Non nước Chùa Hương

Nước Nam có hai danh thắng Chùa Hương nổi tiếng, một ở Hà Tĩnh, một ở Hà Nội. Danh thắng nào cũng đẹp, cũng cảnh sắc nên thơ mà dễ thường nhắc đến làm lòng người say mê. Và trong bài viết này, Wanderlust Tips sẽ kể cho bạn nghe về danh thắng Chùa Hương ở Hà Nội.

Chùa Hương là tên gọi tắt của một quần thể rộng lớn gồm nhiều chùa và đền nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mĩ Đức, cách thành phố Hà Nội gần 70km. Khách vãn cảnh cảnh muốn đi hết có khi cần đến 3 ngày, trong chùa có chỗ cho người phương xa lưu trú, song riêng nữ giới thì phải hai người trở lên mới có thể lưu lại.

ĐÒ XUÔI BẾN VĨ GHÉ CHÙA HƯƠNG

Khách thập phương gửi xe ở bến Yến Vĩ rồi xuống đò.

Bến Yến Vĩ lướt thoi thuyền Tam bảo
Cho tôi đi vào xứ của thiên nhiên
Tay cô gái dong chèo trên suối Ðục
Ðây bến trần hay đã đến non tiên” (Băng Sơn)

Đường đến chùa xuôi theo dòng suối Yến, dù muốn hay không cũng chỉ độc cách ấy. Đò trôi chầm chậm giữa dòng suối hiền lành, xanh trong, núi hai bên bờ đổ xuống soi bóng ngàn đời nay. Người đi chùa nhìn suối, biết có soi được lòng mình.

tạp chí wanderlust tips vãn cảnh chùa Hương
Những ngày mùa xuân, suối Yến nhuộm tím một sắc hoa súng nở.

Đò nhỏ xíu, chỉ chở được 6 người, ngày hội nhiêu đó mà ngày thường cũng nhiêu đó, bớt người thì được nhưng thêm người thì không. Đò thi thoảng chòng chành, mỗi người lại tự ngó nghiêng chỗ mình, ban đầu cũng sợ, sau mới biết chòng chành không do nước lớn, chòng chành do người ngồi không yên, người không tìm được điểm tựa nên đò không tìm được sự cân bằng. Chúng tôi biết thế, nên ai nấy ngồi lặng im, không nói gì nhưng chắc nghĩ ngợi nhiều.

Cô lái đò khua chèo nhè nhẹ, kể về dãy núi Voi Phục bên bờ. Đã lâu lắm rồi, cảm được lòng từ bi và trắc ẩn của Đức Phật, những con voi đều thành tâm cúi đầu về đây, đứng một hàng thẳng hướng Chùa Hương. Duy chỉ con voi đứng sau cùng là quay đầu ngược lại, người trời giận quá sai người xuống xử phạt. Nhưng hay đâu ấy là con voi đầu đàn đang quay lại nhìn các anh em đã tụ về đủ chưa. Voi bị oan, không nói được, voi khóc, giọt nước mắt chảy mãi, chảy mãi mà thành hình hài suối Yến bây giờ.

Một cây số đầu xuôi đò, nhìn hai bên bờ chỉ toàn những lộc vừng. Ngày xưa trong làng tôi cũng có cây lộc vừng, cụ già trong làng bảo: “Cây phù hộ để làng được lộc nhiều như vừng nhé”. Chẳng biết vì thấy cụ thành tâm hay vì cây thiêng thật, mà làng tôi phúc phận bao đời trù phú xanh tươi. Tò mò, tôi hỏi cô lái đò có phải vì vậy mà Chùa Hương trồng lộc vừng hai bên bờ. Cô lắc đầu, cây ở đây hợp đất hợp nước nên mọc lên tốt tươi, Phật tử tới đây cũng chẳng mong lộc phước phát tài, chỉ cầu tháng ngày an yên, gia đình hòa thuận, bấy nhiêu thôi là đủ rồi.

tạp chí wanderlust tips non nước chùa Hương
Chùa Hương được xem là một trong những ngôi chùa thiêng liêng ở vùng Bắc Bộ.

Những ngày lộc vừng nở, hoa trôi trên dòng nước, khách vãn cảnh vì thế mà lòng thanh thản ít nhiều. Tôi thăm chùa những ngày tháng 7, lộc vừng nở hết, cứ tiếc tiếc, biết thế đi sớm dăm ngày, chắc đẹp lắm, tự ủi an thôi hoa nở hoa tàn, ấy cũng lẽ tự nhiên đất trời.

LINH THIÊNG CỔ TỰ

Đò đi đến cây lộc vừng to nhất thì dừng, đó cũng là chân Đền Trình. Đền trình tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, đền được xây dưới chân núi Ngũ Nhạc.

Lên đò suối Yến xinh xinh

Ðến đền Ngũ Nhạc nhớ trình thần linh (Ca dao)

Đây là dãy núi với 5 ngọn núi liền kề nhau tạo thành một vệt hình dáng giống một con Thanh Long (Rồng xanh) nằm phục gác cổng trời Nam. Theo phong thuỷ, nơi đây là địa thế rõ ràng, dáng núi uy nghiêm, núi sông tụ thuỷ nên sinh khí trường tồn. Nhiều đời truyền lại, xưa đây là một ngôi đền, thờ vị tướng đã có công đánh giặc Ân phù vua Hùng thứ 6. Chiến tranh, đền bị Pháp đốt phá nhiều lần, cho đến hoà bình thì được dân làng tu sửa lại. Đền xây theo kiểu chữ “Tam“ (hậu cung – đại bái – tiền đường) theo kiến trúc thời Lê. Ngoài sân đền có tượng võ sĩ, voi chầu bằng đá phảng phất dáng vẻ uy nghi chốn cung đình.

Không ai đặt ra mà chỉ là quen rồi thành lệ, Đền Trình là nơi đầu tiên khách vãn cảnh ghé thăm, bao giờ đò cũng chờ bên ngoài chừng 15 phút, khách vào trong thắp một nén nhang như lời thưa gửi hôm nay về đây, lòng thành xin ghé thăm cảnh chùa.

tạp chí wanderlust tips non nước chùa Hương
Đền Trình còn có tên gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ.

Hàng lộc vừng tới Đền Trình thì hết, bắt đầu từ đây là cảnh núi non trùng điệp đôi bờ. Bốn mùa, 12 tháng, không khí nơi đây đều vậy, trầm mặc và cổ kính. Dù ngoài kia giông bão thì nước suối Yến, trời Chùa Hương vẫn thế. Những năm nắng hạn, người về đây xin những mầm xanh; người thiếu sữa mẹ, người cũng về đây xin những giọt ngọt lành. Người lái đò bảo nước ở đây xin thì thiêng lắm.

Mùa xuân, xuôi dòng Yến chỉ toàn sắc tím của súng, còn mùa hạ là những sắc thắm của sen. Sen nở chậm rãi, từ tháng 6 đến tháng 7, hương sen dìu dịu, sắc sen hồng hồng, không ai hái sen, sen bình thản tỏa hương cho đời. Chèo một quãng lại thấy có cánh sen trôi nhè nhẹ, thảnh thơi và bình yên. Tự nhiên tôi nghĩ cụ Nguyễn chắc không vãn được cảnh này, bởi nếu có, hẳn cụ đã không ví Kiều như cánh hoa trôi để rồi “trải bao gió dập sóng dồi” “biết là về đâu”.

Đò đi hết một tiếng thì tới Chùa Thiên Trù. Đường lên chùa cây cối rợp bóng, những bậc thang xưa cũ cổ kính dẫn lối vào.

Tiếng đâu văng vẳng chuông vàng

Khói đâu nghi ngút mùi nhang Thiên Trù

Thuyền nan mấy mái chèo đua

Một giây thẳng tới bên chùa bước lên (Chu Mạnh Trinh).

Chùa Thiên Trù nằm trên thềm núi Lão được xây dựng từ năm Đinh Hợi (1467) đời vua Lê Thánh Tông. Sử ký kể rằng: trong chuyến tuần thú phương Nam lần thứ hai, vua cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm. Trong lúc thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, vua xem thiên văn thấy vùng này nằm ngay vị trí của sao Thiên Trù (Bếp Trời), nên nhân đấy đặt tên cho thung lũng này là Thiên Trù. Sau đó, có 3 vị Hoà thượng (Tỷ Tổ Bồ Tát) tới đây dựng thảo am để tu hành và đặt tên là Thiên Trù Tự (Chùa Thiên Trù). Chùa xây dựng theo kiến trúc “Ngũ môn tam cấp” tức năm cửa ba bậc.

ĐƯỜNG LÊN “NAM THIÊN ĐỆ NHẤT ĐỘNG”

Ngắm chùa xong từ đây có hai cách để đi lên Động Hương Tích, nơi cao nhất của thắng cảnh, được mệnh danh “Nam thiên đệ nhất động” do chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đặt bút đề tháng ba năm Canh Dần (1770) khi tuần du Sơn Nam.

tạp chí wanderlust tips non nước chùa hương
Động Hương Tích được mệnh danh là “Nam Thiên Đệ Nhất Động”.

Đường lên động có thể đi bằng cáp treo hoặc đi bộ. Đi cáp treo thì hết 6 phút còn đi bộ thì mất một tiếng. Đường bộ là một con đường dốc quanh co nối tiếp nhau bằng những bậc thang ghép từ đá sỏi nhẵn bóng. Đi nửa đường sẽ thấy chùa Giải Oan. Tương truyền những ai có điều oan khuất, cứ đến đây sẽ tìm được lòng điềm nhiên tự tại.

Đi lên phía trên một chút là đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Theo truyền thuyết Mẫu là con của Sơn Tinh (Đức Thánh Tản Viên) và công chúa Mỵ Nương. Bà là người tài sắc vẹn toàn, vẫn thường cùng cha mẹ đi giúp người dân. Khi Ngọc Hoàng phong cho Tản Viên và Mỵ Nương thành các vị thần trên trời, Ngọc Hoàng cũng phong cho La Bình là Công chúa Thượng ngàn, trông coi 81 cửa rừng và các vùng núi non hang động nước Nam. Du khách vào cúi lạy Mẫu, bao giờ cũng được người canh đền gửi lộc của Mẫu: “Ta cho con một tờ tiền tượng trưng cho may mắn, nén vàng tượng trưng cho bát ăn bát để và lá bùa tượng trưng cho bình an”. Tôi nghĩ đó là điều thú vị và may mắn bởi nếu đi cáp treo, hẳn đã không được ngắm nhìn nhiều điều đến thế.

tạp chí wanderlust tips non nước chùa hương
Phong tục thờ Mẫu Thượng Ngàn đã có từ lâu đời trong văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam.

Tiếp tục hành trình để tới động Hương Tích. Từ cửa động, muốn vào sâu bên trong động để thắp nhang cần bước thêm 120 bậc đá. Không khí trong động dìu dịu, trên trần rủ xuống chín nhũ đá hình chín con rồng chầu thường vẫn được gọi là “Cửu Long Tranh Châu”.

“Ơ! Chùa trong đây rồi

Ðộng thẳm bóng xanh ngời

Gấm thêu trần thạch nhũ

Ngọc nhuốm hương trầm rơi” (Nguyễn Nhược Pháp).

Trần động có những giọt nước nhỏ xuống tí tách, khách vãn cảnh thường hứng những giọt nước ấy. Người ta bảo ấy là để may mắn, cuộc đời này có cố gắng thôi chưa đủ, người ta còn cần chút may mắn nữa. Tôi cũng làm theo, đưa tay ra đón những giọt nước, nghe mát lạnh trong lòng bàn tay.

Sâu trong động là không khí trầm mặc và trang nghiêm, người ta khẽ khàng và nhỏ nhẹ, tựa như “bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” (Xuân Diệu).

Tôi đưa máy lên, cố giữ lại những khoảnh khắc này, nhưng máy đưa lên mãi không thể lấy nét. Có lẽ vậy, có những điều không thể níu giữ được, có những điều chỉ có thể đến và cảm nhận, có những điều đừng sợ nó trôi đi mà hãy trân trọng ngay giây phút này đây.

GỬI LẠI CHÙA HƯƠNG MỘT TIẾNG TẠ TỪ

Trên đường về, tôi ghé lại một quán để nghỉ ngơi và ăn chén chè củ mài. Chè củ mài và nước vối là hai thức quà bán rất nhiều ở đây. Chén chè nhỏ tựa chén đậu hũ, nhưng màu đục hơn, bên trên rải dăm lát gừng thái mỏng. Tôi ăn xong thì trời cũng đã xế chiều, tôi nhanh chân xuống bến đò bởi đò hẹn 4 giờ ở bến.

Đò vào 1 tiếng và đò ra cũng vậy. Từng có đề xuất cho thuyền và ca nô di chuyển, nhanh mà tiết kiệm nhưng bị nhiều người phản đối. Đi Chùa Hương mà không đi đò sao còn là đi Chùa Hương; về với quê cha đất tổ, về với linh thiêng cõi Phật cớ sao lòng còn nôn nóng chuyện đi ở…

tạp chí wanderlust tips vãn cảnh chùa Hương
Bốn mùa Chùa Hương mang một màu sắc cổ kính trang nghiêm vô tư lự.

Về lại hàng lộc vừng cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Cô lái đò bảo chúng tôi những người đi chùa ít nhiều trong đời đều trở lại nơi này. Ban đầu tôi không tin. Mãi đến khi đứng ở bến đò tôi mới ngẩn ngơ. Phải rồi, có những nơi chốn người ta vì nặng tình mà trở lại, có những nơi chốn vì lòng xót xa kiếp người mà trở lại, có những nơi chốn vì thương lấy chính mình mà trở lại… Và hình như Chùa Hương chính là nơi chốn như thế.

Chùa Hương trời điểm lại trời tô

Một bức tranh tình trải mấy thu

Xuân lại xuân đi không dấu vết

Ai về ai nhớ vẫn thơm tho (Tản Ðà)

Wanderlust Tips | Cinet