Kinh nghiệm du lịch Châu Đốc mùa nước nổi

(#wanderlusttips #Chaudoc) Châu Đốc mùa nào cũng đẹp. Tuy nhiên vào mùa nước nổi, “vương quốc mắm” càng thêm thu hút với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và những đặc sản đã ăn một lần là nhớ mãi.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_1

Thời điểm du lịch lý tưởng

Cũng như nhiều nơi khác ở miền Tây, Châu Đốc có khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa, mùa mưa và mùa nắng. Thời tiết khí hậu ở Châu Đốc nói chung thích hợp để du khách đến tham quan quanh năm. Tuy nhiên, mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 11) là thời điểm tuyệt vời nhất để đến du lịch, khám phá miền Tây nói chung và Châu Đốc nói riêng.

Phương tiện di chuyển đến Châu Đốc

Tùy điểm xuất phát mà bạn lựa chọn phương tiện di chuyển là máy bay, xe khách, ôtô riêng hay xe máy. Từ Hà Nội, bạn có thể bay đến TP HCM hoặc Cần Thơ rồi tiếp tục di chuyển bằng ô tô, xe máy để đến Châu Đốc.

Từ Sài Gòn, bạn mua vé đi Châu Đốc ở một số nhà xe như Phương Trang, Hùng Cường, Vĩnh An, Tuấn Tú…. Giá vé dao động từ 150.000 đến 220.000VND.

Nếu di chuyển bằng ôtô riêng hay xe máy từ TP HCM, bạn đi theo QL 1A hướng về Tiền Giang, qua cầu Mỹ Thuận theo QL 80 để đi Sa Đéc, tiếp tục qua phà Vàm Cống đến TP Long Xuyên, theo QL 90 đến Châu Đốc.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_3

Phương tiện đi lại ở Châu Đốc

Xe đạp: Bạn có thể thuê xe đạp ở các công ty du lịch ngay tại trung tâm Châu Đốc hoặc tại bàn tour của các khách sạn. Tham quan khu vực trung tâm Châu Đốc bằng xe đạp cũng là một trải nghiệm thú vị rất đáng để thử qua.

Xe đạp lôi: Ở các tỉnh thành miền Tây đều sử dụng phương tiện này tuy hiện nay không còn phổ biến như trước. Bạn có thể thuê xe lôi ở trung tâm, khu vực gần chợ hoặc ngay trước khách sạn mình lưu trú.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_4

Tàu, thuyền, phà: Để tham quan một số khu vực như Búng Bình Thiên, làng chài, làng người Chăm ở Châu Giang… bạn sẽ di chuyển bằng đường thủy. Bạn có thể đón phà hoặc thuê thuyền tại Cảng Du lịch Châu Đốc – 03 Lê Lợi, P. Châu Phú, điện thoại: 076 355 0949.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_5

Lưu trú

Thành phố Châu Đốc nhỏ nhưng có đủ các resort, khách sạn cho đến nhà nghỉ bình dân nên tùy theo mức tiền và mục đích chuyến đi mà bạn có thể chọn nơi ở phù hợp. Các khu khách sạn, nhà nghỉ thường tập trung ở khu trung tâm thành phố và khu núi Sam. Một khách sạn có dịch vụ nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Châu Đốc có thể kể đến như Victoria Châu Đốc (4 sao) nằm ở trung tâm thành phố; khách sạn Châu Phố (3 sao). Các khách sạn, nhà nghỉ bình dân hơn tập trung ở khu vực đường Trần Hưng Đạo hay Trưng Nữ Vương hay khu vực gần núi Sam.

Ăn gì ở Châu Đốc?

Bún cá Châu Đốc

Đến Châu Đốc, thứ nổi tiếng nhất ở đây ai cũng biết là mắm. Thế nên cũng là tô bún cá, nhưng hương vị ở Châu Đốc đậm đà hơn hẳn. Để hòa mắm vào tô nước lèo nhưng không vương lại mùi tanh, những nghệ nhân nấu nướng nơi đây trải qua bao đời kinh nghiệm. Họ có bí quyết riêng để vị nước vừa đậm đà mà không tanh nồng.

Ngoài những thớ cá lóc vàng ươm, các đầu bếp còn cho thêm chả lụa, thịt quay ăn kèm rau nhút. Gắp một miếng cá chấm chén nước mắm thắng đường có ớt băm nhuyễn, rồi lại húp một muỗng nước lèo mới thấy hết vị ngon ngọt của món ăn dân dã này.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_13

Bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt nốt có màu vàng ươm còn nóng hổi xôm xốp lạ miệng, kết hợp với vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm thoảng đặc trưng của đường thốt nốt xông lên tận mũi, sẽ là món ăn gây ấn tượng khó quên cho thực khách. Đây là đặc sản không nên bỏ qua khi có dịp ghé thăm Châu Đốc.

Tung lò mò

Món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Chăm tại An Giang còn gọi là lạp xưởng bò. Đặc sản này được làm từ ruột, mỡ, và đùi bắp bò đã được lóc từ xương. Sau khi khử mùi bằng rượu và gừng, hỗn hợp thịt bò được trộn theo tỷ lệ nhất định cùng với các loại gia vị cổ truyền của người Chăm. Hỗn hợp này được nhồi vào ruột bò rồi phơi 3-4 nắng thì có thể dùng được. Tung lò mò ngon nhất là được nướng trên bếp than hồng ăn kèm với rau quế, dưa đu đủ, ngò gai và nước chấm là tương phở vừa đủ độ cay. Giá một cân tung lò mò vào khoảng 160.000 -180.000VND.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_15

Món ăn từ bông điên điển

Bông điên điển là một món ăn ngon phổ biến của người dân Châu Đốc, đặc biệt trong mùa nước nổi. Bông điên điển có thể được chế biến với canh chua, làm dưa hoặc ăn kèm như rau sống. Những bông hoa điên điển màu vàng nhạt với cái vị nhẫn nhẫn, bùi bùi rất đặc trưng đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.

Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu.

Địa điểm tham quan không thể bỏ qua

Chùa Tây An

Chùa Tây An còn được gọi chùa Tây An núi Sam hay Tây An cổ tự, là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, cận kề chân núi Sam. Chùa được xây dựng ở độ cao 284m so với mặt nước biển, theo lối chữ “tam”, mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Hồi giáo, kết hợp với kiến trúc chùa cổ của Việt Nam. Chùa Tây An không chỉ là một nơi hành hương, lễ bái, mà còn là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của An Giang.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_6

Đình Châu Phú

Đình Châu Phú nằm trên đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Thoại (phường Châu Phú A), thờ bài vị Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cản. Ông là người từng lập nhiều công lớn được các triều vua phong tặng danh hiệu: Đô đốc thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu…

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_7

Làng nổi Châu Đốc

Điểm du lịch độc đáo nhất ở Châu Đốc chính là làng bè nổi, nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7-8m.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_8

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu (xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc) là một trong số nhiều di tích ở chân núi Sam. Tại đây có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

Miếu Bà Chúa Xứ

Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_9

Làng Chăm Châu Giang

Du khách qua phà Châu Giang để đến với Cồn Tiên, nơi có cộng đồng người Chăm sinh sống tại An Giang. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_10

Kênh Vĩnh Tế

Với chiều dài gần 90km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay.

Núi Sam

Núi Sam cao 284m nằm ở vùng đồng bằng, có đường nhựa dài khoảng 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Núi Sam cùng các ngọn núi khác vùng Bảy Núi là những điểm nhấn tạo nên cảnh quan tự nhiên rất thơ mộng ở miền Tây Nam. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên người dân từ khắp nơi trên cả nước về đây cúng lễ rất đông. Vì đây là ngọn núi thiêng, nên có gần 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_11

Chùa Hang

Chùa Hang nằm trên triền núi Sam là danh lam – thắng cảnh của tỉnh An Giang và là một di tích lịch sử cấp quốc gia tại Việt Nam. Nằm tách rời với cụm di tích núi Sam trên độ cao hàng trăm mét, ở một nơi thanh tịnh, chùa Hang là nơi trang nghiêm cổ kính với nhiều huyền thoại, truyền tụng từ đời này sang đời khác, tạo sức hấp dẫn với du khách. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1840 – 1845. Từ vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên, lại được con người vun đắp, chùa Hang ngày nay đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch.

Ngoài ra, còn nhiều điểm du lịch khác nữa để bạn có thể khám phá nằm gần Châu Đốc như: núi Cấm, rừng tràm Trà Sư…

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_12

Đặc sản nên mua làm quà

Các loại mắm

Châu Đốc được mệnh danh là “vương quốc mắm” nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mê Kông nổi tiếng với trữ lượng cá vô cùng phong phú. Đến Châu Đốc, bạn sẽ bắt gặp các loại mắm hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc… hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.

Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặt trưng của Nam Bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000VND/kg. Du khách có thể mua ở chợ Châu Đốc hoặc khu vực ngay chân núi Sam.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_14

Quả mây gai và me Thái

Đến Châu Đốc, bạn rất dễ bị mê hoặc bởi những trái me Thái chín ngọt lịm thơm lừng bày bán khắp nơi. Thỉnh thoảng bạn cũng sẽ bắt gặp những sạp hàng bán mây gai, một loại quả đặc trưng mà ở Việt Nam chỉ An Giang mới có. Quả mây gai được bán ở khu chợ đêm ngay trước chợ Châu Đốc, giá khoảng 20.000-35.000VND/kg.

Mây gai màu cam, khi chín ngả sang hơi đen, rất nhẹ, xuất xứ Thái Lan và được nhập về An Giang qua biên giới Campuchia. Bên ngoài quả có gai nhỏ nhưng không nhọn, rất dễ bóc vỏ. Mây gai có mùi thơm vừa giống mít, vừa có chút hương của núi rừng.

Sau khi bóc lớp vỏ gai, bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt ngọt chua chua rất đặc trưng. Tuy nhiên, quả mây gai chỉ để được khoảng vài ngày. Bạn nên chọn mua quả chưa chín trước khi về để lúc biếu, món quà vẫn trong trạng thái tốt và vừa chín tới.

Thốt nốt

Nhắc đến An Giang, không thể quên những món ăn làm từ thốt nốt. Trong đó, thốt nốt tươi rất mềm, vị hơi giống dừa nhưng ăn mát hơn. Bạn cân nhắc mua loại ngâm sẵn trong hũ về làm quà. Chúng có thể để tới một năm, tuy nhiên tuyệt vời nhất vẫn là thốt nốt tươi.

Lưu ý quan trọng là thốt nốt tươi chỉ để được khoảng 2 – 3 ngày trong tủ lạnh, nước có bán sẵn ngoài chợ nhưng nên bảo quản trong vòng 24 giờ, khi mua về cần sử dụng liền. Ngoài ra, đường thốt nốt dùng để kho cá, pha nước chanh uống rất ngon và mát.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_16

Cà na đập

Quả cà na tươi, sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát thì đem dầm đường, chờ khoảng vài tiếng đồng hồ là có thể sử dụng. Món này phải khéo léo sao cho quả cà na bị đập không quá nát, vẫn giữ màu xanh tươi sau khi chà xát, vắt nước nhưng hương vị còn nguyên, ăn vẫn giòn. Cà na đập ăn chung với muối ớt, vừa ngọt, vừa giòn rất ngon.

Lưu ý khi đi Châu Đốc

– Nên mang theo kem chống nắng, mũ rộng vành để tiện cho những chuyến dài nhiều giờ trên vùng sông nước. Nếu đi rừng tràm Trà Sư, nên bôi kem chống mỗi.

– Trang phục kín đáo để lễ chùa chiền hay thuận tiện cho di chuyển.

– Nên mang theo máy ảnh để ghi lại những cảnh đẹp của Châu Đốc.

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_chau_doc_2

Trang Nguyen (TH) | Wanderlust Tips | Cinet