều bị sức nặng của những chuyến bay dài và sự hồi hộp ở cửa hải quan xếp gọn vào một thứ trật tự kỳ cục. Nửa đêm mùa đông, New York vừa trải qua trận bão tuyết lớn cách đó chỉ hơn tuần nhưng lại ấm hơn khá nhiều nếu so với mùa đông miền Nam ở Melbourne. Tôi cuối cùng cũng có thể uể oải kéo hành lý ra khỏi sân bay, cố gắng rặn ra một nụ cười miễn cưỡng với những anh chàng, cô nàng nhân viên trông rất “hình sự” với áo chống đạn, súng và dùi cui rảo bước quanh.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Tôi gọi một chiếc taxi, phải, một chiếc taxi vàng biểu tượng của New York để đến nhà trọ ở Brooklyn, không xa phi trường mấy. Tôi ngồi ở ghế sau, bị ngăn cách với anh chàng tài xế da đen bởi một tấm lưới – điều tôi chưa từng trải nghiệm ở những nơi khác. Trời lất phất mưa. Xe dừng ở cổng nhà trọ, tôi vắt óc dùng hết những tế bào não còn sót lại sau chuyến bay dài từ Tân Sơn Nhất để tính xem nên “tip” cho anh chàng này bao nhiêu. Thứ văn hoá này là đặc trưng của nước Mỹ, chẳng nơi nào khác mà tiền tip lại trở thành bắt buộc như vậy.

Nhưng dù gì, tôi đang ở New York – thành phố hoa lệ của tài chính, hỗn loạn và những câu chuyện tình huyền thoại mang hơi thở của thứ “lãng mạn kiểu Mỹ”.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Nhà trọ vẫn sáng đèn dù đã quá nửa đêm. Tôi được anh chàng lễ tân dắt lên căn phòng bốn người, đã có ba người ngủ khò, chừa lại một cái giường kê sát tường cạnh nhà tắm. Tôi nhẹ nhàng tìm bộ đồ ngủ trong chiếc vali to kềnh, tắm nhanh dưới vòi nước nóng và đánh một giấc. 1h19’. New York mưa rả rích.

Tôi thức dậy rất sớm dù ngủ trễ. Cơn mưa vẫn chưa dứt, thậm chí còn nặng hạt hơn nhiều. Ngoài cửa sổ, những bức tường gạch đỏ, những mái nhà lố nhố hiện ra trong cơn mưa xám xịt buổi sớm mùa đông. Cái trải nghiệm này thật lạ. Những buổi sáng mưa mùa đông của tôi thường là những mảng xanh rì của hàng cây xen lẫn vào quầng mây xám bên kia cửa sổ ở Point England, khu Đông-Nam thành phố Auckland ở New Zealand xa xôi. Hoặc đó là hàng rào gỗ với những luống hoa trà hồng rực rỡ trong cơn mưa lạnh giá ở Carnegie, phía Nam Melbourne, Úc. Tuy nhiên, cái lạnh ẩm ướt nơi đây lại làm tôi nhớ về những mùa đông của riêng mình ấy – có chăng chỉ còn thiếu một tách cà phê và ít nhạc jazz…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Brooklyn nổi tiếng là khu vực “không an toàn” vì số lượng dân nhập cư nhiều và được xem là “xóm nhà lá” so với Manhattan hoa lệ bên kia cây cầu Brooklyn vĩ đại. Nhưng tôi lại thích Brooklyn hơn. Manhattan, ở một khía cạnh nào đó, quá hào nhoáng và công nghiệp. Những toà nhà chọc trời, những con đường thẳng tắp, những toà kiến trúc cổ từ thế kỷ 19 hoà lẫn vào dòng người như đàn kiến di chuyển trên những chuyến tàu điện ngầm chật chội, nhếch nhác. Manhattan thiếu đi cái chất “nghệ sĩ” của một thành phố được mệnh danh là giấc mơ vĩ đại của bao người. Brooklyn lại khác, nó làm tôi nhớ đến Melbourne, thành phố nhiều năm được bầu chọn là “đáng sống nhất thế giới”. Những con phố Brooklyn nhỏ hơn, trầm lặng trong cơn mưa đông làm người ta có cảm giác tĩnh tại và nhẹ nhàng hơn so với việc chen chúc trên những bến tàu dưới lòng đất Manhattan. Tôi nhớ nhân vật Carrie Bradshaw trong mùa sáu của bộ phim truyền hình ăn khách “Sex and the City”, đã nói với anh bạn trai là một nghệ sĩ người Nga giàu có khi anh này đọc cho nàng một bài thơ tình, với một sự bối rối thẹn thùng, rằng: “Sự nghiệp viết lách của em đều dựa trên giả thiết rằng lãng mạn đã chết hoặc chỉ toàn giả tạo.” – Phải, lãng mạn, đó là điều New York thiếu: một cái hôn kiểu Pháp trên Đại lộ số 5.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Đêm hôm sau, lúc 3 giờ sáng, trời bắt đầu đổ tuyết. Tôi trồi khỏi nhà ga Pennsylvania, trung tâm Manhattan. Cảnh tượng trên phố làm tôi đứng sững lại. Góc đường 33 Tây và đại lộ số 7 và 8 trông như một cảnh phim – một bộ phim mà những toà nhà chọc trời của New York bỗng trở nên lãng mạn trong cơn mưa tuyết trắng xoá. À, “Enchanted”, chính thế. Cảnh nàng Giselle chui lên từ nắp đường cống khi bị đẩy sang từ thế giới cổ tích, ngoại trừ sự khác biệt giữa bối cảnh đêm và ngày ra, cảm xúc của Giselle chắc chẳng khác tôi là mấy: ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

Những bông tuyết nhẹ nhàng rơi lất phất, phủ lên những mái nhà, những đầu thú đá, những chiếc cầu sắt đã gỉ xanh nối liền những “tháp canh” quyền lực của New York. Ai cũng bước nhanh trên phố, vội vã đến sở làm, hoặc ít ra thì cũng để tránh cái rét của cơn mưa tuyết. Tuy sống ở xứ lạnh nhiều năm, nhưng tuyết vẫn là một điều xa lạ với tôi khi chỉ một lần trải nghiệm những ngày đông ngắn ngủi ở Kyoto và dưới chân núi Phú Sĩ. Tuyết rơi khiến trời ấm hẳn so với lúc ngừng rơi, giống như những ngày mưa ở Melbourne – khi những làn hơi nước lạnh căm len vào quần áo, vào tóc, vào vớ, khiến cái giá rét luôn lởn vởn như một bóng ma dai dẳng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Tôi dừng lại ở một tiệm cà phê kiểu Mỹ được đánh giá 5 sao trên mạng bởi hàng trăm người, sau khi đi ngang qua những xe bánh bánh bagel (bánh mì vòng) và cà phê ở góc đường. Dù gì thì tôi vẫn là chàng trai châu Đại Dương, định nghĩa của bữa sáng là bánh muffin và cà phê flat white pha máy. Tiệm cà phê chật ních người. Tôi gọi một phần pancake (bánh chiên chảo) với xúc xích và thịt muối. Những chiếc bánh pancake ở đây to bằng một cái đĩa cỡ vừa và rất dày. Những miếng xúc xích và thịt muối đang tươm mỡ, hoà vào thỏi bơ to đùng đang chảy ra trên bánh. Cà phê kiểu Mỹ là thứ cà phê pha bằng máy cà phê tự động, đen và sóng sánh như nước, khác với thứ cà phê espresso kiểu Ý mà tôi vẫn quen uống. Cà phê ở Úc và New Zealand thì gọi ly nào, tính tiền ly đó. Cà phê kiểu Mỹ, bạn muốn uống bao nhiêu thì bồi bàn sẽ rót thêm bấy nhiêu. Tất nhiên, đừng quên tiền tip!

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Tôi ngồi đó, bên đĩa bánh to cồ cộ và ly cà phê bốc khói nhè nhẹ, nghĩ đến những bữa sáng trong suốt sáu mùa của “Sex and the City”, khi mà bốn cô nàng nhân vật chính ngồi cùng nhau dùng bữa, tám chuyện về “sex”, về những mối tình lãng mạn kiểu Mỹ và những rắc rối của cuộc sống hiện đại tại thành phố New York điên rồ này. Họ đã khóc bên bàn cà phê sáng khi Miranda tuyên bố đã cầu hôn bạn trai lâu năm, Steve. Họ (trừ Charlotte) đã chế nhạo Carrie khi cô nàng kể lể chuyện hẹn hò với chàng nghệ sĩ Nga quá sức lãng mạn, trong khi “lãng mạn” của New York, theo Miranda và Carrie, là khi có ai đó nhường ghế cho bạn trên tàu điện ngầm. Lãng mạn có phải đã chết ở New York?

Tôi bước dọc đại lộ số 7 về hướng công viên trung tâm – Central Park. Thấp thoáng phía tay phải là toà nhà Empire State nổi tiếng, một biểu tượng của New York, nhất là khi nó xuất hiện trên màn bạc với chú khỉ đột King Kong và cô nàng Ann Darrow (do nữ diễn viên Fay Wray thủ vai) vào thập niên 30 thế kỷ trước.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Cơn mưa tuyết đã ngớt. Quảng trường Thời Đại hiện ra đầy màu sắc bởi vô vàn những tấm biển đèn quảng cáo. Giờ tôi đã hiểu sao người ta cứ muốn đến đây. Biết bao nhiêu bộ phim đã lấy bối cảnh đại diện cho sự vĩ đại này của nước Mỹ – một sự lãng mạn rất Mỹ: sức mạnh hào nhoáng của nền công nghiệp và tài chính kết hợp với bức ảnh của nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt về nụ hồn huyền thoại của anh chàng hải quân và cô y tá tại quảng trường Thời Đại khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc vào ngày 14 tháng 8 năm 1945. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh đó khi nhân vật Sophie đang tất bật tìm kiếm nhân chứng cho nụ hôn lịch sử vào đầu bộ phim tình cảm hài “Letters to Juliet” (Những lá thư gửi Juliet) của đạo diễn Gary Winick. Có lẽ, lãng mạn vẫn chưa chết. Có lẽ, lãng mạn chỉ biến đổi mình và thay vì xuất hiện bởi những bản nhạc jazz hay tiếng đàn dương cầm, ở Mỹ, nó xuất hiện trên nền những bản nhạc pop của Beyoncé hay Miley Cyrus?

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

Vào ngày cuối trước khi rời New York để bay đến thành phố vịnh ở bờ Tây, nơi vẫn còn văng vẳng tiếng hát của nam ca sĩ tài danh Tony Bennett từ những năm 60: “Tình yêu của tôi đang chờ đợi ở San Francisco, thành phố nằm trên mặt biển xanh lộng gió”, tôi quyết định đi gặp cây cầu đáng để so sánh với cầu Cổng Vàng đỏ thẫm: cầu Brooklyn. Trời nắng gắt dù gió lạnh căm căm. Tôi đi bộ từ bên Manhattan sang Brooklyn. Bên trên, người đi bộ sải những bước dài trên cây cầu bằng sắt vững chãi huyền thoại; bên dưới, dòng xe cộ hối hả những chuyến đường dài. Cảnh đẹp của vịnh biển dường như đã quá nhàm chán với những con người này. Tôi đi lững thững trên cầu, nhớ ra một cảnh phim trong phiên bản điện ảnh của “Sex and the City”, khi Miranda và Steve đồng ý với chuyên gia hôn nhân rằng: vào đúng ngày đó, giờ đó, trên cây cầu Brooklyn, nơi nối giữa hai nơi họ đang sống, nếu họ đồng ý đến gặp nhau, những khúc mắc của quá khứ sẽ chìm vào quên lãng. Mùa thu vàng, cảnh sắc rực rỡ, khác hẳn với mùa đông lạnh căm của tôi hiện tại, Miranda và Steve vội vã ôm lấy nhau, trao nhau nụ hôn nồng cháy, chính trên cây cầu Brooklyn này.

Chiều đến, nắng tắt, gió biển thổi từng cơn buốt giá. Ứng dụng thời tiết trên điện thoại cho biết đang -4 độ C. Tôi đứng ở phía bên Brooklyn, tay cầm một cây kem sô-cô-la, nhìn về hướng Manhattan. Nhiệt độ xuống rất nhanh, như chính màn đêm mùa đông. Cây kem đã vơi quá nửa. Lãng mạn ở New York, có thể chỉ đơn giản là như vậy, một chuyến dạo bộ dài, một cây kem trong tiết trời lạnh như cắt, một bức ảnh để nhớ về tình yêu, giống như trong một bài hát cũ của nhạc sĩ Irving Berlin:

“Anh sẽ làm gì đây với chỉ một tấm ảnh cũ để kể những nỗi niềm?”

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đi tìm lãng mạn ở New York

W.TIPS

wanderlust tips ICON 9

THỜI TIẾT

New York có 4 mùa rõ rệt. Bạn nên xem kỹ các khuyến cáo về thời tiết trước khi khởi hành để trang bị quần áo phù hợp. Lưu ý, mùa đông ở New York thường xuyên có bão tuyết làm gián đoạn giao thông, kể cả máy bay.

wanderlust tips ICON 27

PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Tàu điện ngầm

New York là thành phố lớn với hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt. Bạn nên tập làm quen với việc đọc bản đồ tàu điện và cẩn thận đi theo các ký hiệu như chỉ hướng để tránh bị lạc. Bạn nên đăng ký mạng internet di động để sử dụng Google Map. Google Map ở Mỹ sẽ cho bạn khá chính xác tên chuyến tàu, trạm, giờ tàu khởi hành và đi lối tắt nào thì nhanh. Nếu di chuyển nhiều, để tiết kiệm, dù ở ít hơn 7 ngày, bạn cũng nên mua vé tuần.

Phà

Từ trạm phà phía Nam Manhattan, bạn có thể bắt chuyến phà miễn phí đi sang Đảo Staten. Chuyến phà này sẽ đi ngang tượng Nữ Thần Tự Do (phà đi đến tượng là phà du lịch, phải đăng ký mua vé). Mỗi chiều đi mất khoảng 25 phút.

Taxi

New York nổi tiếng với hình ảnh những chiếc taxi vàng rất dễ nhận biết. Đi taxi cũng phải trả tiền tip.

wanderlust tips ICON 1

THAM QUAN

New York có hệ thống bảo tàng và nhà triển lãm rất lớn, trong đó có Bảo tàng Lịch Sử Tự Nhiên nơi làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Đêm ở Bảo tàng” (Night at the Museum) do diễn viên hài Ben Stiller thủ vai chính.

wanderlust tips ICON 68 1

ĂN UỐNG

Bạn có thể tìm thấy bất cứ món ăn nào ở New York. Cách tốt nhất là tìm kiếm trên “Google Map” gợi ý các địa điểm ăn uống gần nơi bạn ở.

wanderlust tips ICON 67

TIỀN TIP

Tiền tip là bắt buộc với các loại dịch vụ ở Mỹ, bao gồm: đi taxi, dịch vụ ăn uống, dịch vụ phòng. Số tiền này được quy định vào khoảng 15% giá trị hoá đơn hay vài USD mỗi đêm cho dịch vụ phòng ở khách sạn (đặt tiền trên bàn giấy và ghi “tip”).

Alex Trần | Wanderlust Tips