Bảo tàng Điêu khắc Chăm: Nơi lưu giữ quá khứ vàng son

Được xây dựng từ năm 1915, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam hiện nay, là một điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Đà Nẵng.

Ẩn mình trong lòng thành phố Đà Nẵng tấp nập, Bảo tàng Điêu khắc Chăm sẽ mang đến cho du khách hành trình khám phá quá khứ vàng son của một vương triều hưng thịnh – Vương quốc Chăm Pa. Thật ra, từ trước khi Bảo tàng được thành lập, nhiều hiện vật điêu khắc Chăm được tìm thấy trong khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận đã được đưa về đây, với tên gọi là “Công viên Tourane”. Ý tưởng xây dựng bảo tàng dành cho các tác phẩm điêu khắc đã được nhen nhóm từ năm 1902 và đến năm 1915 thì được tiến hành xây dựng. Sau khi khánh thành và hoạt động, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trải qua nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ tòa nhà và phong cách kiến trúc ban đầu vẫn được giữ nguyên.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng điêu khắc Chăm: Nơi lưu giữ quá khứ vàng son

Nơi đây có gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ với chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng, xuất hiện ở khoảng từ thế kỷ thế kỉ VII đến thế kỳ XV thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Các hiện vật này được sắp xếp một cách đầy nghệ thuật với 4 phòng trưng bày chính là: phòng Trà Kiệu, phòng Mỹ Sơn, phòng Đồng Dương và phòng Tháp Mẫm. Tất cả thể hiện một thế giới bí ẩn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng điêu khắc Chăm: Nơi lưu giữ quá khứ vàng son

Năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm  đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, khẳng định được vai trò và những đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

PHÒNG TRÀ KIỆU

Trà Kiệu là một làng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây được xác định là kinh đô đầu tiên và cổ nhất của Vương quốc Chăm Pa ở thời sơ kỳ, được xây dựng vào cuối thế kỉ IV dưới triều vua Bhadresvara. Tên gọi theo tiếng Chăm Pa là Sinhapura, có nghĩa là Thành phố Sư tử. Hiện tại, phòng Trà Kiệu đang trưng bày khoảng 43 tác phẩm, phần lớn có niên đại thế kỉ VII-VIII và XI-XII.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng điêu khắc Chăm: Nơi lưu giữ quá khứ vàng son

PHÒNG MỸ SƠN

Mỹ Sơn, thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay, từng là trung tâm tín ngưỡng quan trọng của Vương quốc Chăm Pa. Tại đây có hơn 70 ngôi tháp, phần lớn được xây dựng để thờ thần Shiva và được xây dựng trong một thời gian dài từ khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ thứ XIII. Các hiện vật điêu khắc sưu tầm được từ di tích này phản ánh các phong cách kiến trúc và điêu khắc khác nhau trong lịch sử nghệ thuật của Vương quốc Chăm Pa. Tại phòng Mỹ Sơn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện đang trưng bày 18 hiện vật, chia là 3 nhóm: nhóm hiện vật trong các tháp chính, nhóm hiện vật ở các tháp phụ và nhóm các hiện vật trang trí trên trán cửa hoặc trên tường tháp nói chung.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng điêu khắc Chăm: Nơi lưu giữ quá khứ vàng son

PHÒNG ĐỒNG DƯƠNG

Đồng Dương, cách Mỹ Sơn khoảng 20km về phía Nam, từng là trung tâm Phật giáo của Chăm Pa. Khu di tích này được nghiên cứu và khai quật vào năm 1902 và hầu như đã bị hủy hoại hoàn toàn bởi thời gian và chiến tranh. Tại phòng trưng bày Đồng Dương hiện nay đang trưng bày 21 tác phẩm giúp du khách hình dung phần nào sự nguy nga của khu đền tháp và sự phát triển của Phật giáo Đại thừa tại Chăm Pa.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng điêu khắc Chăm: Nơi lưu giữ quá khứ vàng son

PHÒNG THÁP MẪM

Trong đợt khai quật năm 1934 và 1935 tại gò đồi Tháp Mẫm – Bình Định, người ta đã phát hiện được rất nhiều hiện vật đẹp như rồng, voi – sư tử, chim thần Garuda… tiêu biểu cho phong cách Tháp Mẫm. Hiện tại, có 67 hiện vật niên đại từ thế kỉ XII – XV được trưng bày tại phòng Tháp Mẫm. Trong đó, nổi bật là tượng thần sáng tạo Brahma được làm bằng đá sa thạch, tượng thần Shiva, sư tử Gajasimha hay thủy quái Makara.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng điêu khắc Chăm: Nơi lưu giữ quá khứ vàng son

Ngoài 4 phòng trưng bày chính, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn có phòng trưng bày mở rộng và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị…

Bảo tàng Điêu khắc Chăm

  • Địa chỉ: số 2, đường 2/9, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
  • SĐT: 0236 3574 801
  • Website: http://chammuseum.vn/
  • Email: btdkc@danang.gov.vn
  • Giờ mở cửa: 7h – 17h hằng ngày.
  • Giá vé: 60.000đ

Wanderlust Tips | Cinet