Trăm năm bánh mì Sài Gòn

Ai đã từng ghé thăm Sài Gòn một lần, hẳn không quên được tiếng rao giữa lòng thành phố xuôi ngược “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon, năm ngàn một ổ”.

Bánh mì là món ăn xuất phát từ phương Tây, thuở ban đầu là một ổ bánh mì nguyên vẹn được chấm với sữa. Khi du nhập vào Việt Nam, bánh biến tấu thành một kiểu “sandwich” rất Việt và trở thành món ăn chinh phục lại trái tim của cả những du khách phương Tây.

tạp chí Wanderlust Tips | trăm năm bánh mì Sài Gòn

Bánh mì được bán ở khắp mọi miền đất nước, nhưng phổ biến, thịnh hành và đi vào từng con hẻm nhỏ thì chắc chỉ có ở Sài Gòn, bánh mì đã có gần 150 tuổi tồn tại nơi đây. Người Sài Gòn ăn bánh mì bất kể thời gian nào trong ngày, sáng sớm, giữa trưa hay tối khuya đều có. Xe bánh mì hình như không ngủ bao giờ. Dọc những con đường chỉ toàn cao ốc, xe bánh mì nép ở một góc khiêm tốn, sáng sáng vẫn thấy dân công sở ghé qua mua. Cạnh những trường đại học, nhiều xe bánh mì vẫn xếp thành một hàng dài, những giờ tan học, những buổi họp nhóm, những tối sinh hoạt câu lạc bộ, đám sinh viên miệng nhai đầy bánh, nói cười rôm rả. Trước những công trường xây dựng cả ngày lẫn đêm, thật khuya sẽ thấy công nhân nghỉ giữa giờ, họ vẫn cầm một túi bánh mì thật to và phát cho mỗi người một ổ như là cách người ta nạp thêm năng lượng. Bánh mì ấy mà, hình như không có sự phân biệt, từ bé đến lớn, từ nhỏ đến già, từ cao sang đến bình dân ai cũng chiều lòng được.

tạp chí Wanderlust Tips | trăm năm bánh mì Sài Gòn

Bánh mì thường có hai loại, loại đặc ruột và loại rỗng. Bánh đặc ruột cho những người ăn không, hoặc ăn kèm với sữa. Bánh rỗng ruột dùng để làm bánh mì kẹp. Bánh mì kẹp lại chia làm nhiều loại, tuy nhiên dễ thấy nhất là bánh mì kẹp thịt và bánh mì kẹp chả cá. Khi làm bánh mì kẹp, ổ bánh mì sẽ được rạch dọc từ trên xuống theo hình dáng bánh. Bánh kẹp chả cá thì nhân bên trong thường sẽ là chả cá, rau răm, dưa leo, đồ chua và nước mắm ngọt. Với bánh mì kẹp thịt thì các nguyên liệu sẽ nhiều hơn như: bơ, pate, chả lụa, thịt, dăm bông, trứng, sốt, xì dầu. Những nguyên liệu ấy là thành phần cơ bản nhất được sử dụng, tùy vào mỗi nơi mà sẽ có sự thay đổi khác nhau.

Một ổ bánh mì ngon là khi ăn vỏ bên ngoài giòn rụm nhưng không cứng, bánh có mùi thơm. Nhân bên trong được rải đều, cắn một miếng thấy đủ vị béo của bơ, vị ngậy của sốt, vị chua ngọt của củ cải muối, giòn của dưa leo, chắc của thịt, thơm của trứng… Những sự kết hợp ấy đã khiến bánh mì được vinh danh là “món sandwich ngon nhất thế giới” trên báo The Guardian, hay “top món ăn đường phố ngon nhất thế giới” của CNN, và từ điển Oxford xác nhận “bánh mì” là một danh từ riêng dành cho món ăn Việt Nam.

tạp chí Wanderlust Tips | trăm năm bánh mì Sài Gòn

Nếu tiếng rao bánh mì đêm khuya làm người ta khắc khoải, xót xa thì những ổ bánh mì miễn phí dọc đường lại khiến người ta ấm áp, yêu thương. Dọc những con đường lớn ở Sài Gòn như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám… người ta vẫn thấy những chiếc bánh mì xếp ngay ngắn trong những hộp nhựa, đề “bánh miễn phí, mỗi người một ổ”. Đó là cách người ta vẫn thường chia sẻ cho nhau như thế, chia sẻ những điều thân yêu như là ổ bánh mì.

Wanderlust Tips | Cinet