Share the love: Đa sắc màu tôn giáo

[Wanderlust Tips tháng 8/2018] Với chủ đề “Tôn giáo đa sắc màu”, tạp chí Wanderlust Tips số tháng 8 này chia sẻ với bạn đọc về các hành trình của 4 nhân vật đến với những thánh địa tôn giáo linh thiêng trên thế giới.

CHUYẾN ĐI BHUTAN ĐÃ THAY ĐỔI NHIỀU THỨ TRONG TÔI

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Share the love: Đa sắc màu tôn giáo

PHẠM QUANG TUÂN, NHÂN VIÊN MARKETING

Vì có khoảng thời gian tạm xa công việc và thực hiện đam mê du lịch nên hầu như tháng nào tôi cũng đi, từ đó “Tuân Cuồng Chân” là biệt danh mà mọi người yêu quý đặt cho tôi. Tôi yêu thiên nhiên, yêu tất cả mọi sự đến từ thiên nhiên và đó cũng là yếu tố khởi đầu cho mỗi chuyến đi của tôi. Đặc biệt, mỗi vùng đất với những câu chuyện về tôn giáo đều cuốn hút tôi bởi tính ly kì, huyền diệu cũng như được biết thêm nhiều điều mới lạ mà tôi chưa có cơ hội được tiếp cận.

Bhutan có lẽ là vùng đất làm tôi ngạc nhiên nhất, cũng có thể nói chuyến đi đó đã thay đổi nhiều thứ trong con người tôi. Niềm tin Phật giáo là một trong những nhân tố chính để Bhutan sử dụng GNP (Tổng hạnh phúc quốc dân), thay cho GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) để đo độ thịnh vượng. Ở vương quốc nhỏ bé này, bạn cũng sẽ thấy chùa chiền, tu viện thậm chí còn nhiều hơn cả nhà dân. Người dân sống rất gần với cội nguồn Phật giáo của mình. Được tiếp xúc với những con người hiền hoà, không sân si những thứ xa xỉ đó khiến tôi thay đổi cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Những nụ cười, những cái bắt tay làm quen đã phá vỡ đi rào cản do chính tôi tạo ra khi đặt chân đến một vùng đất xa lạ.

SỰ TRÂN TRỌNG TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI MYANMAR

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Share the love: Đa sắc màu tôn giáo

THUẬN NGUYỄN, NHÂN VIÊN PR – MARKETING

Trong những đất nước mình đi qua, có lẽ Myanmar là nơi để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất. Không rõ vì sao nhưng mình cảm thấy an toàn và bình yên ngay khi vừa đặt chân đến nơi đây. Trải dài trên khắp đất nước này là hàng ngàn công trình Phật giáo. Và một trong những nơi bạn không thể bỏ qua chính là Bagan – cố đô và là “vùng đất thiêng” của Burma (tên gọi trước đây của Myanmar). Thời điểm mình đến Bagan là giữa mùa hè, thời tiết rất nóng nên tất cả các tour ngắm hoàng hôn và bình minh trên khinh khí cầu bị hủy vì lý do an toàn. Bị lỡ mất cơ hội đó nhưng chính nó lại khiến mình có nhiều thời gian hơn để thăm quan và tìm hiểu kỹ những ngôi đền, chùa tại Bagan. 2000 công trình Phật giáo còn lại tới ngày nay ở Bagan đã đem đến cho mình sự kinh ngạc về kiến trúc và sự hài hòa trong việc tạo nên một cảnh quan “cổ tích”.

Người dân Myanmar vô cùng tôn trọng và bảo tồn văn hóa truyền thống. Chính vì vậy mà họ không chỉ có niềm tin tôn giáo sâu sắc, mà còn rất nâng niu các công trình Phật giáo. Họ đi chân trần vào tất cả các đền, chùa, tháp; họ dừng lại, cúi lạy các thầy tu mỗi khi gặp cả trong chùa chiền lẫn ngoài đường; họ gửi con mình đi nghe giảng hoặc tham gia những khóa tu ở các thiền viện… Một nền văn hóa đậm chất Phật giáo cũng ảnh hưởng tới tính tình người dân Myanmar rất hiền hòa, tốt bụng.

CẢM XÚC NƠI THÁNH ĐỊA THIÊN CHÚA GIÁO

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Share the love: Đa sắc màu tôn giáo

NGUYỄN HIỆP, KỸ SƯ ÔTÔ

Mình đã đi nhiều quốc gia ở châu Âu, trong đó có 3 địa điểm mang màu sắc tôn giáo, mà cụ thể hơn là Thiên Chúa giáo tại đây làm mình đặc biệt ấn tượng là: Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà thờ Sagrada Familia, và cuối cùng nhưng ấn tượng nhất chính là Toà thánh Vatican.

Nhà thờ Đức Bà Paris nằm trên một bãi bồi giữa dòng sông Seine của thủ đô nước Pháp hoa lệ. Khi đứng ngắm công trình này lúc chiều muộn mang lại một cảm giác rất bình yên, từng đường nét kiến trúc trạm khắc tuyệt đẹp dưới ánh hoàng hôn càng trở nên lộng lẫy đến ngỡ ngàng. Nhà thờ Sagrada Familia thì hoàn toàn đối lâp. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhà thờ này mang đến vẻ dữ dội, mạnh mẽ đến khó tả. Nằm giữa những toà kiến trúc hình vuông bàn cờ của thành phố Barcelona, nhà thờ với những ngọn tháp hình con thoi lớn khổng lồ đâm thẳng lên trời mang lại luồng không khí mà theo cảm nhận cá nhân mình là khá âm u, mặc cho cái nắng thiêu đốt của của thành phố Barcelona lúc đó.

Mang dấu ấn tôn giáo đậm nét nhất chính Tòa thánh Vatican. Không chỉ là một công trình kiến trúc đồ sộ mà nó thực sự đại diện cho niềm tin và sự thịnh vượng của một nền tôn giáo khổng lồ trên thế giới. Tuy không phải là người theo một tôn giáo nào nhưng khi bước chân tới đây, hoà mình vào những con chiên làm lễ và hát bài hát kinh thánh bằng tiếng Ý (ngôn ngữ mình không hiểu), mình bỗng cảm thấy có một niềm tin và sự tôn kính đặc biệt vào Chúa trời.

NỀN VĂN HÓA, TÔN GIÁO ẢNH HƯỞNG TỚI ẨM THỰC ĐỊA PHƯƠNG

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Share the love: Đa sắc màu tôn giáo

DIỄM PHẠM, CÁN BỘ VỀ HƯU

Tôi là người rất thích đi du lịch và cũng đã đặt chân đến rất nhiều nơi ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Trong các chuyến đi ngoài trải nghiệm thăm quan các di tích, thắng cảnh thiên nhiên đẹp, tôi còn rất thích được thưởng thức và tìm hiểu về ẩm thực địa phương, tôi nghĩ rằng đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của điểm đến. Mỗi đất nước có một màu sắc hương vị riêng, song khu vực với những nước lân cận nhau thường có những ảnh hưởng ẩm thực nhất định. Như các nước ở khu vực Đông Nam Á tôi đều thấy có món cơm, trong khi đó ở châu Âu lại chuộng đưa pho mát vào những món ăn, các nước theo đạo Hồi ở khu vực Trung Đông đều không ăn thịt lợn, còn các nước theo đạo Hindu lại không ăn thịt bò… Điều kiện tự nhiên, văn hóa và tôn giáo đã góp phần làm nên phong cách riêng cho món ăn của mỗi nơi.

Tuy nhiên, trong số nhiều nền ẩm thực kể trên, tôi vẫn thích nhất là món ăn Việt Nam, món ăn của chính quê hương mình. Và cũng là người theo Phật giáo nên tôi đặc biệt yêu thích những món ăn chay tịnh. Dù không có cá, có thịt nhưng vào ngày rằm hay mùng 1, một bữa cơm chay vẫn cho ta no đủ và đặc biệt là thanh lọc tâm hồn nhẹ nhàng.

Wanderlust Tips