Thương nhớ chốn nắng vàng gió rang Ninh Thuận

[Wanderlust Tips tháng 11/2018] Ninh Thuận gây thương nhớ bởi màu nắng vàng rực, sắc biển xanh trong cùng những con người ôn hòa dễ mến. Vùng đất cuối dải duyên hải miền Trung níu giữ bước chân tôi sau nhiều ngày gắn bó, lưu giữ ký ức về một nơi khắc nghiệt nhưng lại đẹp đẽ và bình yên vô cùng. 

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Thương nhớ chốn nắng vàng gió rang Ninh Thuận - điểm đến

PHAN RANG – GIÓ NHƯ PHANG, NẮNG NHƯ RANG

Tôi ghé đến Ninh Thuận vào những ngày đầu tháng 9. Hạ cánh tại sân bay Cam Ranh, tôi đón xe để di chuyển vào Phan Rang – Tháp Chàm, thành phố duy nhất trực thuộc tỉnh Ninh Thuận, cách đó chừng 70km. Dải đất gần cuối miền Trung đón tôi bằng cái nắng giòn tan, hơi nóng một chút nhưng không khó chịu. Khi chiều buông, nắng vừa tắt, cả thành phố chợt trở nên dịu dàng đến lạ, như thể chưa từng tồn tại màu nắng chói mắt lúc ban trưa. Gió thổi đìu hiu, không khí cứ mát lành như vậy cho tới tận khi sáng sớm. Thi thoảng, trời đổ cơn mưa rào trong thoáng chốc vài chục phút, vừa đủ để xua tan cái nóng, lại không gây cản trở con người đi lại và làm việc. Có lẽ vì nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, nên Ninh Thuận cũng ít nhiều lây lan “thói quen” mưa mau của Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam. Những ngày lưu lại Ninh Thuận, tôi cứ thích mê kiểu thời tiết tràn đầy năng lượng sống của miền đất này. Người dân ở đây nghe vậy thì bật cười, họ bảo chỉ là tôi may mắn, dừng chân ở Ninh Thuận khi mùa nắng nóng đỉnh điểm mỗi năm vừa qua đi chưa lâu. Xưa giờ, xứ này vốn được gọi vui là “gió như phang, nóng như rang” – đọc trại từ tên của thành phố Phan Rang. Ấy là bởi vì, khoảng từ đầu hè cho tới tháng 8, Ninh Thuận luôn trong tình trạng nắng nóng kéo dài và mưa thì khan hiếm.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Thương nhớ chốn nắng vàng gió rang Ninh Thuận - điểm đến

Khí hậu ngày hè gay gắt là vậy, mà con người Ninh Thuận chẳng có chút nóng tính khó chịu nào, thậm chí còn quá đỗi hồn hậu, dễ mến. Chủ nhà trọ, người bán hàng ăn, tài xế taxi tới những người đi đường, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ hay đơn giản chỉ là mỉm cười một cách tử tế, thay cho lời chào những người khách đến từ phương xa. Chi phí sinh hoạt ở đây thuộc vào mức dễ chịu, giá thành mọi thứ thấp hơn khá nhiều so với các thành thị lớn trong nước. Tôi nhớ một buổi tối nọ, tôi cùng hai đồng nghiệp ghé một tiệm ăn có tiếng. Chúng tôi chỉ tốn 150 ngàn đồng cho bữa tối ngon miệng, no căng với ba phần mỳ vịt tiềm, kèm theo thái độ phục vụ chu đáo.

Phan Rang – Tháp Chàm là một thành phố nhỏ, chủ yếu được xem như trạm trung chuyển cho lữ khách tìm tới các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh nhà. Rìa ngoài của thành phố được bao quanh bởi những ruộng muối trắng muốt, lấp lánh nắng rọi, thánh thót giọt mồ hôi rơi. Những xóm nhà bình dân quy tụ nhiều căn nhà rêu phong tường vàng, cửa xanh, mang đậm dấu ấn kiến trúc của hơn nửa thế kỷ về trước. Đặc biệt thu hút là những vườn nho rộng tít tắp, trái chín mọng lúc lỉu trên giàn. Giữa một buổi trưa nắng, dừng chân bước vào một vườn nho, đi dưới giàn phủ mướt màu lá, tay cầm kéo cắt từng chùm thả vào xe đẩy, thi thoảng nhón vài ba quả thả vào miệng, con người ta liền bỏ quên cái nóng hầm hập bên ngoài kia.

Trong phạm vi nội thành Phan Rang – Tháp Chàm chỉ có duy nhất một địa danh, đó là Tháp Chàm Po Klong Garai. Di tích nằm trên một ngọn đồi, nổi bật giữa những cung đường công nghiệp hóa thế kỷ 21 bởi vị trí biệt lập cùng màu gạch đỏ son vô cùng bắt mắt. Ba tòa tháp chính, tháp lửa và tháp cổng được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 – đầu thế kỷ 14, là nơi thờ phụng Po Klong Garai (1151-1205) – vị vua có nhiều công lao đối với vương quốc Chăm Pa xưa. Tháp được bảo tồn theo quan điểm tôn trọng hiện vật, chưa bị xây sửa nhiều nên gìn giữ trọn vẹn dáng hình nguyên sơ in hằn dấu vết thời gian và lịch sử. Nền thương mại du lịch chưa phát triển quá mạnh tại Ninh Thuận thực tế cũng là một yếu tố lý tưởng để duy trì vẻ đẹp cổ điển của di tích Tháp Chàm Po Klong Garai. Người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc Chăm vẫn thường lui tới đây cúng lễ, cầu nguyện, đi dạo hoặc ghi hình những màn biểu diễn ca múa truyền thống.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Thương nhớ chốn nắng vàng gió rang Ninh Thuận - điểm đến

Đến Ninh Thuận vì lý do công việc, tôi được hưởng một đặc ân so với nhiều vị du khách khác, đó là hòa mình vào nhịp sống thường nhật của Phan Rang – Tháp Chàm. Đối với tôi, đây mới là thành phố đáng sống nhất trên dọc dài đất nước Việt Nam, đủ hiện đại để ra dáng một đô thị trẻ, song cũng chưa phát triển tới mức xô bồ như Sài Gòn hay Hà Nội. Tôi yêu những buổi tối trong làn gió mát mẻ của Phan Rang. Sau bữa cơm tối, mọi người thường đổ về quảng trường thành phố hóng mát. Con nít chạy nhảy nô đùa, người lớn dạo bộ hoặc kiếm một chỗ trong quán ven đường, uống ly nước, nghe nhạc sống. Thời gian ngưng đọng ít nhiều, chảy trôi chậm rãi, con người thong thả, tạm quên âu lo.

MŨI DINH – CHU DU CỒN CÁT, GHÉ THĂM LÀNG CHÀI

Cách trung tâm Phan Rang – Tháp Chàm chừng 40km, Mũi Dinh trải ra trước mắt tôi một thứ không gian ba chiều tưởng như bất tận. Trên cao là trời xanh thăm thẳm, ở giữa là mặt biển xanh ngọc trong vắt và bên cạnh là những dãy núi trập trùng nối liền triền cát trắng phau. Điểm tô trên phông nền thơ mộng giàu chất nhiếp ảnh ấy là vài ba đàn bò, đàn cừu nhởn nhơ ăn cỏ.

Vùng đất mũi ở phía Nam Ninh Thuận làm nên thương hiệu với địa hình tiểu sa mạc, nơi những cồn cát vàng tiếp nối cồn cát trắng, không gian vắng lặng được bao vây bốn phía là cát mịn màng. Giữ đúng lời hẹn từ trước, anh Shymha Sadick và cô bạn Mai Chia đón tôi và các đồng nghiệp tại Mũi Dinh. Anh Sadick có mái tóc xoăn, gương mặt rám nắng, hay nở nụ cười lành lành. Mai Chia xinh đẹp với khuôn mặt sắc nét, phong thái vừa nữ tính vừa khỏe khoắn. Cả hai đều rất trẻ, tuổi dưới 30, người Chăm chính gốc, làm nghề hướng dẫn viên du lịch trên mảnh đất quê hương và là hai tay lái xe mô tô, ô tô địa hình cự phách. Họ chuẩn bị sẵn một chiếc xe UTV, đưa ba người chúng tôi khám phá cồn cát, sẵn tiện khảo sát địa điểm cho một show truyền hình thực tế.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Thương nhớ chốn nắng vàng gió rang Ninh Thuận - điểm đến

Giữ tâm trạng háo hức từ trước đó vài ngày, vậy mà tôi bất giác thấy sợ khi nghĩ đến cảnh tượng chiếc xe lăn bánh thần tốc trên mặt cát trơn trượt. Nhưng cũng không mất nhiều thời gian, tôi đã bị trải nghiệm này làm cho mê mẩn. Chiếc xe chạy vun vút mà êm ái, lao xuống từ đỉnh cồn cát như thả người rơi tự do, thi thoảng làm người ta giật mình bởi một cú cua quá bất ngờ. Anh Sadick và Mai Chia bảo, UTV là loại xe không thể bị lật, bởi nó được thiết kế riêng cho môi trường trên cát. Đứng trên đuôi xe, tôi thấy mình ở sát gần thiên nhiên, va đập với nắng, với gió, với cát một cách vô tư không né tránh. Nắng đậu trên mặt người. Gió thổi tóc rối tung. Cát mơn trớn đôi bàn chân, chạm vào mặt, vào tay, lọt vào miệng nghe lạo xạo. Tiếng hét mang theo một chút hồi hộp, run rẩy nhưng phần nhiều là cảm giác hưng phấn hòa lẫn với tiếng gió vù vù vụt qua tai.

Vượt qua hai đồi cát thênh thang, nhóm chúng tôi tìm đến xóm chài bên bờ biển. Gọi là xóm chài bởi ở đây chỉ có đôi ba gia đình sinh sống, chưa đủ để hợp thành một làng chài. Giống như những người làm nghề chài lưới ở những miền khác, người dân biển Mũi Dinh cũng căng buồm ra khơi mỗi buổi chiều và trở về vào buổi sớm mai với những thúng ăm ắp tôm cá. Vào chơi nhà một gia đình bản địa, tôi ngạc nhiên khi thấy lũ trẻ thản nhiên nằm ngủ dưới cát. Hỏi ra tôi mới biết, vì cát êm mịn và mát lành, người ta coi đó là chiếc giường đệm lý tưởng dù cho giấc ngủ sâu hay chỉ đôi ba phút chợp mắt chóng vánh. Ban đêm, họ lấy thêm chiếc chăn là đủ đánh một giấc ngon lành tới sáng.

Chiều xuống lộng gió, tôi thảnh thơi ngồi trước biển, giữa không gian vắng vẻ lặng lẽ của xóm chài, nghe tiếng sóng rào rào dội vào bờ, bất chợt cảm thấy biết ơn vì có dịp ghé thăm Mũi Dinh khi nó chưa bị du lịch khai thác một cách tàn nhẫn. Tối đó, với gợi ý từ hai người bạn chủ nhà, chúng tôi nán lại ngoài biển muộn một chút, bắc bếp, nướng khoai, nướng mực, tự thưởng cho mình một bữa đồ nướng “ngàn sao” ngon lành trên bãi biển đầy thi vị.

W.TIPS

wanderlust tips ICON 9 1

KHÍ HẬU

Ninh Thuận mang đặc trưng khô nóng và gió nhiều. Mùa khô gần như phủ kín quanh năm, kéo dài từ tháng 12 tới tháng 8 năm sau, tháng 6 tới tháng 8 là giai đoạn khí hậu khắc nghiệt nhất. Còn mùa mưa chỉ vỏn vẹn từ tháng 9 tới tháng 11.

wanderlust tips ICON 46 3

DI CHUYỂN

Ninh Thuận không có sân bay riêng. Để tới đây, bạn có thể bay tới sân bay Cam Ranh – Khánh Hòa hoặc sân bay Liên Khương – Đà Lạt rồi tiếp tục di chuyển bằng xe khách hoặc taxi.

wanderlust tips ICON 54

LƯU TRÚ

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có vị trí trung tâm, là địa điểm trung chuyển hợp lý để bạn thuận tiện thăm các danh thắng nổi tiếng của Ninh Thuận. Tại đây, bạn có thể nghỉ lại tại các khách sạn, hostel với từ bình dân tới cao cấp.

wanderlust tips ICON 70 1

THĂM QUAN

Ngoài các địa danh nổi tiếng của Ninh Thuận đã kể trong bài, bạn có thể kết hợp thăm quan thêm nhiều địa điểm đẹp khác của tỉnh như: Hang Rái, vịnh Vĩnh Hy, biển Ninh Chữ, vườn quốc gia Núi Chúa…

wanderlust tips ICON 43

QUÀ LƯU NIỆM

Rời Ninh Thuận, bạn có thể mua nho, các sản phẩm làm từ nho, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gốm của người Chăm để làm quà.

Phong Kiều | Wanderlust Tips