9 món ăn đặc trưng ngày Tết của các nước châu Á

(#wanderlusttips) Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á. Tết Nguyên đán đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành.

Thời điểm này, ai cũng mong điều tốt lành, may mắn đến với bản thân và gia đình. Mọi người thường mời nhau những món ăn may mắn với hy vọng những điều tốt đẹp và thịnh vượng sẽ đến. Vì thế món ăn khai xuân của mỗi dân tộc đều có những ý nghĩa đặc biệt. Hãy cùng trải nghiệm 9 món ăn khai xuân đầy may mắn theo quan niệm của các nước châu Á trong dịp Tết nguyên đán đang đến gần.

1. Poon Choi

Đây là một món ăn truyền thống không thể thiếu đối với nhiều người dân Hong Kong trong những ngày đầu xuân mới, tượng trưng cho sự thịnh vượng và sung túc. Đặc trưng của món ăn này bao gồm nhiều lớp nguyên liệu tươi ngon, hảo hạng được xếp và nấu trong một nồi đất lớn, bao gồm: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, bào ngư, hải sâm, vây cá mập, ruột cá, tôm, cua, mực, da heo, đậu phụ và rau quả tươi các loại.

Theo truyền thống, người ta ăn Poon Choi theo từng lớp, từ trên xuống dưới, và món này có thể phục vụ cho hơn mười người một lúc. Chính vì vậy, Poon Choi được xem là một món ăn lý tưởng không thể thiếu trong bữa cơm đầm ấm đầu xuân khi các thành viên trong gia đình có thể cùng quây quần, sum họp. Và họ tin rằng, món ăn này sẽ giúp mang lại nhiều may mắn trong năm mới.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips

2. Lo Hei Yu Sheng

Lo Hei Yu Sheng là món ăn truyền thống nổi tiếng của Singapore và Malaysia trong dịp Tết Nguyên đán với mong ước gia tăng những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Đây thực chất là món gỏi, bao gồm cá hồi thái lát với củ cải, cà rốt thái sợi, tép bưởi, lạc rang, vừng rang, nước sốt từ quả mận… Mỗi nguyên liệu đều được chuẩn bị kỹ lưỡng với ý nghĩa đem lại máy mắn và phú quý như cá chỉ sự phồn vinh, thượng du; bưởi chỉ sự may mắn, phú quý; củ cải trắng chỉ sự làm ăn phát đạt, thăng tiến trong nghề nghiệp hay dầu ăn chỉ tiền vào như nước…

Các thành viên trong gia đình hay nhóm đồng nghiệp trong công ty hoặc các đối tác kinh doanh cùng đứng quây tròn, hào hứng dùng đũa trộn và tung cao các nguyên liệu trong đĩa sao cho càng cao càng tốt và hô to những điều ước của mình trong năm mới. Theo quan niệm, khi những nguyên liệu được tung lên càng cao, phú quý và thịnh vượng sẽ càng đến với bạn nhiều hơn trong năm mới.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips1

3. Jiaozi (Sủi cảo)

Mâm cỗ đón giao thừa của người Trung Quốc không thể thiếu được món sủi cảo. Được xem là món ăn may mắn vì những chiếc bánh này trông giống như những đồng tiền cổ của Trung Quốc. Sủi cảo tượng trưng cho sự giàu có và hy vọng cho một tương lai tươi sáng. Phần lớn bánh được gói theo hình bán nguyệt kiểu truyền thống. Gói theo hình này thì khi gói gấp đôi vỏ bánh hình tròn, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ của tay phải viền theo diềm bán nguyệt là được, phải viền cho đều gọi là “viền phúc”. Có gia đình kéo hai đầu của hình bán nguyệt nối liền với nhau như nén bạc, tượng trưng cho tiền của để khắp mọi nơi, vàng bạc đầy nhà. Ở nông thôn, ngoài vỏ sủi cảo còn in hình bông lúa mỳ trĩu hạt, với ngụ ý là sang năm mới ngũ cốc được mùa.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips2

4. Canh Tteokguk

Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc không thể trọn vẹn nếu thiếu món canh bánh gạo Tteokguk, gồm bánh tteok làm từ bột gạo không nhân, nước dùng bò hoặc gà, trứng chiên cắt sợi, rong biển và hành lá, mang ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong tương lai. Người Hàn thời xưa rất tôn sùng mặt trời, do vậy, chiếc bánh gạo nhỏ tròn mà trắng tượng trưng cho mặt trời. Ngày đầu năm ăn “tteokguk” có ý nghĩa đón tiếp ánh sáng mặt trời, từ bỏ cái cũ và đón lấy cái mới, vạn vật hồi sinh, đem lại may mắn. Vì vậy, vào ngày tết, mọi thành viên trong gia đình người Hàn Quốc sẽ quây quần bên nhau thưởng thức món canh này để cầu mong có sức khỏe dồi dào và may mắn trong năm mới.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips3

5. Bánh Buuz

Tết của người Mông Cổ gọi là Tsagaan Sar, có nghĩa là “mặt trăng trắng”, cũng kéo dài từ ngày 1 âm lịch cho đến hết ngày 3 giống như tại Việt Nam hay Trung Quốc. Người Mông Cổ ăn Tết không thể thiếu bánh buuz, thịt cừu, thịt bò, bánh ngọt và trà sữa. Đặc biệt bánh buuz (giống như bánh bao) là món ăn quý dành để đãi khách. Bánh buuz không lớn, thường có nhân bằng thịt cừu và ít rau cải, vỏ bằng bột mì không lên men. Khi ăn phải hút hết dầu rồi mới thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips4

6. Bánh Lontong Terang Bulan

Lontong Terang Bulan hay còn gọi là Lontong Cap Go Meh là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán của người Indonesia. Bánh lontong thường được ăn cùng với thịt gà nấu với nước dừa, rau nấu với nước dừa, trứng luộc… Hình trụ của chiếc bánh mang ý nghĩa sức khỏe dồi dào, tượng trưng cho tuổi thọ. Trứng và các loại gia vị tượng trưng cho may mắn và nước sốt dừa tượng trưng cho sự giàu có.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips5

7. Nian Gao

Bên cạnh món sủi cảo, thực đơn truyền thống ngày Tết của người Trung Quốc còn phải nhắc đến món bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững. Một điều thú vị là phiên âm Nian Gao còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên. Đó cũng chính là mong ước của mọi người trong năm mới. Trong số các loại bánh ngọt truyền thống của Trung Quốc, Nian Gao có lẽ là loại lớn nhất, đặc biệt phổ biến trong dịp năm mới.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips6

8. Cơm thuốc

Tết của người Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục và món ăn truyền thống đặc sắc, trong đó, món ăn không thể thiếu là món “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương… rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.

9. Bánh chưng

Người Việt có rất nhiều món ăn hấp dẫn trong mâm cỗ ngày đầu năm. Tuy nhiên, có một món ăn không thể thiếu đó là bánh chưng. Đối với người Việt, những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên. Từ những ý nghĩa sâu xa đó, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt từ hàng nghìn năm trước. Ở miền Trung và miền Nam, bên cạnh bánh chưng, người dân còn gói bánh tét. Loại bánh này có nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng được gói hình trụ. Vào những ngày gần tết, người Việt thường quây quần bên nồi bánh chưng, vừa nấu bánh vừa hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỉ niệm trong năm cũ và nói lên những mong muốn trong năm mới.

mon-an-ngay-tet-wanderlusttips8

Selina Nguyễn | Wanderlust Tips | Cinet

Trả lời