Osechi Ryori: Món ăn truyền thống ngày đầu năm của người Nhật

Từng món trong khay Osechi Ryori truyền thống của người Nhật Bản đều ẩn chứa nhiều ý nghĩa như trứng cá trích là con cháu đầy đàn, đậu đen tượng trưng cho sức khoẻ hay rong biển mang ý nghĩa của hạnh phúc.

Những ngày cuối cùng của năm cũ, khi mọi người bắt đầu được nghỉ sau một năm làm việc chăm chỉ thì ở Nhật Bản các bà các mẹ sẽ bắt tay vào làm Osechi Ryori. Đây là bữa tiệc đón năm mới truyền thống ở xứ sở mặt trời mọc, tồn tại khoảng hơn 1.000 năm. Người dân Nhật Bản tin rằng những ngày đầu năm có vai trò vô cùng quan trọng và ăn Osechi Ryori vào đầu năm sẽ đem lại một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng và dồi dào sức khỏe.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Osechi Ryori - Món ăn ngày đầu năm không thể thiếu của người Nhật

Mỗi một khay Osechi Ryori là một tập hợp các món ăn với sự kết hợp hài hòa giữa đặc điểm từng vùng miền, từng địa phương của đất nước mặt trời mọc vào mùa xuân. Về cơ bản, thức ăn trong mỗi khay sẽ được sắp xếp theo quy tắc: hộp đầu tiên là các món hầm và luộc dùng để khai vị, hộp thứ hai gồm món ăn nhẹ hoặc hơi có vị chua, và hộp cuối cùng là các món ăn chính với món hầm nước hoặc kho.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Osechi Ryori - Món ăn ngày đầu năm không thể thiếu của người Nhật

Trong khay Osechi Ryori có nhiều món ăn phong phú và gửi gắm vào đó là những mong muốn của người Nhật cho một năm tốt lành, chẳng hạn như:

  • Daidai – quả cam đắng: Có cách đọc đồng âm với chữ “đại” trong chữ “thời đại” nên được hiểu là “từ thế hệ này sang thế hệ khác”, mang nghĩa cầu mong cho trẻ em trong năm mới.
  • Datemaki – trứng cuộn: Được chế biến từ nước dùng cá và tôm xay đánh lên với trứng, sau đó tráng rồi cuộn tròn. Đây là biểu tượng cho những ngày tháng tốt lành.
  • Kamaboko – chả cá: Biểu tượng cho mặt trời đang lên với viền đỏ và lòng màu trắng mang sự tươi mới và âm hưởng của lễ hội.
  • Kazunoko – trứng cá trích: “Kazu” có nghĩa là “số” và “ko” có nghĩa là “đứa trẻ”. Đây là biểu tượng cho điều ước con cháu đầy nhà trong năm mới. Kazunoko có màu vàng ươm, cắn vào sần sật, có vị mặn rất hợp để thưởng thức cùng với những ly rượu sake thơm nồng.
  • Konbu – rong biển: Là loại rong biển bản to, chữ konbu là cách đọc nhanh của chữ yorokobu có nghĩa là vui, hạnh phúc, thích thú.
  • Kuromame – đậu đen: Mame trong tiếng Nhật cũng có nghĩa là sức khỏe, biểu tượng cho nguyện vọng mong cầu mạnh khỏe trong năm mới.
  • Ebi – Tôm: Tôm nấu với rượu sake và nước tương, những chiếc râu dài của tôm như niềm mong ước sống lâu trăm tuổi.
  • Nishiki tamago – trứng hấp: Được chia thành hai phần lòng đỏ và trắng trước khi nấu. Màu vàng biểu tượng cho vàng và trắng là bạc, cả hai đều là tượng trưng cho sự sung túc.
  • Renkon – rễ hoa sen, hoa súng: Trong Phật giáo, renkon được coi là nguồn gốc của sự tinh khiết. Hoa sen được những cội rễ nuôi lớn trong hồ nước nơi Đức Phật tại thế. Rễ sen tượng trưng cho niềm hạnh phúc về một tương lai không trở ngại.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Osechi Ryori - Món ăn ngày đầu năm không thể thiếu của người Nhật

Sự hấp dẫn của Osechi Ryori nằm ở sự hòa quyện giữa linh hồn và tính thẩm mỹ trong từng món ăn được thể hiện qua thị giác, khứu giác và vị giác. Việc trang trí khay đòi hỏi nhiều công phu. Những lá vàng mỏng to bằng đầu đũa được điểm xuyết nổi bật, tôm đỏ được để nguyên râu dài hay những khoanh ớt thắm sắc được đặt lên những miếng trứng cuộn vàng ươm để trông như nhụy hoa. Tất cả được sử dụng để tôn lên nét tinh tế của Osechi Ryori.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Osechi Ryori - Món ăn ngày đầu năm không thể thiếu của người Nhật

Nghị lực và tinh thần kỷ luật của người dân Nhật Bản được thể hiện qua cách chế biến từng món ăn trong Osechi Ryori. Chính vì vậy, Osechi Ryori sẽ là một món quà đầu xuân truyền thống, đầy ý nghĩa để gửi tới những người thân, bạn bè.

Wanderlust Tips | Cinet