Rộn ràng những lễ hội xuân sau Tết

(#wanderlusttips) Đắm mình trong không gian tràn ngập sắc xuân hay kgoong khí tưng bừng náo nhiệt của các lễ hội là những trải nghiệm thú vị vào những ngày sau Tết.

Khai ấn Đền Trần

Thời gian: 11-16 /1 âm lịch hàng năm

Địa điểm: Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định

Đây là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm. Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng giêng, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ môn Đền Trần… Du khách tham gia lễ hội Đền Trần chủ yếu cầu thăng quan, thành đạt trong công việc bằng hình thức xin hoặc mua ấn.

Hội Lim

Thời gian: 12-14 /1 âm lịch

Địa điểm: Huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

HoiLim (1) Le Bich

Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương. Đây cũng là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh. Trong ngày lễ còn có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như hát quan họ, giao lưu đối đáp, đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người.

Hội Gò Đống Đa

Thời gian: 5/1 âm lịch

Địa điểm: Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung, người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Hội Gióng

Thời gian: 6 – 8/1/2015

Địa điểm: Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội

HoiGiong (1) Le Bich

Hội Gióng tưởng nhớ công đức của Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng). Lễ hội diễn ra với các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Sang ngày mùng 7 chính hội (ngày thánh hoá theo truyền thuyết), hoạt cảnh chém tướng giặc diễn tả lại cảnh Thánh Gióng chém 3 tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời được tổ chức. Đến chiều ngày mùng 8, lễ hóa mô hình voi và ngựa giấy với kích thước lớn được tiến hành để kết thúc lễ hội bởi voi chiến và ngựa sắt là hai linh vật gắn liền với quá trình Thánh Gióng chống giặc Ân, bảo vệ non sông bờ cõi. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Thời gian: 16-17/1 âm lịch

Địa điểm: Xã Hải Lựu, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

Hoi choi trau

Đây là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Trong phần lễ, người dân trong xã dâng lễ lên Đền Hùng, cầu mong một năm làm ăn phát đạt. Ở phần hội, 25 ông Cầu, đại diện cho 19 thôn và các đoàn thể trong xã tham gia thi đấu. Kết thúc lễ hội, các ông Cầu sẽ bị đem… làm thịt để bán cho du khách.

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ

Thời gian: 4 – 6/1 âm lịch

Địa điểm: Làng Đồng Kỵ, thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh

LeHoiDongKy (1) Le Bich

Trong ngày hội, khách sẽ được nhìn thấy hai quả pháo lớn có đường kính hơn 0,5m trang trí sặc sỡ các hình tứ linh long, lân, quy, phụng. Hai quả pháo này được đặt trên kiệu có lọng vàng che đầu và rước từ nhà trưởng đám ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người. Đám rước đi đến đâu, tiếng kèn, trống, reo hò của dân làng và khách thập phương rộn rã đến đó. Ngoài rước pháo, lễ hội còn có đấu cờ người, vật cổ truyền, chọi gà và biểu diễn các canh hát quan họ, các tích tuồng cổ…

Lễ hội rước lợn

Thời gian: đêm 13/1 âm lịch

Địa điểm: Làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Hoi La Phu - Le Bich

Theo truyền thống, hội rước lợn là dịp tưởng nhớ Tĩnh Quốc Tam Lang, vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Vương, mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc. Theo lệ làng, ngày 13 tháng giêng hàng năm, mỗi xóm sẽ mổ 1 con lợn dâng tế. Lợn để tế được lựa chọn và chăm sóc với tiêu chuẩn khắt khe. Quy trình mổ lợn được tiến hành tỉ mỉ. Công phu nhất là bóc lá mỡ. Người thợ phải làm khéo léo để giữ nguyên lá mỡ làm áo choàng phủ lên mình lợn tế. Khoảng 6 giờ tối, các xóm bắt đầu rước lợn tế lên đình. Nghi lễ tế thường diễn ra suốt đêm ngày 13 tháng giêng. Sau đó, lợn tế được các xóm mang về chờ sang ngày hôm sau tản lộc cho các gia đình trong xóm.

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Thời gian: 5 – 7/1 âm lịch

Địa điểm: Xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam

Hoi Tich Dien_Le Bich2

Đầu xuân năm 987, Vua Lê Đại Hành đã thực hiện lễ cấy tịch điền để động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất. Lễ tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Phần lễ có: rước chân nhang vua Lê Đại Hành, lễ rước nước, lễ sái tịnh và lễ Tịch điền,và lễ tạ Thần Nông… Phần hội có: hội vật mùa xuân thượng võ, hội chọi gà, đánh đu, kéo co, cờ người, đặc biệt hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này.

Lễ hội xuống đồng

Thời gian: 8/1 âm lịch

Địa điểm: xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Hoi xuong dong

Đây là một trong những lễ hội thu hút nhiều du khách trong và nước ngoài đến tham dự nhất. Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước rồi đến lễ cúng giao linh với thần linh. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao Nhưng nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xoè, khi tiếng kèn trống vang lên các cô gái Tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu. Khi các màn xoè kết thúc mọi người lại đổ tới khu chơi trò chơi. Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ…

Hội vật làng Sình

Thời gian: 10/1 âm lịch

Địa điểm: Đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, TP. Huế

Vatlangsinh01

Hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm, và phát triển liên tục cho đến nay. Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người bản địa. Hội vật Làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.

Lễ hội Bà Chúa Xứ

Thời gian: 23/4 – 27/4 âm lịch

Địa điểm: Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang

Thoai Ngoc Hau- Mieu Ba chua xu

Lễ hội còn có tên gọi khác là Lễ hội Vía Bà. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ, là dịp để tỏ lòng thành kính Bà Chúa Xứ, vị thần được suy tôn là Bà mẹ của xứ sở Châu Đốc. Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén…

Wanderlust Tips

Trả lời