Nhật ký hành trình 10 ngày ở Tây Tạng (Kỳ 2)

Hành trình du lịch Tây Tạng 10 ngày của chị Thủy và con trai Bốp là vô vàn những cảm xúc đan xen, từ lo sợ, hồi hộp, thở phào, căng thẳng rồi lại vỡ òa hạnh phúc. Dù mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng trên tất cả hai mẹ con đã cùng thực hiện được giấc mơ Tây Tạng của mình.

Cùng theo chân chị Thủy để bắt đầu hành trình đầy các thách thức này.

wanderlust-tips-nhat-ky-hanh-trinh-10-ngay-o-tay-tang-ky-2-4

Ngày 1: Thử thách để tới được Tây Tạng

Rắc rối ở sân bay

Hôm nay là ngày thật tệ hại với cá nhân tôi và các bạn trong nhóm. Có những lúc chúng tôi tưởng như đã không thể đến được vùng đất Tây Tạng kỳ bí.

Chúng tôi đã phải dậy từ 3h sáng để kịp ra sân bay check-in chuyến bay nội địa Trung Quốc: Thành Đô – Lhasa lúc 6h35’ để tới Tây Tạng. Mọi người trong đoàn tôi sẽ bay vào những khung giờ khác nhau nên chúng tôi khá lo lắng việc giấy phép, vì giấy phép này cấp theo nhóm. Thế nhưng cuối cùng hóa ra đó lại là việc đơn giản nhất, bởi có rất nhiều rắc rối tệ hại hơn đang chờ chúng tôi ở sân bay.

Rắc rối đầu tiên là khi ra đến quầy check-in tôi mới phát hiện ra số hộ chiếu trên vé máy bay khác với số hộ chiếu hiện giờ của Bốp – con trai tôi. Quả thực tôi đã rất bất cẩn, lúc mua vé cho Bốp thì chưa thay hộ chiếu mới cho con. Sau đó hộ chiếu của con hết hạn và tôi đã thay mới với số hộ chiếu mới. Tôi càng hoang mang hơn khi nhân viên ở quầy check-in không thể nói được tiếng Anh. Tôi chỉ thấy cô ấy viết lại số 75 và đoán rằng tôi sẽ qua quầy 75 để giải quyết. Thế nhưng ở quầy 75 cũng là một nhân viên không thể nói được tiếng Anh. Lúc này đã là 4h49’.

Lúc đó tình cờ tôi thấy có một hướng dẫn viên cho đoàn khách nước ngoài, tôi liền nhờ cô ấy dịch giúp lại tình huống tai hại này. Thế nhưng cô ấy quá bận rộn do đoàn đông nên sau khi dịch xong cũng không còn thời gian dịch lại lời của người nhân viên quầy 76. Càng lúc càng lo lắng hơn khi cả đoàn còn chưa check-in. Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là tôi sẽ phải ở lại Thành Đô cùng Bốp nếu họ không cho chúng tôi check-in.

wanderlust-tips-nhat-ky-hanh-trinh-10-ngay-o-tay-tang-ky-2-0

May sao, lúc đở ở quầy 76 có thêm một nhân viên mới đến và người này có thể nói được tiếng Anh. Ngay lập tức người nhân viên này dẫn tôi tới gặp người cấp cao hơn để trình bày. Và người quản lý đã giúp tôi sửa lại số hộ chiếu, đồng thời check-in luôn cho hai mẹ con. Tiếp theo là đến lượt check-in cho cả đoàn.

Rắc rối tiếp theo lại xảy ra trong lúc chúng tôi giải quyết việc sai số hộ chiếu. Một thành viên trong đoàn đã check-in hộ cho 3 người còn lại bay cùng chuyến. Thế nhưng, check-in xong lại chỉ có 1 vé máy bay được in ra. Vậy là chúng tôi lại chạy cuống cuồng tìm anh quản lý cao cấp lúc trước và nhờ anh in lại vé máy bay.

Sau khi gửi hành lí, đoàn chúng tôi là nhưng hành khách cuối cùng chạy như bay ra quầy an ninh. Các nhân viên an ninh đã tạo điều kiện kiểm tra nhanh nhất có thể. Tuy nhiên khi đến lượt một bạn trong nhóm kiểm tra thì hệ thống hiện lên thông báo bạn phải quay lại ngay quầy gửi đồ khẩn cấp. Hành lí có vấn đề. Lúc này, sự hoảng loạn dường như lên cao nhất, chẳng lẽ đây là thử thách dành cho chúng tôi để sang được tới đất Phật. Chúng tôi chỉ còn cách chạy lên cửa máy bay để báo cho nhân viên ở đó biết còn một người trong nhóm tôi đang gặp rắc rối ở khâu kiểm tra hành lí. Nhân viên sân bay cũng đã hỗ trợ cho xe điện ra đón bạn còn lại, hóa trong hành lí có cục sạc dự phòng.

Cả máy bay đã phải đợi chúng tôi nửa tiếng. Cảm xúc thực sự vỡ òa khi thấy người cuối cùng trong nhóm bay đầu tiên đã lên được máy bay. Nếu chỉ một người bị bỏ lại tôi sẽ vô cùng ân hận. Quả thực, tôi rất biết ơn sự xử lý cực kỳ nhanh cũng như sự nhiệt tình giúp đỡ của nhân viên sân bay Thành Đô.

Giờ thì tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm và yên tâm rằng chúng tôi đã được “cấp phép” để lên vùng đất huyền bí Tây Tạng. Người ta nói thật đúng, phải có duyên mới đến được đây. Vừa đen đủi, vừa may mắn nhưng chúng tôi đã vượt qua được thử thách đầu tiên. Niềm tin mãnh liệt và khao khát đến đây đã nối duyên cho chúng tôi đến Tây Tạng.

wanderlust-tips-nhat-ky-hanh-trinh-10-ngay-o-tay-tang-ky-2-3

Đối mặt với chứng sốc độ cao

Đặt chân đến sân bay Lhasa, đoàn chúng tôi đã thực sự tới được Tây Tạng rồi. Đón chúng tôi là Kuchok mà chúng tôi gọi là Kunkun cho thân mật, bạn hướng dẫn viên rất hiền lành và dễ thương của Tibet Fit. Lhakpa là giám đốc của Tibet Fit, quả thực Lhakpa không có gì ngoài niềm tin tuyệt đối với con người. Chúng tôi đã đặt tour mà không có một đồng tiền đặt cọc nào. Đức tin và sự hiền lành vốn là bản chất của người Tạng. Và tôi thật may mắn vì đã được biết “một người Tạng của người Tạng”, một người thấm nhuần văn hóa Tây Tạng hơn bất cứ ai. Lhakpa gần như rất ít khi đi cùng các đoàn, nhưng tôi đã nài nỉ để Lhakpa đi cùng đoàn chúng tôi như với một người bạn.

Thủ đô Lhasa nằm ở độ cao 3600m so với mực nước biển. Đa phần các bạn trong nhóm tôi đều chưa từng lên quá độ cao 3000m trước đó. Chỉ có mẹ con tôi và đứa em trai may mắn hơn vì đã có kinh nghiệm ở độ cao 4000m và 5300m. Vì vậy, ngay từ trước chuyến đi, tôi đã nhắc từng bạn trong nhóm về việc uống thuốc cũng như chuẩn bị đồ đạc để đối phó với tình trạng này.

Thế nhưng ở Lhasa, các bạn trong đoàn đều mệt và vẫn có biểu hiện của sốc độ cao. Các bạn gần như nằm hết ở phòng và ko thể đi ăn trưa được. Lúc này tôi nghĩ rằng khả năng cả nhóm đi được đến hồ Namtso hay EBC khá khó khăn. Tôi khá buồn vì hiểu rằng ai cũng mong chờ chuyến đi này từ rất lâu. Tôi chỉ còn biết lên mạng tìm hiểu lại về những loại thuốc dùng trong trường hợp này và cấp cứu chị Huyên – một người bạn của chúng tôi ở Việt Nam, người đã từng đi Tây Tạng 3 lần, và cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trước chuyến đi. Chị Huyên cho tôi một danh sách những việc cần làm. Sau đó, đến quá trưa mọi người có vẻ ổn hơn. Vì vậy chúng tôi cùng Kunkun quyết định đi dạo quanh Lhasa.

wanderlust-tips-nhat-ky-hanh-trinh-10-ngay-o-tay-tang-ky-2-10

Lhasa giờ đã rất hiện đại, cái gì cũng có chẳng khác gì các thành phố khác. Có lẽ người Trung Quốc đang dần biến Tây Tạng thành phiên bản “made in China 100%”. Kunkun dẫn chúng tôi đi vào khu phố cổ, có lẽ chỉ vào đây chúng tôi mới được ngắm nhìn những kiến trúc nhà Tạng còn sót lại. Những người dân Tạng hiền lành xen với người Trung Quốc làm con đường trở nên thật đông đúc. Thi thoảng tôi lại gặp những tay lính Trung Quốc mang theo súng. Tôi hỏi Kunkun tại sao tới giờ họ vẫn phải làm vậy, Kunkun chỉ lắc lầu và thở dài. Tôi lại hỏi khẽ: “Người Trung Quốc vào giúp Tây Tạng phát triển, làm đường xá, phương tiện đi lại, bệnh viện và nhà hàng… vậy Kunkun thích cuộc sống này hơn hay ngày trước hơn?“. Kunkun trả lời tôi bằng giọng thật buồn: “Bây giờ Tây Tạng nhiều màu quá, thật sặc sỡ. Nhưng tôi vẫn thích Tây Tạng của ngày xưa hơn, chỉ có màu trắng, không vẩn đục. Chúng tôi không phải lo nghĩ gì. Chúng tôi sống bằng đức tin tuyệt đối vào Phật giáo“. Câu trả lời của Kunkun khiến tôi không thể hỏi thêm bất kì một câu nào nữa.

Chúng tôi đi quanh chợ Barkhor. Các bạn trong đoàn đã đi về trước vì quá mệt. Tôi không kịp chụp ảnh nhiều vì lo lắng cho những bạn ở nhà. Tôi nhanh chóng trở về khách sạn, kiểm tra xem tình trạng mọi người như thế nào. Lúc này mọi người trong đoàn quá mệt, các triệu chứng của việc sốc độ cao càng ngày càng rõ rệt hơn như nôn, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ…, thậm chí đã có người phải dùng bình oxy mặc dù trước đó đều đã uống thuốc đầy đủ.

Tôi và Lhakpa cùng ngồi bán các phương án giải quyết tốt nhất. Chúng tôi là một nhóm vì vậy chúng tôi nhất định phải cố gắng để tất cả đều có thể đi đến tận cùng của chuyến đi. Hy vọng ngày mai mọi người sẽ ổn hơn.

(còn tiếp)

>>Kỳ 1: Kinh nghiệm du lịch Tây Tạng

Theo FB Thuy Bop | Wanderlust Tips | Cinet

Comments are closed.