10 điều kiêng kỵ trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Năm mới là khoảng thời gian dành cho những điều tốt đẹp và may mắn. Ông bà ta thường có câu “có kiêng có lành”, do đó từ xưa đến nay đã có nhiều điều kiêng kỵ được lưu truyền trong dân gian để tránh những điềm xấu, điềm gỡ, nhất là vào những ngày đầu tiên của năm mới.

1. KỴ MAI TÁNG

Tết Nguyên Đán là ngày mở đầu cho sự may mắn của cả một năm nên nó có ý nghĩa rất quan trọng và thiêng liêng đối với tất cả mọi người. Vì thế, trong ba ngày Tết, ông bà ta thường có tục lệ cất khăn tang. Nhà ai có tang thì kiêng kỵ không đi chúc Tết bà con hàng xóm hay bạn bè. Nếu người thân mất vào ngày 30 tháng Chạp thì cố gắng mai táng trong ngày chứ không để sang mùng một đầu năm. Nếu không thu xếp được hoặc người thân mất vào đúng ngày mùng một thì gia đình chưa được phát tang ngay mà chờ qua mùng hai hoặc sau Tết.

2. KỴ CHO LỬA, CHO NƯỚC

Những ngày đầu năm mới, đặc biệt là mùng một Tết, người ta rất kiêng kỵ việc người khác đến nhà mình xin lửa hay xin nước. Dân ta quan niệm lửa có màu đỏ nên sẽ mang lại may mắn cho đầu năm mới. Cho lửa tức mà cho đi cái may mắn. Còn nước vốn được ví như là nguồn tài lộc, thể hiện trong câu chúc “Tiền vào như nước”. Trước khi bước sang năm mới, những nhà có chum bể thường sẽ làm đầy nước vào chum vào bể với niềm tin sẽ đem đến nhiều của cải vào năm mới.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 10 điều kiêng kỵ trong ngày tết cổ truyền Việt Nam

3. KỴ ĂN ĐUÔI CÁ

Người dân miền Bắc hay cầu năm mới bằng cách ăn cá chép với hy vọng năm mới sẽ được thuận lợi trong chuyện học hành và thăng tiến. Tuy nhiên, để tăng sự may mắn, ông bà ta thường sẽ không ăn phần đuôi bởi họ cho rằng nếu để lại phần đuôi cá thì nhà cửa sẽ luôn có dư thừa, tích lũy chứ không phải chỉ đủ ăn đủ mặc.

4. KIÊNG KỴ DÙNG VẬT NHỌN, SẮC CHĨA VÀO NHÀ

Đôi khi, vào những ngày đầu xuân, chúng ta thường thấy mọi người hay cất bớt dao kéo và chỉ chừa lại những cái cần dùng. Điều này là do ông bà ta quan niệm tránh dùng những vật sắc nhọn chĩa vào nhà vì cho rằng chúng có sát khí và có thể cắt đứt lương duyên, vận hội cũng như tuổi thọ của gia chủ. Đồng thời, một số nơi còn treo gương bát quái nhằm hóa giải hung tính hoặc dán bùa để trừ tà.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 10 điều kiêng kỵ trong ngày tết cổ truyền Việt Nam

5. KIÊNG ĐÓNG CỬA NHÀ

Theo tín ngưỡng dân gian, từ sớm mùng một Tết cho đến những ngày sau đó, Ngọc Hoàng cùng chư vị thần tiên sẽ hạ phàm đi đến từng nhà. Nếu nhà ai đóng kín cổng, các vị sẽ coi đó như là sự bất kính và điều này sẽ ảnh hưởng đến phúc lộc của cả năm. Do đó, trong dịp tết, trừ những dịp phải ra khỏi nhà đi chơi, thăm hỏi thì nhà cửa phải luôn mở cửa đón khách.

6. KIÊNG TREO TRANH XUI

Mỗi dịp Tết đến xuân về, ông bà ta còn hay treo tranh trong nhà để chơi Tết. Thông thường, những bức tranh được treo sẽ mang những ý nghĩa tốt đẹp và may mắn như tranh đàn lợn, em bé,… để tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Người ta còn kiêng kỵ không treo những bức tranh có thể mang lại những điều xui và không may mắn như tranh đánh ghen hay đi kiện.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 10 điều kiêng kỵ trong ngày tết cổ truyền Việt Nam

7. KHÔNG XUẤT HÀNH NGÀY MÙNG 5

Dân ta quan niệm ngày mùng 5 Tết là ngày nguyệt kỵ và do đó thường không xuất hành vào ngày này. Điều này còn thể hiện rõ hơn qua câu nói “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn” với hàm ý mùng năm không thích hợp cho các chuyến du xuân lấy lộc.

8. KIÊNG TẮM RỬA, GIẶT GIŨ

Sinh nhật của Thủy thần chính là vào ngày mùng một và mùng hai Tết nên nếu giặt giũ trong hai ngày này thì sẽ động đến Thủy thần làm tổn phúc lộc. Ngoài ra, người dân cũng thường kiêng kỵ việc tắm rửa gội đầu bởi e ngại thần tướng sẽ hao mòn, tài năng cùng phúc lành đã có trong năm cũ sẽ bị trôi sạch.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 10 điều kiêng kỵ trong ngày tết cổ truyền Việt Nam

9. KIÊNG MUA ĐỒ XUI

Dân gian ta còn có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, do đó, mua gì đầu năm để lấy lộc, mang lại may mắn cho gia chủ là điều rất quan trọng. Người dân hay mua muối sáng sớm mùng một và kiêng mua dao, thớt, chày cối…

10. KIÊNG NGỒI HOẶC ĐỨNG TRƯỚC CỬA

Việc đứng hay ngồi án ngữ ở ngay trước cửa chính trong dịp năm mới được coi là hành động gây ảnh hưởng đến vượng khí cả gia đình. Luồng không khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại và khiến gia đình không được may mắn và thành công.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips 10 điều kiêng kỵ trong ngày tết cổ truyền Việt Nam

Wanderlust Tips | Cinet

1 Comment

Comments are closed.