Hộ chiếu vaccine – vực dậy ngành du lịch

“Hộ chiếu vaccine” đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 với hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế, du lịch và đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. 

Hộ chiếu vaccine trên thế giới

Sự ra đời của vaccine COVID-19 vào tháng 12/2020 đã làm dấy lên hy vọng rằng việc cấp hộ chiếu vaccine có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt là của ngành du lịch và lữ hành. Miễn là vaccine sẽ tạo đủ khả năng miễn dịch và tránh lây truyền, người ta kỳ vọng nó sẽ cho phép người dân di chuyển qua biên giới mà không phải thực hiện các yêu cầu kiểm dịch và thử nghiệm kéo dài.

Các nước trên thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine - Wanderlust Tips

Hộ chiếu vaccine cung cấp thông tin xác thực có thể được sử dụng để chứng minh rằng một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng, chống COVID-19, 2 mũi theo đúng quy định của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước. Nó có thể ở dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ.

Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine, mở của du lịch quốc tế, sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch. Cuối tháng 7 đầu tháng 8/2021, có thêm Canada, Nhật Bản chấp nhận sử dụng loại hộ chiếu đặc biêt này.

Trước đó, nhóm các nước đã chấp nhận hộ chiếu vaccine từ đầu năm 2021 bao gồm: Estonia, Romania, Gruzia, khi họ chấp nhận đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm vaccine ít nhất trong vòng 10 ngày mà không cần thực hiện tự cách ly; còn những ai mới chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vẫn sẽ phải thực hiện 14 ngày tự cách ly.

Đức, Đan Mạnh hay Hy Lạp là một trong số các nước triển khai hộ chiếu vaccine từ sớm

Ở Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan cũng đã lên kế hoạch từng bước mở cửa lại đất nước cho khách du lịch nước ngoài, bắt đầu với “hộp cát Phuket” và sau đó sẽ mở rộng sang các điểm du lịch khác như Koh Samui, Koh Tao và Koh Phangan, cuối cùng là hiện thực hóa mục tiêu mở cửa trở lại đất nước vào tháng 10 tới.

Hộ chiếu vaccine ở Việt Nam

Thông tin từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy khách quốc tế đến nước ta 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 88.200 lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Đó là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai hộ chiếu vaccine ở thời điểm này tại Việt Nam là thích hợp ở một số tỉnh thành như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh) bởi tình hình dịch đã được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro vì các loại vaccine khác nhau có hiệu lực bảo vệ cũng rất khác nhau (từ khoảng 50,2% đến 97%), thời gian bảo vệ khác nhau (từ 6 – 8 tháng). Việc tiêm đủ liều vaccine không có nghĩa là không bị mắc COVID-19.

Phú Quốc (Kiên Giang) và Hạ Long (Quảng Ninh) được xem xét tiến hành thí điểm hộ chiếu vaccine ở Việt Nam

Để triển khai thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển du lịch và phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, chúng ta cần làm chặt chẽ các bước phòng chống dịch ngay từ khâu nhập cảnh, cũng như kiểm định kĩ càng hộ chiếu vaccine của du khách, nhất là khi tình hình đang diễn biến phức tạp như hiện tại.

Các chuyên gia du lịch đánh giá, nếu thí điểm thành công và an toàn “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc thì sẽ nhanh chóng mở rộng ra các điểm du lịch khác. Đó cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam đón khách trở lại. 

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cnet