Order ngay ly trà sữa và tìm hiểu về thức uống gây nghiện này

Nhắc tới một quốc gia hay bất kỳ nền văn hóa nào, người ta thường nghĩ ngay tới những công trình kiến trúc vĩ đại, vẻ đẹp của tự nhiên hay bản sắc dân tộc thấm đượm trên từng ngõ phố. Thế nhưng khi nhắc tới Đài Loan, nhiều người lại chỉ nói tới hương vị thơm ngọt và hấp dẫn chẳng thể nào quên của thức uống thân thuộc: trà sữa trân châu.

TRÀ SỮA CÓ TỪ BAO GIỜ?

Được ghi nhận chính thức vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, thế nhưng nhiều người cho rằng phiên bản trà sữa đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1940. Sau khi làm công việc pha chế tại Đài Loan, người đàn ông tên Chu Fan Shu đã mở một cửa hàng bán trà shou yao (có nghĩa là “lắc tay”). Sử dụng bình lắc dành cho cocktail, ông đã cho ra đời một loại trà đá béo ngậy có lớp bọt khí mịn như mây bên trên. Đó chính là phiên bản đầu tiên của món trà sủi bọt ngày nay chúng ta vẫn biết tới.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Lịch sử món trà sữa Đài Loan

Không chỉ là một phát minh mang tính cách mạng trong ngành ẩm thực, cùng với sự phát triển xu hướng giải trí những năm 1980, món trà shou yao đã tạo ra cơn sốt tiêu thụ đồ uống lạnh ở Đài Loan sau thời kỳ chiến tranh, là tiền đề để cả ngành công nghiệp trà sữa phát triển rầm rộ sau này.

Thế nhưng, phiên bản trà sữa hiện đại ngày nay lại chưa hề xuất hiện cho đến tận năm 1986, khi doanh nhân Tu Tsong He quyết định cho thêm fenyuan (khoai mì viên) có màu trắng trong vào loại trà xanh mà ông hay uống, và đặt tên cho món đồ uống mới là “trà xanh trân châu”. Sau khi thử nghiệm với những viên bột sắn đen và to cùng kết cấu dai hơn, món đồ uống của Tu nhanh chóng trở thành mặt hàng bán chạy nhất ở thời điểm đó, thậm chí còn giúp ông trả hết món nợ khổng lồ 133.000 đô la Mỹ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Lịch sử món trà sữa Đài Loan

Những viên trân châu đen quyến rũ còn to hơn cả ống hút trên thị trường lúc bấy giờ, buộc Tu phải làm việc với một nhà máy sản xuất nhựa để tạo ra những loại ống hút riêng biệt cho quán. Cửa hàng trà sữa trân châu đầu tiên của Tu mang tên Hanlin đã chính thức đặt nền móng cho sự thống trị toàn thế giới của món đồ uống ngon lành này.

Mặc dù vậy, ông đã vướng vào một cuộc kiện tụng tranh giành phát minh với một đối thủ khác. Đến cuối cùng, tòa án Đài Loan đã phán quyết trà sữa trân châu là món đồ uống có thể được bất cứ ai hay cửa hàng nào tạo nên. Đến nay, chuỗi trà sữa Hanlin vẫn có tới hơn 80 cửa hàng trong nước và quốc tế.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Lịch sử món trà sữa Đài Loan

KẺ CẮP TRÁI TIM NGƯỜI ĐÀI LOAN

Trà sữa trân châu (còn được gọi với tên trà trân châu đen hay trà boba) là món đồ uống kinh điển ngày nay xuất hiện ở bất cứ đâu. Dù có hàng chục, hàng trăm biến tấu khác nhau nhưng những nguyên liệu cơ bản để tạo nên món đồ uống Đài Loan này gồm trà, sữa và những viên trân châu được làm từ bột sắn hay thạch trái cây.

Cái tên boba được những người bán hàng rong ở Đài Nam sử dụng nhằm phân biệt viên trân châu đen với viên khoai mì fenyuan nhỏ hơn. Ít ai biết rằng, Boba là nickname của ngôi sao điện ảnh Hồng Kong Amy Yip – nữ diễn viên lừng danh với vẻ ngoài quyến rũ cùng vòng một căng đầy bốc lửa. Quả thực, những viên boba cũng có sức hấp dẫn không thua kém gì vẻ đẹp của các tài tử và nữ tú trên màn bạc thập niên 80.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Lịch sử món trà sữa Đài Loan

Trái với suy nghĩ của nhiều người, trà sữa trân châu không chỉ chinh phục người Đài Loan bằng hương vị độc đáo mà còn bởi trà sữa là chứng nhận cho giai đoạn lịch sử quan trọng của quốc gia này. Đó là thời điểm giao thoa giữa cái cũ và cái mới, trà sữa trân châu vừa đem cho người ta cảm xúc hoài cổ, vừa mang đến cảm giác hiện đại.

Bản thân trà và khoai mì là những mặt hàng truyền thống của Đài Loan, việc kết hợp các nguyên liệu truyền thống để biến tấu thành một món đồ uống mới đã trở thành biểu tượng cho niềm kiêu hãnh và bản sắc của người Đài Loan.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Lịch sử món trà sữa Đài Loan

Có một scandal chấn động liên quan đến trà sữa diễn ra vào năm 2004, khi Bộ Quốc phòng đã truyền đi những tờ rơi kêu gọi nếu người Đài Loan bỏ uống một ly trà sữa mỗi tuần thì trong 15 năm, họ sẽ có đủ chi phí để chi trả cho quân sự. Dĩ nhiên, chiến dịch lợi dụng độ nổi tiếng của trà sữa này đã phản tác dụng và gây ra sự phản cảm trong cộng đồng. Dễ dàng thấy được, trà sữa đã tiến xa hơn một món đồ uống thông thường, trở thành một phần hồn cốt trong đời sống thường ngày của người dân xứ Đài.

…CHO ĐẾN CẢ THẾ GIỚI

Trà sữa trân châu Đài Loan dần vươn mình ra khỏi lãnh thổ quê hương và “xâm chiếm” thị trường châu Á. Ngày nay, không chỉ Đài Loan mà các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc đều sở hữu nền công nghiệp trà sữa được định giá hàng trăm triệu đô la. Lượng trà sữa bán ra ở Đông Nam Á đã tăng đến 3.000% chỉ trong năm 2018, đồng thời món đồ uống ngon lành này còn xuất hiện trong nhiều thực đơn của các chuỗi đồ ăn nhanh phương Tây.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Lịch sử món trà sữa Đài Loan

Người được cho có công đem văn hóa trà sữa đến với các quốc gia phương Tây là Assad Khan – một nhà đầu tư người Anh, chủ sở hữu của thương hiệu trà sữa khổng lồ Bubblelogy. Năm 2011, ông đã nghỉ việc và tập trung phát triển chuỗi thương hiệu trà sữa thành công vang dội, biến trà sữa trở thành món đồ uống thời thượng ở Anh.

Để hiểu được người ta cuồng trà sữa đến mức nào ư? Gần đây ở Singapore, khi các cửa hàng kinh doanh buộc phải đóng cửa do lệnh phong tỏa vì Covid-19, nhiều người đã đổ xô đi mua trà sữa để kịp thưởng thức hương vị ngọt ngào trước khi nghiêm chỉnh giãn cách tại nhà.

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cinet