5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

[Wanderlust Tips tháng 7/2018] Cưới hỏi là một trong những nghi lễ thiêng liêng nhất, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên ở mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá lại có những phong tục, nghi lễ cưới hỏi rất khác nhau mang đến nhiều điều thú vị. Cùng Wanderlust Tips khám phá những phong tục đặc sắc, được giữ gìn và lưu truyền trong lễ cưới truyền thống của các nước trên thế giới.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

1. SAN-SAN-KUDO UỐNG 3 CHÉN RƯỢU

Nhật Bản là đất nước của những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân tộc xa xưa và lâu đời nhất phương Đông. Trong lễ cưới, cô dâu và chú rể Nhật Bản sẽ phải thực hiện nhiều nghi lễ truyền thống, và một trong những nghi lễ quan trọng nhất và lâu đời nhất trong lễ thành hôn là cô dâu chú rể sẽ uống 3 chén rượu sake. Nghi thức này có tên gọi là san-sankudo. Trong tiếng Nhật, San-san-kudo nghĩa là uống 3 ngụm rượu. Trong đó, 3 ngụm đầu tiên đại diện cho cô dâu, chú rể và bố mẹ của hai bên; 3 ngụm tiếp theo là tượng trưng cho 3 thói xấu của con người là căm ghét, ghen tị và thờ ơ; 3 ngụm cuối là để giải thoát khỏi 3 thói xấu đó. Nghi lễ như một lời cam kết bền vững giữa hai gia đình và tăng sự gắn kết giữa cặp vợ chồng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Theo đó, “san” là 3, “ku” là 9, “do” là thể hiện sự hòa hợp. Như vậy, San-san-kudo có nghĩa là “ba, ba, chín lần”. Người Nhật Bản chọn số 3 là có chủ ý, Phật giáo tin rằng số 3 là một con số thiêng liêng. Đối với người Nhật, số 9 là con số may mắn, có nghĩa là hạnh phúc gấp 3 lần, cầu chúc cho cặp vợ chồng sẽ mãi mãi bên nhau. Khi uống, họ sẽ đứng cách nhau qua một chiếc bàn, nhìn thẳng vào mắt nhau, mỗi người sẽ uống một ngụm rượu trong cùng một lúc, đặt ly rượu xuống bàn cùng một lúc và chính thức được coi là vợ chồng ngay sau ngụm rượu đầu tiên. Bộ chén uống rượu được sử dụng gồm 3 chiếc chén gọi là sakazuki, có kích thước tăng dần. Chú rể sẽ nhấp 3 ngụm rượu với chiếc nhỏ nhất, trước khi chuyển sang chiếc lớn hơn. Cô dâu cũng làm theo tương tự.

San-san-kudo là một trong những nghi thức cổ nhất trong lễ cưới Thần đạo, được bắt đầu từ thế kỷ thứ 8, vốn xuất phát từ những gia đình quyền quý. Ngày nay, nghi thức này được coi là tiêu chuẩn trong các đám cưới kiểu truyền thống trên toàn Nhật Bản.

2. KHÔNG BÉO KHÔNG ĐƯỢC LẤY CHỒNG

Một cô gái to béo, eo to, cổ ngắn, ngực to, vai rộng được xem là người phụ nữ đẹp, quyến rũ, và là cô dâu đắt giá nhất mà bất cứ người đàn ông nào ở Mauritania cũng muốn cưới về làm vợ. Những người đàn ông Mauritania đến tuổi tìm vợ thích chọn những người phụ nữ mập mạp và béo tốt. Đối với họ, sự béo tốt của người phụ nữ thể hiện cho sự giàu có và thịnh vượng. Bất kỳ người đàn ông nào cũng tự hào khi cưới được một người vợ có đầy đủ các tiêu chuẩn này.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Các cô dâu béo tròn là đối tượng hấp dẫn của đàn ông Mauritania, đồng thời nhà gái có thể dựa vào đó mà thách cưới cao. Điều này khiến những cô gái gầy nhom cảm thấy áp lực. Chính vì lý do này mà khi bắt đầu lên 8 tuổi cho tới khi đến tuổi lấy chồng, các cô gái thường được mẹ chăm sóc kỹ lưỡng với chế độ ăn nhiều dinh dưỡng và phải tiêu thụ một lượng thức ăn chứa tới 15.000 calo mỗi ngày – gấp 4 lần so với khẩu phần ăn của một nam vận động viên thể hình – để chuẩn bị cho lễ cưới trong tương lai.

Thực đơn cho mỗi bữa ăn sáng của các cô gái có vụn bánh mì ngâm trong dầu ô liu cùng với sữa lạc đà. Các bữa ăn trong ngày thường gồm thịt dê, bánh mì, quả sung và couscous (bột mì nấu với thịt hay nước thịt) và không thể thiếu sữa lạc đà.

Thực hiện theo chế độ ăn uống này, sau 2 ngày, trọng lượng của các cô gái có thể tăng lên gần 6,5kg. Những cô gái không hoàn thành phần ăn vỗ béo mà mẹ cô chuẩn bị thì sẽ bị phạt, thậm chí có nhiều gia đình còn sử dụng hai thanh gỗ kẹp chân, tay khiến các bé gái vô cùng đau đớn nếu như không chịu ăn. Đối với những cô gái không may có thân hình mảnh khảnh, cho dù có vỗ béo cũng không thể béo lên được thì đồng nghĩa với việc không lấy được chồng. Và đối với người Mauritania thì đó là một sự sỉ nhục, bị người khác coi thường và khiến cho cha mẹ xấu hổ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Tục lệ vỗ béo cho các cô gái đã có truyền thống lâu đời, được tuân thủ nghiêm ngặt ở Mauritania. Nó được cho là xuất hiện vào thời kỳ tiền thuộc địa người Moor Arab trắng còn là dân du mục. Vào thời kỳ đó, người chồng càng giàu có thì người vợ sẽ càng ít phải làm việc nhà. Các bà vợ nhà giàu chỉ ngồi không cả ngày và để toàn bộ việc nhà lại cho các nô lệ da đen. Dần dần, họ trở nên béo tốt. Do đó, kích thước cơ thể của người vợ bắt đầu được xem là dấu hiệu của sự giàu có. Ngoài ra, vết rạn da do béo, được gọi là “tebtath” được xem là của quý của người phụ nữ còn “lekhwassar”, vòng mỡ quanh eo trở thành niềm tự hào của các quý bà quý cô.

Do đó, kích thước cơ thể của người vợ được xem là dấu hiệu của sự giàu có của người chồng. Vậy nên phụ nữ tại Mauritania ngày nay cứ theo đó mà ăn bất chấp để trở nên béo tròn, càng béo tròn thì càng dễ được đàn ông giàu lấy làm vợ, bởi họ chính là bộ mặt tượng trưng cho gia sản nhà chồng.

3. ĐẬP VỠ BÁT ĐĨA TRƯỚC NGÀY CƯỚI

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Người Đức có một nghi thức cưới vô cùng thú vị, đó là trước ngày cưới đôi trẻ sẽ tổ chức một bữa tiệc có tên là Polterabend – Đập vỡ bát đĩa. Đây là một tục lệ khá kỳ lạ trong đám cưới của người Đức. Quy tắc khi tham dự Polterabend là người thân và bạn bè sẽ mang theo những vật dụng trong nhà như bát, chén, đĩa được làm từ gốm, sứ. Những món đồ này không phải mang đến tặng cho cặp phu thê mới cưới, mà chúng sẽ được các khách mời ném xuống đất cho vỡ tan tành. Đập càng nhiều thì cặp đôi trẻ sẽ càng hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân sắp tới. Lúc này, cô dâu và chú rể sẽ là những người phải quét dọn những mảnh vỡ. Dọn hết đống bát đĩa cũng đồng nghĩa với việc dọn hết những đổ vỡ để chỉ còn lại yêu thương. Theo đó, số lượng những chiếc bát, đĩa bị đập vỡ trước lễ cưới càng nhiều, cô dâu cùng chú rể phải dọn dẹp hết số đĩa vỡ càng lớn thì sự lành lặn trong quan hệ vợ chồng càng bền vững.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Phong tục đập vỡ bát đĩa của người Đức mang ý nghĩa là vĩnh biệt cuộc sống cũ và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi cưới. Cũng có ý kiến cho rằng, việc bát đĩa bị đập vỡ tượng trưng cho những xung đột trong cuộc sống hôn nhân mà cặp vợ chồng mới cưới sẽ phải đối mặt. Và việc cùng nhau thu dọn những mảnh vỡ tượng trưng cho việc dù có trải qua bao nhiêu sóng gió, cả hai vợ chồng cũng đều “đồng cam cộng khổ” để vượt qua. Nghi thức này giống như một cách giúp họ làm quen với những khó khăn, thử thách sắp tới và mau chóng vượt qua.

Nguồn gốc của tập tục kỳ lạ này không rõ bắt nguồn từ khi nào và từ đâu, nhưng hiện vẫn được lưu truyền và là một phần không thể thiếu trong các đám cưới ở Đức. Tập tục truyền thống Polterabend chỉ là một phần nhỏ trong đám cưới, nhưng lại thể hiện ý nghĩa thiêng liêng trong ngày trọng đại của các cặp đôi tại đất nước có bề dày văn hoá lịch sử này.

4. BÔI BẨN CÔ DÂU CHÚ RỂ

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Ở một số vùng tại Scotland, trước khi một người con gái có thể tổ chức đám cưới với người đàn ông mà cô chọn lựa, cô và chú rể của mình sẽ phải trải qua một nghi thức cổ xưa vô cùng thú vị, gọi là “Blackening of bride” có nghĩa là “Bôi bẩn cô dâu”. Tục lệ xuất phát ở ngôi làng Balintore, Scotland, nơi những người thân và bạn bè sẽ đổ một đống rác thải lên người cô dâu, chú rể. Để thực hiện “nghi thức” này, họ sẽ chuẩn bị gồm những thứ như cá chết, thực phẩm hư hỏng, bột mì, xúc xích, nước sốt, bùn đất và cả sữa thiu, trứng gà, mật ong…, rồi trộn lẫn với nhau và đổ lên khắp người cặp vợ chồng trẻ. Sau khi bôi bẩn xong, cặp vợ chồng sẽ ngồi trên một chiếc xe tải và được chở lòng vòng quanh ngôi làng khoảng vài giờ đồng hồ, trong tiếng hò hét cổ vũ, tiếng trống, tiếng còi của mọi người chúc mừng đôi uyên ương. Sau cùng, đôi vợ chồng trẻ còn bị treo lên một cành cây suốt một đêm dài.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Người Scotland cho rằng nghi thức này sẽ giúp cặp đôi trẻ xua đuổi hết linh hồn ma quỷ. Nếu như đôi trẻ có thể trải qua và chịu đựng được những cực hình như thế thì họ cũng sẽ vượt qua được mọi rắc rối trong đời sống hôn nhân. Khi đó, cặp vợ chồng trẻ có thể hạnh phúc bên nhau bền lâu, có thể cùng nắm tay nhau vượt qua mọi gian nan và đi đến cuối cuộc đời. Đây là cách giúp họ mạnh mẽ hơn và đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống. Cho đến ngày nay, nghi thức này vẫn được các cặp vợ chồng thời hiện đại giữ gìn như một nét văn hóa riêng biệt. Nhưng được thực hiện nhẹ nhàng hơn. Cô dâu và chú rể chỉ bị bôi đen bàn chân của mình bằng tro hoặc xỉ, chứ không nhất thiết phải “bôi đen” cả cơ thể.

5. VẼ HOA VĂN LÊN TAY CHÂN CÔ DÂU

Vẽ hoa văn lên tay chân cô dâu là một nghi thức truyền thống của Ấn Độ, có tên gọi là Henna hay còn gọi là Mehndi. Vẽ Henna là một phần không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của Ấn Độ. Henna là một loại hình xăm được vẽ trực tiếp lên cơ thể, đặc biệt là lòng bàn tay của các cô dâu chuẩn bị về nhà chồng. Đối với các cô dâu Ấn Độ, hình xăm Henna được coi là một trong những món đồ trang sức quý giá trong ngày về nhà chồng, và vẻ đẹp của cô trong ngày cưới sẽ không được coi là hoàn hảo nếu thiếu những hình vẽ này.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Trước đây, lễ vẽ Henna thường diễn ra vào buổi sáng trước đám cưới một ngày và chỉ dành cho cô dâu, người thân và bạn bè là phụ nữ, đàn ông không được tham gia. Nhưng ngày nay, lễ Henna thường diễn ra ở nơi tổ chức tiệc, có cả cô dâu và chú rể tham gia. Chất liệu để vẽ Henna chính là lá henna. Lá được phơi khô, giã nát và lọc để lấy bột màu xanh lá cây. Sau đó bột được hòa tan trong một vài nguyên liệu khác, ngâm qua đêm tạo thành bột vẽ Henna. Người thực hiện vẽ Henna cho cô dâu có thể là người thân, bạn bè hay một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Hình vẽ đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào những gì cô dâu thích. Phong tục Henna được vẽ ở mặt trước và sau của lòng bàn tay, cẳng tay cho đến trên khuỷu tay và trên bàn chân cho đến dưới đầu gối.

Hình vẽ Henna rất đa dạng, phổ biến nhất là các họa tiết hoa, con công và paisley (hoa văn mô phỏng hoa lá cách điệu với những đường cong hay những hình khối xen kẽ nhau cầu kì). Mỗi hình lại mang một ý nghĩa, và được xem là may mắn thể hiện sự cao quý, sang trọng. Hình con công là sắc đẹp, bông hoa là niềm vui và hạnh phúc, hình paisley là khả năng sinh sản và may mắn. Ngoài ra còn có họa tiết hình con chim, con bướm, cây và lá nho, chồi nụ, hình gợn sóng,… Các hình vẽ đầy sắc màu này được cho là có thể giúp thư giãn, bởi bột henna có tác dụng làm mát cơ thể và giữ cho các dây thần kinh không bị căng thẳng. Đây chính là lý do henna được vẽ lên tay và chân, nơi hội tụ của các dây thần kinh chạy dọc cơ thể. Tên của người chồng cũng sẽ được khéo léo hòa quyện trong những hình vẽ này, biểu hiện mối liên hệ khăng khít giữa hai người. Tương truyền, bàn tay của cô dâu được vẽ hoa văn càng nhiều và đậm màu thì càng được chồng yêu thương, càng lâu phai thì sự gắn kết của họ càng bền vững.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 5 phong tục cưới độc đáo trên thế giới

Với hình vẽ henna trên tay, cô dâu sẽ không phải làm bất cứ việc nhà nào và được cung phụng cho tới khi màu henna tự phai đi, ít nhất là 1 đến 2 tuần. Đối với một cô dâu Ấn Độ, đó là khoảng thời gian trăng mật, chưa gặp phải rắc rối với gia đình nhà chồng, hạnh phúc như chính hình xăm Henna lưu lại trên cơ thể. Nhưng khi hình xăm dần mờ đi thì cũng là dấu hiệu báo cho cô biết cô thực sự bước vào một cuộc sống mới, những quan hệ mới và cả những mâu thuẫn mới. Chú rể không bị bắt buộc phải vẽ Henna, nhưng vẫn có thể vẽ trên bàn tay và bàn chân các chấm nhỏ hoặc hoạ tiết đơn giản.

Phong tục Henna không chỉ là cách làm đẹp, nó còn thể hiện mong muốn hạnh phúc bền lâu của người con gái Ấn Độ trước khi về nhà chồng cũng như chứa đựng niềm tin của người Ấn Độ muốn truyền lại cho các thế hệ sau.

Kim Ngân | Wanderlust Tips