Tây Tạng huyền bí – Một lần cho mãi mãi

Lọt thỏm giữa hai nền văn minh thuộc dạng lâu đời nhất trên thế giới Trung Quốc và Ấn Độ, cao nguyên Tây Tạng trở nên huyền bí một phần do sự ngăn cách của dãy núi Himalaya hiểm trở, phần do lịch sử thăng trầm với những triều đại thịnh suy và lãnh thổ bị giao tranh chia cắt, phần còn lại là bởi Tây Tạng vốn được xem là miền đất phật với muôn vàn truyền thuyết, phong tục tập quán khác lạ. Những câu chuyện hư ảo như vô tận khiến cho mảnh đất này luôn hấp dẫn hàng triệu người mong muốn được đặt chân tới một lần trong đời.

wanderlust tips Tay Tang huyen bi Mot lan cho mai mai5

LHASA – THÀNH PHỐ LINH THIÊNG

Từ trên máy bay nhìn xuống, Tây Tạng dễ dàng làm choáng ngợp tất cả những ai lần đầu tới đây bởi cảnh thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ với những đám mây trắng như bông bay lơ lửng trên những dãy núi tuyết phủ trắng xóa. Phía xa tít dưới chân núi là lác đác những mái nhà nằm ven các con sông rất đặc trưng cho vùng Tây Tạng.

Sân bay Lhasa Gongga nằm gọn trong một thung lũng nơi con sông Mother River lớn nhất Tây Tạng chảy qua. Lúc đó cũng gần 19h mà ánh nắng vẫn còn chói chang, bầu trời trong xanh. Mùa hè với nền nhiệt độ trên 20°C nên thời tiết rất dễ chịu. Ngay khi hạ cánh, như các du khách khác, tôi được trao tặng một chiếc khăn quàng dài màu trắng, với ý nghĩa mang lại may mắn, tốt lành và bình an.

Cách sân bay chừng 1 tiếng xe hơi, thủ phủ Lhasa nằm ở độ cao 3.650m so với mặt nước biển, hiện đại và khác biệt hơn suy nghĩ của tôi với nhiều khối nhà tầng, đường xá cực rộng chủ yếu là ô tô nên khá quy củ và trật tự. Tây Tạng có ngôn ngữ riêng nên các bảng hiệu thường đề song ngữ Tạng – Trung rất hay. Sau khi nhận phòng khách sạn, tôi được khuyến cáo chỉ nên rửa mặt lau người rồi nghỉ ngơi để tránh hiện tượng sốc độ cao thường gặp.

Qua những ký sự về Tây Tạng, tôi được biết từ vài thế kỷ trước đã có hàng trăm ngàn người mỗi năm bất chấp cả mưa bão, gió tuyết, bùn lầy băng đèo núi cả ngàn cây số để đến Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Đối với các tín đồ Phật giáo, Lhasa có một vị trí không thể thay thế trong tim họ.

DREPUNG – TU VIỆN LỚN NHẤT TÂY TẠNG

wanderlust tips Tay Tang huyen bi Mot lan cho mai mai2

Nằm trọn trên ngọn núi Gebeiwoze hùng vĩ và rộng mênh mông, người địa phương gọi là “đụn gạo”, với hàm ý vùng đất an lành, mang lại sự no đủ cho người Tạng, Tu viện Drepung được xây dựng từ năm 1416 bởi một môn đệ của Đại sư Tsongkhapa (Tống Khách Ba – người sáng lập ra trường phái Phật giáo Kim Cương Thừa mà tồn tại cho đến ngày nay như một tôn giáo chính thức và lớn nhất Tây Tạng)

Trước khi vào thăm quan, tôi dừng lại phía sau cổng soát vé để mua một bó lá đỗ quyên tâm niệm rằng khói của nó sau khi được đốt sẽ chuyển những lời thỉnh cầu lên các đức Phật. Những chiếc luân xa bằng đồng có ở khắp nơi trên đường đi lên những khu chính của tu viện, cái thì chạy bằng sức người, cái thì chạy bằng sức nước. Hãy cầu nguyện như người Tây Tạng đích thực bằng việc chạm tay vào đáy luân xa và quay theo chiều kim đồng hồ.

Ở Tây Tạng, Drepung là tu viện linh thiêng bậc  nhất bởi lẽ nó là nơi tu học của hầu hết các vị Dalai Lama của xứ này. Tu viện này cũng là nơi hơn 10.000 tu sĩ Tây Tạng học tập. Tu viện được xây uốn lượn trên các sườn núi với diện tích trải dài lên tới 20ha nên nếu tham quan hết chắc cũng phải mấy ngày. Những điểm chính nên ghé thăm ở đây là đại sảnh, nơi có nhiều tượng Phật lớn và cũng là nơi hàng trăm các tu sĩ chung một màu áo choàng đỏ thẫm ngồi tụng kinh dưới ánh sáng có phần khiêm tốn, trong không gian chật chội những cột là cột. Ngoài ra, các khu vực khác còn có nơi ở và làm việc của các vị Dalai Lama khi còn học trong tu viện cũng rất nhỏ bé, khiêm tốn và linh thiêng. Nếu yêu hội hoạ thì những bức tranh Thangka sẽ làm thoả mãn bởi những màu sắc hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên đều không phai màu sau 3-4 thế kỷ. Ngoài ra Drepung còn là nơi bảo toàn lăng tháp của Dalai Lama thứ 2,3 và 4 của Tây Tạng. Trên đường đi từ khu này qua khu khác cũng rất dễ bắt gặp những bức điêu khắc rất lớn trên sườn núi…

CUNG ĐIỆN POTALA – KỲ QUAN KIẾN TRÚC

wanderlust tips Tay Tang huyen bi Mot lan cho mai mai1

Cung điện Potala là điểm đến nổi tiếng nhất Tây Tạng và được coi là kỳ quan kiến trúc của thế giới nên UNESCO đã công nhận là một di sản thế giới. Không phải muốn vào thăm Potala giờ nào cũng được mà tuỳ thuộc vào các hoạt động trong ngày mà các nhà chức trách mới cho du khách ghé thăm vào khung giờ nhất định. Quảng trường phía trước cung điện là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Potala kiêu hãnh trong nền trời xanh ngát trong veo.

Ấn tượng đầu tiên là kiến trúc. Toàn bộ cung điện trải dài trên ngọn núi thấp, với chiều cao 117m với 13 tầng tất cả. Cung điện có hai khối chính Bạch cung dành cho các hoạt động chính trị, Hồng cung dành cho tôn giáo nơi các vị Dalai Lama và Lama sinh hoạt. Còn lại khu nhà nhỏ màu vàng thì dành làm nơi học tập. Điều đáng ngạc nhiên là cách đây cả 4 thế kỷ nên nguyên vật liệu xây dựng chỉ là đá, gỗ, bùn, đất… mà dựng nên cả 13 tầng uy nghi với hàng nghìn phòng trường tồn cho tới ngày hôm nay. Tôi đã từng kinh ngạc trước công trình Angkor Wat, từng trầm trồ khi ngắm hoàng cung được xây dựng trên Lion Rock, Sigiriya của Sri Lanka và giờ đây lại một lần nghiêng mình bái phục các bậc tiền nhân Tây Tạng. Điều thú vị là các bức tường của cung điện được kết hợp bởi hai nguyên liệu, đá bên trong và vô vàn thân bụi cây thánh liễu lèn chặt vào nhau. Nền các sàn nhà được làm bằng loại đất hoàng thổ và đá được nện rất chặt, không biết có pha trộn thêm nguyên liệu nào không mà rất chắc và không thấm nước, mùa đông ấm, mùa hè mát. Công việc nện đất và đá này chủ yếu lại do phụ nữ làm. Tất nhiên dưới mỗi sàn đất đá này đều có các xà gỗ bên dưới đỡ, mới có thể chịu đựng được lực rất lớn bên trên.

Leo hết 13 tầng của cung điện dưới ánh nắng chói chang ở độ cao gần 3.700m quả là không dễ dàng chút nào. Đúng như một nhà văn nào đó đã nói, ở Tây Tạng, chỉ hít thở thôi cũng là một thử thách. Tuy nhiên, với một lòng tôn kính Phật, mọi người đều động viên nhau leo hết bậc thềm này tới tầng lầu khác và không ai bỏ cuộc. Có thể nói mỗi một căn phòng nơi đây là một viện bảo tàng thu nhỏ về lịch sử Phật giáo, mỹ thuật Phật giáo và văn hoá Phật giáo.

Thay vì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì ở đây người sẽ ta dùng câu chú tiếng Phạn “Om mani padme hum” mà 6 âm tiết của câu niệm chú này được xem tương đương với 6 cõi tái sinh của dục giới. Một cơ hội hiếm có là chúng tôi được bái vọng trước lăng tháp của 8 đức Dalai Lama, bao gồm các vị Dalai Lama thứ 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13. Đức Dalai Lama thứ 6 có cuộc sống khác biệt nhất và không hiểu sao không tìm thấy xác ông sau khi ông mất. Còn đức Dalai Lama 14 thì hiện đang sống lưu vong bên Ấn Độ từ 1959 và rất có thể ông là vị Dalai Lama cuối cùng của xứ sở huyền bí này. Ở Tây Tạng, Dalai Lama không do chính quyền hay dân bầu như các thể chế chính trị khác mà được đầu thai từ đời Dalai Lama này qua đời sau để có Dalai Lama cho đời kế tiếp để trở thành vị lãnh tụ tinh thần cho dân tộc Tây Tạng. Lăng tháp của đức Dalai Lama 5, do có công lớn nhất nên nó cũng hoành tráng bề thế nhất và được đúc bởi 3.721kg vàng và gắn rất nhiều ngọc quý, trong đó có một viên bạch ngọc.Đến đây rồi, bạn chớ bỏ qua khoảnh khắc chiêm ngưỡng Potala về đêm mang vẻ lung linh huyền ảo đầy mê hoặc.

JOKHANG – ĐẠI CHIÊU TỰ

wanderlust tips Tay Tang huyen bi Mot lan cho mai mai3

Cứ nhìn từng đoàn người hành hương cứ nhất bộ nhất bái hoặc tam bộ nhất bái từ khắp các nẻo đường nườm nượp đổ về chùa Jokhang hay còn gọi là Đại Chiêu Tự thì đủ biết nó linh thiêng nhường nào. Jokhang được xây dựng vào thế kỷ 7 dưới sự trị vì của vua Tùng Tán Cán Bố.

Toạ lạc tại khu vực Barkhor sầm uất, chùa Jokhang được xây dựng và thờ cúng theo xu hướng Phật giáo Mật Tông, một nhánh của Phật giáo Kim Cương Thừa. Ban đầu Đại Chiêu Tự thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni do công chúa Xích Tôn (người vợ Nepal của Tùng Cát Cán Bố) đem sang Tây Tạng khi được gả làm vợ vua, còn bức tượng Thích Ca Mâu Ni thập nhị tuế đẳng do công chúa Văn Thành (cháu gái của Đường Thái Tông) mang từ Trung Quốc sang khi được gả cho Tùng Tán Cán Bố lại được thờ ở một ngôi chùa khác. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá, bức tượng Phật do công chúa Xích Tôn mang sang bị phá huỷ, chính vì thế, bức tượng Thích Ca Mâu Ni thập nhị tuế đẳng được chuyển về Đại Chiêu Tự.

Ngoài bức tượng Phật trứ danh hiếm có Thích Ca Mâu Ni thập nhị tuế đẳng, Đại Chiêu Tự còn thờ hàng ngàn bức tượng Phật lớn nhỏ khác như Địa Tạng Vương Phổ Thồn, vị Đại sư Tông Khách Ba lẫy lừng… Ngoài ra tương truyền toàn bộ tượng khắc gỗ ở tầng trệt, tầng 2 và trên nóc chùa đều do Tùng Cát Cán Bố lúc sinh thời thực hiện vào thế kỷ thứ 7. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được chiếc đôn đá mà công chúa Văn Thành thường ngồi. Những vật dụng này được coi như báu vật của Tây Tạng. Khu phố sầm uất Barkhor dài chừng 400m bao quanh Đại Chiêu Tự với rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, đá quý nhưng đa phần là hàng Trung Quốc. Ngay góc phố có một cửa hàng rất đẹp, tên Maykye Ame, tiếng Anh nghĩa là Pretty Woman – Người Đàn Bà Đẹp – nơi mà sinh thời, đức Dalai Lama 6 hàng đêm vẫn xuống đàm đạo văn chương thơ phú.

TU VIỆN SERA

wanderlust tips Tay Tang huyen bi Mot lan cho mai mai4

Sera là tu viện lớn thứ 2 ở Tây Tạng. Trong các đại tu viện ở Lhasa thì Sera ở gần Cung điện Potala nhất, đứng ở sân sảnh chính của Sera cũng đã thấy Potala trắng đỏ dưới nền trời xanh ngát xứ Tạng. Trong tu viện có những bức tượng song thân Phật, gồm tượng một Phật nam lớn và tượng Phật nữ nhỏ như đang được người nam bồng trên tay. Thoạt nhìn, mọi người đều lầm tưởng và diễn giải theo những suy nghĩ trần tục. Nhưng thực ra hoàn toàn không phải thế, người Nam tượngtrưng cho phần Trí Tuệ (Widsom), người Nữ tượng trưng cho Từ Bi (Kind-Hearted). Có nghĩa là trong một con người luôn có Trí Tuệ và Từ Bi Bác Ái, như một sự cân bằng âm dương.

Đặc biệt, đằng sau tu viện có rất nhiều khối đá lớn giống như tám biểu tượng cát tường của Phật giáo. Nơi đó hiện nay được làm nơi thực hiện nghi lễ Thiên Táng, ở đó con người chết đi sẽ được băm nhỏ xác gồm cả xương và thịt cho bầy kền kền và quạ ăn. Quan niệm của người Tây Tạng, khi không giữ được linh hồn nữa thì thân xác chẳng để làm gì. Cách nhanh nhất được về với Trời là để lũ chim kia mang lên. Trước đây người nước ngoài được xem nghi lễ này nhưng về sau chính quyền Tây Tạng đã cấm.

TỪ SHIGATSE ĐẾN EVEREST BASE CAMP

wanderlust tips Tay Tang huyen bi Mot lan cho mai ma

Rời Lhasa, tôi theo con đường 318 dài hơn 5000 km kéo dài từ Thượng Hải cho tới Nepal, con đường dài nhất và cao nhất thế giới để di chuyển về Shigatse, thành phố lớn thứ 2 của Tây Tạng với 600.000 dân cũng khá sầm uất, nằm ở độ cao 3.800m để đến gần hơn với đỉnh Everest.

Nếu như Lhasa là thành phố của các Dalai Lama thì Shigatse lại là thành phố của những Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) – những người thầy trong các tu viện, là thầy của các Dalai Lama lúc còn nhỏ và đồng thời cũng là những người chịu trách nhiệm tìm kiếm các đức Dalai Lama được đầu thai trong nhân gian. Giữa hai đời Đạt Lai Lạt Ma thường có một khoảng trống nên thời gian đó việc cai quản đất đước sẽ do Ban Thiền Lạt Ma phụ trách. Cho đến nay, Tây Tạng có 11 vị Ban Thiền Lạt Ma, trong đó vị thứ 11 còn rất trẻ mới 27 tuổi và đang theo học tại Bắc Kinh nên vẫn đi về giữa hai thành phố. Sau khoảng 6 tiếng rời Shigatse men theo con đường 318 trứ danh, chúng tôi đến thị trấn Old Tingri. Nằm ở độ cao 4.300m, nơi này cách điểm tham quan Everest Base Camp (Điểm cắm trại cho các đoàn leo núi Everest) chừng 100km. Lúc này độ cao chênh lệch thấy rõ so với Shigatse, lại trải qua nhiều đoạn đường đang sửa chữa nên ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Qo Mo Lang Ma là khách sạn tốt nhất thị trấn Tingri. Chúng tôi được ở trong một khách sạn khá đầy đủ, có bồn tắm, nước nóng và điều hoà nóng chứ không như một số nhà nghỉ khác phải xài toilet chung, nửa đêm đi bộ giữa tiết trời lạnh cóng đi toilet thì quả là một cực hình.

Sau khi rời trạm kiểm soát hộ chiếu chừng 45 phút, hừng đông bắt đầu sáng. Từ xa đã nhìn thấy rõ Everest cao 8.848m kiêu hãnh trắng ngần nổi bật trên nền trời dù lúc đó còn tờ mờ sáng. Đến đoạn đường vắng cách Everest chừng 20km, tài xế quyết định dừng xe lại để chụp hình và còn nói thêm, chúng ta rất hên vì chỉ có 10% cơ hội được nhìn thấy đỉnh Everest quang mây như thế này.

Xe tiếp tục lên đường. Đúng 8h30 sáng, tôi đến bến trung chuyển để đi một loại xe nhỏ hơn leo dốc tới cột mốc Qo Mo Lang Ma 5.200m. Nhiệt độ ngoài trời tầm 8-10oC nên phải chuẩn bị áo ấm, khăn quàng và găng tay. Lúc này những tia nắng đầu tiên trong ngày bắt đầu rọi xuống (lưu ý là Tây Tạng có 4 mùa trong ngày, buổi sáng sương và mây mù cực nhiều, thường đến trưa mới nắng). Tiếp tục phải leo bộ lên một quả đồi nữa, chừng 10 phút thôi, để lên tới điểm ngắm Everest đẹp nhất thế giới. Hai tiếng trên đỉnh ngắm Everest trôi qua nhanh như một khúc hát đầy kỷ niệm. Có nhọc nhằn trên những chuyến xe, những đêm giấc ngủ không trọn vẹn, những cơn khó thở, những lúc nhức đầu chóng mặt tất cả cũng vỡ oà và hoà quyện trong niềm hân hoan như con trẻ.

wanderlust tips Tay Tang huyen bi Mot lan cho mai ma1

Nhưng Tây Tạng đâu chỉ có Lama và Everest, bởi vì trên đường về, chúng tôi còn được ghé qua nhiều danh thắng khác mà cũng ấn tượng không kém, đó là đèo Karuola. Nó nổi tiếng vì đây là điểm gần nhất với núi băng có thể quan sát bằng mắt thường, cảm giác chạm tay vào được. Qua thời gian, cùng với biến đổi khí hậu, những lớp băng phía chân núi đã tan dần, chứ nguyên thuỷ cách đây hàng triệu năm toàn bộ dãy núi trước mặt phủ kín băng tuyết. Điểm dừng chân nằm ở độ cao hơn 5.000m, còn đỉnh núi ở cao độ hơn 7.000m. Đi xe khoảng hơn 1 tiếng nữa là tới hồ Yamdrok, một trong bốn hồ thiêng nhất toàn Tây Tạng có hình tựa như con bọ cạp, bao quanh là các ngọn núi. Theo truyền thuyết, Yamdrok do một nữ thần biến thành. Hồ còn được biết đến với tên gọi khác là Coral Lake – Hồ San Hô, có lẽ được đặt tên do màu nước xanh huyền bí của nó. Hồ đẹp nhất khi nhìn từ trên cao xuống. Còn khi leo xuống gần mặt hồ du khách sẽ có một cảm giác rất thư thái, nhẹ nhàng và thanh khiết. Chỉ bỏ ra CNY10 là bạn sẽ được chụp hình với các chú chó ngao hoặc bò yak tại khu vực ven hồ. Vào mùa đông Yamdrok đóng băng hoàn toàn, nên muốn hưởng trọn vẻ đẹp của nó, bạn bắt buộc phải đi vào mùa hè.

Cũng trên cung đường về lại Lhasa, khung cảnh núi non hùng vĩ như níu chân du khách. Hai bên đường trong nền trời xanh thẳm lác đác những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Dưới chân núi hay ven sông là những cánh đồng hoa đủ màu sắc từ màu vàng của hoa cải, hồng đỏ hay tím của các loài hoa dại.

Tây Tạng sẽ mãi luôn trong ký ức của tôi dù còn vô vàn những hành trình mới phía trước. Đơn giản là bởi Tây Tạng có quá nhiều điều để nhớ, có quá nhiều thứ khác biệt, từ lịch sử, tín ngưỡng cho tới quang cảnh kỳ vĩ của núi non, những thảo nguyên rực rỡ hoa cỏ. Chúng tôi tạm biệt đất Tạng trong một cơn mưa lớn bất ngờ khiến nhiệt độ sụt mạnh nhưng chúng tôi đều cảm thấy hoan hỉ khi biết rằng, với người dân ở đây, cơn mưa mang đến điềm lành, sự sung túc và may mắn.

W.TIPS

images 1 2
 

THỜI ĐIỂM LÝ TƯỞNG ĐỂ ĐẾN TÂY TẠNG

Từ tháng 4 đến tháng 10 thời tiết hè thu thuận lợi nhất cho việc ngắm cảnh. Trong đó tháng 8-9 là đẹp nhất khi có nhiều nắng, mưa hay xuất hiện về đêm và sáng cũng khiến cho không khí tươi mát, cây cỏ hoa lá xanh tươi tuyệt đẹp.

VISA

Do tính nhạy cảm của vùng đất này nên để vào được Tây Tạng, du khách Việt bắt buộc phải đi theo nhóm. Không những vậy, sau khi có visa Trung Quốc rồi, phải cần một giấy phép đặc biệt vào Tây Tạng nữa. Do đó, việc đầu tiên là phải tìm kiếm cơ hội có thể đi cùng nhau, và nên để tour du lịch chuyên Tây Tạng họ lo các thủ tục.

download 1 2
 

DI CHUYỂN

Từ Việt Nam không có đường bay thẳng Lhasa nên thường phải quá cảnh ở hoặc là Chengdu (Thành Đô) hoặc là Kunming (Côn Minh) tuỳ vào lịch bay. Sang Tây Tạng đi các điểm tham quan chủ yếu bằng xe bus chuyên cho các tour du lịch. Đi bộ khá nhiều nên phải mang giày đế mềm và đã đi quen chân.

LƯU Ý VỀ SỨC KHỎE

Độ cao trung bình trên Tây Tạng khoảng 4.000m. Mối nguy lớn nhất là sốc độ cao, khó thở và thậm chí không thở nổi trong môi trường không khí cực loãng. Những ai có vấn đề về huyết áp, tim mạch thì phải xin ý kiến bác sỹ trước khi quyết định đi. Với những người khỏe mạnh cũng nên chuẩn bị những thuốc có tác dụng chống sốc độ cao (acetazolamide 250mg ngày 2 lần mỗi lần 1 viên), thuốc giảm đau hạ sốt, dung dịch nước muối sinh lý để xịt mũi, miếng dán giữ nhiệt, vitamin…

weather icon png 5 

THỜI TIẾT

Tây Tạng có thời tiết bốn mùa trong ngày. Đi vào mùa hè thì thường sau 11h trời nắng chói chang, khi đó chỉ cần mặc trang phục mùa hè. Chiều về bắt đầu có gió lạnh, rồi khi đêm xuống thì có thể rất lạnh, phải mặc áo trùm đầu, áo phao dầy, đội mũ len, găng tay. Còn sáng sớm cũng chỉ cần áo lông vũ khoác ngoài, có khăn quàng cổ là ổn. Nếu đi Tây Tạng vào các mùa khác thì nhất định phải kiểm tra tình hình thời tiết kỹ để chuẩn bị quần áo phù hợp. Thời tiết hanh khô, gần mặt trời nên luôn chuẩn bị kem chống nắng, kem dưỡng da, kính mát và mũ rộng vành.

images 2 1 1
 

ẨM THỰC

♦ Đồ ăn Tây Tạng khá nhiều hương liệu, tuy không cay như Tứ Xuyên, không dầu mỡ như đồ ăn Trung Quốc đại lục, nhưng cũng không hề dễ ăn. Cộng với việc di chuyển nhiều, ảnh hưởng của sốc độ cao, thiếu ngủ nên hiếm có cảm giác ngon miệng. Người Việt nên mang theo đồ ăn khô trong trường hợp không hợp khẩu vị.

♦ Đồ uống truyền thống của người Tây Tạng là trà bơ. Trà Bơ màu đục đục, mùi ngái ngái ngây ngây, khá khó uống khi thưởng thức lần đầu tiên. Nó thực sự hữu ích với người dân Tây Tạng vì cung cấp lượng năng lượng khá cao, giúp người dân giữ ấm và di chuyển tốt trong điều kiện khắc nghiệt của Tây Tạng.

♦ Tây Tạng cũng có nhiều món nướng, nhưng có thể do gia vị khác lạ nên cũng hơi khó ăn với một số người.

14 1
 

KHÁCH SẠN

Ở các thành phố lớn như Lhasa và Shigatse còn có nhiều lựa chọn chứ đi về tỉnh lẻ hoặc thị trấn chỉ có thể ở các nhà nghỉ thiếu thốn tiện nghi. Ăn sáng ở các khách sạn cũng rất đơn giản, nói chung là không nên kỳ vọng giống như các thành phố du lịch khác.

GIẢI TRÍ

♦ Lhasa về đêm khu vực trung tâm cũng nhộn nhịp với các quán café, quán bar.

♦ Có thời gian có thể đi xem show Văn Thành Công Chúa của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu.

images 4 1
 

MUA SẮM

♦ Tây Tạng nổi tiếng về các loại đá, trong đó có Thiên Châu hay còn gọi là Dzi, đá mã não, đá ngọc lam… Chỉ những cửa hiệu lớn mới có hàng đảm bảo chất lượng, có giấy chứng nhận.

♦ Ngoài ra những loại đá nhân tạo thì có thể mua ở bất cứ điểm du lịch nào, đây là lúc thể hiện tài năng mặc cả, vì người Tây Tạng cũng biết nói thách rất cao. Cứ trả từ khoảng 20-30% trở lên.

CHI PHÍ

Nếu chỉ ghé Lhasa và Shigatse thì chi phí cho hành trình 10 ngày 9 đêm vào khoảng 35 triệu VND. Nếu ghé thêm Everest Base Camp thì phải cộng thêm khoảng 5 triệu VND nữa. Đây tính trên mức khách sạn trung bình 3 sao.

LƯU Ý KHÁC

♦ Gần như không thể giao tiếp bằng tiếng Anh với các nhân viên khách sạn cũng như người bản địa

♦ Internet yếu, rất khó kết nối. Facebook, gmail bị chặn nên phải sử dụng phần mềm vượt tường lửa nhưng cũng rất chập chờn. (Betternet, VPN Master).

♦ Một điều không thể không nhắc tới là hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Có lẽ đây là thứ tệ nhất thế giới. Nhà vệ sinh hôi thối khủng khiếp, họ thu tiền nhưng không dọn vệ sinh thường xuyên và cứ để kệ như vậy với lý do khan hiếm nước.

Nguyễn Thái Duy | Wanderlust Tips

Comments are closed.