Thiếu nữ Hà thành diện áo dài, nón lá du lịch Ninh Bình

Trong những khoảnh khắc nổi bật với trang phục áo dài truyền thống ở Ninh Bình, Maria Tuyền nhận về rất nhiều lời ngợi khen từ phía cư dân mạng. Bên cạnh những hình ảnh đẹp, chuyến du lịch Ninh Bình giúp cô yêu thêm những gì giản dị xung quanh cuộc sống của mình.

Mất khoảng 2h đồng hồ di chuyển từ Hà Nội, Maria Tuyền bắt đầu hành trình du lịch Ninh Bình đầy hào hứng. “Mình thích đi đây đi đó, và Ninh Bình là điểm đến khá gần so với nơi mình sống. Du lịch Ninh Bình cho những trải nghiệm rất riêng mà không thể dùng vài ba câu là diễn tả được hết. Nếu muốn cảm nhận trọn vẹn thì mình nghĩ bạn hãy tự mình khám phá mọi thứ, đảm bảo vô cùng thú vị”, Tuyền nói.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Thiếu nữ Hà thành diện áo dài nón lá du lịch Ninh Bình

Ngưng lại một lúc, Tuyền tiếp lời: “Trời tháng 6 đã nóng nực như đổ lửa, mồ hôi cứ túa ra như tắm, thời tiết này thì chả thiết tha làm việc gì. Thế nhưng với một đứa con gái yêu “chủ nghĩa xê dịch” thì nắng nóng này chẳng đáng là gì. Máu nổi loạn trong người tăng lên, buổi sáng đầu tiên mình dậy rất sớm chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Địa điểm đầu tiên mình chọn đặt chân đến đó là chùa Bái Đính.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Thiếu nữ Hà thành diện áo dài nón lá du lịch Ninh Bình

Buổi sáng Maria Tuyền lên chùa bằng phương tiện xe máy thuê của chị chủ homestay nơi cô lưu trú. Bước vào cổng cô thích mê khung cảnh hùng vĩ của ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam. Toàn bộ công trình ở đây rộng tới 500ha, được chia thành 2 khu: Tân tự và Cổ tự. Tân tự là những công trình kiến trúc mới được xây dựng, còn Cổ tự là ngôi chùa ở trên núi.

Cô khuyên: “Bạn nên mặc quần áo lịch sự, không nên mặc váy ngắn khi vào chùa. Hơn nữa, hãy mua vé xe điện 2 chiều, vì thời tiết khá nóng, đi bộ sẽ không đảm bảo sức khỏe. Bạn cũng đừng quên mang theo nước để không bị cơn khát hành hạ. Ở đây còn có dịch vụ hướng dẫn viên dành cho những bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử của chùa“.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Thiếu nữ Hà thành diện áo dài nón lá du lịch Ninh Bình

Rời chùa Bái Đính, hành trình du lịch Ninh Bình của cô gái Hà thành tiếp tục đến với cố đô Hoa Lư. Cố đô Hoa Lư là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam, hiện còn nhiều di tích cung điện, đền chùa, lăng mộ, đền Đinh, Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý. Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa đẹp như: Chùa Ngân Xuyên gần chân núi Mã Yên, chùa Nhất Trụ. Hàng năm Hoa Lư thu hút rất nhiều du khách đến dâng hương ngắm cảnh.

“Khi được đặt chân đến đây, mình không khỏi ngỡ ngàng chứng kiến những di tích đã tồn tại đến cả nghìn năm rồi. Dấu ấn thời gian đã in đậm lên nơi này, những bức tường đã rêu phong, bong tróc nhưng chính những điều ấy lại càng tô đậm hơn cho nét cổ kính ấn tượng“, Tuyền tâm sự.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Thiếu nữ Hà thành diện áo dài nón lá du lịch Ninh Bình

Tiếp theo, cô  đến Tuyệt tình cốc: “Cái tên nghe rất hay, nhưng mình không hiểu vì sao người ta lại gọi là Tuyệt tình cốc. Tên thực tế của nơi này chính là động Am Tiên, nằm gần với di tích Cố đô Hoa Lư. Nếu bạn có cơ hội ghé qua Cố đô thì nên đến động Am Tiên. Để đi vào được bên trong, bạn cần phải mua vé bên ngoài và đi qua 1 cái hầm xuyên núi. Vào bên trong, điều đầu tiên mình cảm nhận được là không khí rất mát, khung cảnh thiên nhiên nên thơ”.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Thiếu nữ Hà thành diện áo dài nón lá du lịch Ninh Bình

Ngày thứ 2 trong chuyến du lịch Ninh Bình của mình, Maria Tuyền ghé thăm Tam Cốc Bích Động, Cố Viên Lầu, chùa Bích Động. “Ngày thứ 2 của mình bắt đầu với Tam Cốc Bích Động, được ví như “Nam thiên đệ nhị động”. Khi mình đi thì cũng là thời điểm người dân vừa gặt hết lúa xong. Tiếc quá, thôi thì đành vừa ngôi trên thuyền vừa tưởng tượng. Để tham quan địa điểm này các bạn cần phải mua vé tham quan và phí đò”.

Nằm gần với bến đò Tam Cốc, Cố Viên Lầu hay còn gọi là Làng Việt Cổ bao gồm nhiều khu nhà cổ xưa, được phục chế từ những hình ảnh thu nhỏ của làng quê Bắc Bộ. Hầu hết, những ngôi nhà ở đây được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cổ (5 gian, 7 gian) từ các loại gỗ quý với những đường nét, hoa văn được chạm khắc tinh xảo và đặc sắc. Bước vào bên trong nhà được bài trí những vật dụng cổ như tràng kỷ, tủ chè, sập gụ, tủ thờ, bức họa phù điêu,… gắn liền với nếp sống sinh hoạt của ông bà ta ngày xưa.

wanderlust tips thieu nu ha thanh dien ao dai non la du lich ninh binh 2

Cách bến đò khoảng 2km, chùa Bích Động là 1 địa điểm mà Tuyền không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Ninh Bình. Nhất là vào mùa hè, ở ngay trước cổng đi vào hai bên là đầm sen rất đẹp. “Với địa điểm này, mình có lời khuyên rằng bạn nên mặc áo dài với một chiếc nón thì đảm bảo sẽ có được bộ ảnh cực đẹp. Mình tham quan một vòng quay ra cũng đã hơn 5h, ánh mặt trời đã nhạt, nắng đang dần tắt, sức nóng cũng bớt. Vậy là ngày thứ hai của mình đã kết thúc với nhiều trải nghiệm thú vị”.

wanderlust tips thieu nu ha thanh dien ao dai non la du lich ninh binh 13

Ngày thứ 3, cô ghé chân qua Hang Múa, vườn chim Thung Nham, đan viện Châu Sơn. Maria Tuyền chia sẻ: “Đến Hang Múa thì mình khuyên bạn nên đi vào buổi sáng, vì lúc đó leo cũng đỡ nắng. Có lẽ ở đây nên được gọi là “thiên đường sống ảo”, bởi khi mình đặt chân tới cổng thôi đã nhìn thấy rất nhiều chỗ để chụp hình, như thác nước, cầu có nhiều đèn lồng giống Hội An, hay một cái ao trong vắt… Nhưng để có được những tấm hình đẹp ấn tượng nhất thì không phải dễ dàng, phải tiếp tục leo thêm khoảng 500 bậc mới lên tới đỉnh, đường đi hơi dốc”.

wanderlust tips thieu nu ha thanh dien ao dai non la du lich ninh binh 11
Sau khi trải nghiệm ở Hang Múa với đôi chân mỏi nhừ, Tuyền vẫn quyết định vào khu du lịch vườn chim Thung Nham. “Với một người thích chim và yêu chim như mình thì nơi đây quả là một trải nghiệm tuyệt vời. Bạn cũng nên lưu ý là thời gian thích hợp nhất để đến với vườn chim Thung Nhan là từ 4h đến 5h chiều”, Tuyền nói.

Khép lại hành trình du lịch Ninh Bình, Maria Tuyền trở lại với cuộc sống thường nhật, nhưng chắc chắn những cảm xúc mà chuyến đi mang lại sẽ khiến cô nhớ mãi không quên.

Ảnh: NVCC

Thi Thi | Wanderlust Tips | Cinet

Comments are closed.