Say lòng ẩm thực Bình Định

(#wanderlusttips #BinhDinh) Vùng đất Bình Định không chỉ cuốn hút du khách bởi thiên nhiên hoang sơ, hệ sinh thái đa dạng mà nơi đây còn nổi tiếng bởi ẩm thực thơm ngon làm say lòng du khách ngay từ lần đầu “gặp gỡ”.

1. Bún chả cá

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-1

Món bún chả cá xuất hiện ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, thế nhưng bún chả cá Bình Định lại mang màu sắc hương vị rất riêng không lẫn vào đâu được. Điểm làm nên sự khác biệt lớn nhất ấy chính là nước dùng. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng theo phương thức gia truyền. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.

2. Bánh hỏi lòng heo

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-2

Người dân Bình Định thường ăn sáng bằng món bánh hỏi lòng heo. Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì, được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Ăn kèm với bánh hỏi là lòng và thịt heo thái miếng, bên cạnh là một chén cháo nóng hổi cùng nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt để phù hợp với khẩu vị của người miền Trung.

3. Bánh xèo tôm nhảy rau mầm

Món ăn nổi tiếng của Bình Đình này hấp dẫn ngay từ tên gọi. Bánh xèo vàng ruộm, bên trong nhân khoảng chừng 8,9 con tôm tròn mẩy, chín đỏ au nằm xen lẫn với giá đỗ. Loại tôm nhỏ, chắc thịt ăn cùng với bánh giòn tan vừa ngọt bùi vừa thích thú.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-3

Thế nhưng sẽ thật thiếu sót nếu ăn bánh xèo tôm nhảy mà thiếu rau mầm. Loại rau xanh mươn mướt ấy ăn hơi the cay nhưng rất mát và bổ, cùng với xoài chua thái sợi và vài thứ rau sống khác. Khi ăn, tất cả được cuộn trong miếng bánh tráng chấm mắm tỏi ớt nữa mới đúng điệu.

4. Bún tôm Châu Trúc

Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ô) – một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới, có lẽ chính vì vậy mà món bún tôm nổi tiếng từ đây cũng là điều dễ hiểu.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-4

Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt… Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu. Tô bún nghi ngút khói, toả hương thơm dìu dịu, lại có thêm một cái bánh tráng nướng giòn, ăn vào thấy cay cay, vừa ngon, vừa ngọt, trong lành mà đậm đà hương vị. Cái vị ngọt nhẩn nha lan tỏa… Dân dã là thế, nhưng đi xa đến đâu vẫn thấy da diết nhớ…

5. Bún rạm Phù Mỹ

Là một trong những món ăn dân dã nổi tiếng của Bình Định nhờ sự hòa quyện giữa những sợi bún tươi với nước rạm đậm đà, giàu hương vị.

Con rạm nhỏ hơn cua đồng với lớp vỏ cứng, mình dẹt, nhiều gạch, thịt ngọt và béo. Để làm món này, rạm phải chọn loại ở đầm Trà Ô mới có vị ngọt, thơm khác biệt. Thường những người sành ăn sẽ chọn những con rạm cái vì vỏ mềm, nhiều gạch, càng to, thịt chắc.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-5

Món bún rạm đơn giản với sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm, kèm chiếc bánh tráng gạo nướng. Thực khách vừa húp, vừa suýt xoa vì nóng hổi, tận hưởng vị ngọt ngào, thơm ngon của rạm Trà Ô.

6. Gà chỉ và xôi cháy

Từ thành phố Quy Nhơn, dọc theo quốc lộ 1A (tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu) nếu để ý các bạn sẽ thấy 2 bên đường có rất nhiều các quán gà mọc lên. Đây chính là thung lũng gà chỉ, một món ăn không lạ nhưng là một trong những món nên thử khi du lịch Quy Nhơn. Gọi là gà chỉ, đơn giản bởi khi tới quán, khách sẽ lựa chọn những chú gà đã được nhốt sẵn trong chuồng để quán chế biến, chỉ chú nào thì thịt chú đó, cái tên gà chỉ cũng từ đó mà ra.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-6

Gà có thể được chế biến theo nhiều cách như nướng, chiên mắm, luộc hay hấp, tất cả phụ thuộc vào sở thích của thực khách đến quán. Phần xôi cháy cũng được nấu khá cầu kỳ sao cho lớp vỏ nóng giòn nhưng bên trong có phần tơi ra. Khi kết hợp gà và xôi lại, hương vị hòa quyện khiến món ăn càng dễ vào, ăn tới đâu nghiền tới đó.

7. Bánh dây Bồng Sơn

Bánh dây, còn được người Bình Định gọi là bún dây, là món ăn có nguồn gốc từ huyện Hoài Nhơn. Muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ, tức là gạo xay từ lúa được thu hoạch từ nhiều tháng trước. Gạo lúa cũ được đem vo nhẹ vài lần, sau đó ngâm với nước tro. Loại tro ngâm gạo cũng phải là tro củi thì bánh mới được ngon.

Tiếp theo, gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay thành bột và hấp chín. Khi bột đặc lại và ráo nước thì được ngắt thành từng miếng nhỏ, cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ. Những vỉ bánh này lại được đem đi hấp cách thủy cho chín đều. Lúc này, sợi bún có màu vàng nhạt tự nhiên và đẹp mắt. Những sợi bún vàng này dính với nhau, nhưng có thể tách ra được dễ dàng nên người ta gọi là bánh dây.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-7

Bánh dây thường được bán vào buổi sáng và tối. Tuy nhiên, loại bánh này nếu ăn nhiều sẽ dễ bị đầy bụng nên người ta thường ăn sáng nhiều hơn. Khi có thực khách gọi, người bán sẽ nhanh tay xé rời từng vỉ bánh, ngắt từng đoạn ngắn, vừa ăn cho vào dĩa. Một ít dầu hẹ được thoa đều, đậu phộng rang giã nhỏ được rải lên, thêm muỗng nước mắm tỏi chanh ớt. Và trên cùng là một ít rau sống gồm giá, xà lách, diếp cá, rau thơm xanh rì.

8. Sứa nước lèo

Những người sành ẩm thực thường chọn chân sứa để chế tác món ăn. Một số nhà hàng ở Bình Định cũng chọn chân sứa để làm món sứa nước lèo với hương vị độc đáo. Món ăn này được chế tác rất công phu. Sứa sau khi vớt lên từ đầm được cắt lấy phần chân ngâm với một ít phèn chua, nước biển. Phơi nắng liên tục 2 ngày rồi bỏ vào bọc ni-lông ướp đá. Mỗi công đoạn đều phải kỹ càng, đảm bảo vệ sinh để tránh mùi tanh. Nước lèo được pha chế từ thịt ba chỉ tươi, tôm đất và cua gạch còn sống băm nhuyễn. Thời gian chưng nước lèo kéo dài đến 4 giờ đồng hồ để các loại phụ gia thấm đều, quanh quánh vào nhau.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-8

Chén sứa nước lèo là sự pha hợp của nhiều hương vị: vị thơm của rau húng hắng, vị béo của dừa sợi; vị bùi của đậu phụng rang; vị chan chát của chuối, bắp chuối; vị chua cay của xoài, ớt xanh; và đặc biệt nhất phải kể tới là vị giòn, ngọt thơm của sứa và nước lèo. Nếu có dịp tới Bình Định, thưởng thức món ăn này dù chỉ một lần thôi, hẳn bạn sẽ nhớ mãi.

9. Cháo cá rựa

Cá rựa có nhiều ở miền Trung. Thịt cá băm nhuyễn làm chả rồi tùy nhu cầu mà kho, nấu canh, chiên. Đặc biệt khi nấu cháo sẽ dậy vị ngọt lịm, béo bùi thật khó quên.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-9

Ăn cháo vào thời điểm nào trong ngày cũng tốt, ăn cháo đêm càng thú. Tô cháo cá rựa nóng hổi, ngọt lịm, cay xè và thơm lựng. Chậm rãi húp từng ngụm cháo một và chậm rãi thưởng thức những hột gạo nở thấm cái vị béo béo, dẻo lẫn trong những miếng cá rựa băm cả xương vừa sần sần, vừa bùi bùi thật thú vị vô cùng.

10. Chả tôm nướng Bình Định

Đây là món ăn truyền thống có xuất xứ tại quê hương Xóm Dạng (Bình Định). Mùi thơm của chả tôm nướng khiến ai đã một lần dùng qua rồi thì không dễ gì quên.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-10

Tôm mua về làm sạch, lột vỏ. Thịt heo nạc vai xắt nhỏ, hành củ cắt nhuyễn. Trộn 3 nguyên liệu này và bằm nhỏ. Thêm gia vị vào trộn đều. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào và phi hành cho thơm. Cho nguyên liệu vào xào cho săn vừa chín cùng với hành lá cắt nhỏ. Nhấc xuống để thật nguội. Chuẩn bị lửa than vừa phải và nướng chả tôm cho vàng và giòn là được.

Món này ăn kèm với nước mắm tỏi ớt pha hơi nhạt. Khi dùng thực khách nên cuốn chả tôm nướng với bánh tráng và cải xanh sẽ càng hấp dẫn hơn.

11. Cá mương cuốn rau rừng

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-11

Cá mương có nhiều ở thượng nguồn các con sông lớn của Bình Định, nhưng loại cá này tập trung nhiều nhất ở khu vực thượng nguồn sông Kut một nhánh nhỏ của sông Kôn. Cá bắt lên làm sạch, chiên vàng, ăn chung với rau rừng như: lá bương, lá giang, lá lộc vừng… chấm với mắm nêm. Vị giòn của cá hòa quyện với vị thơm bùi của các loại rau tạo nên một cảm giác cực kỳ thú vị cho người ăn.

12. Bánh tráng nước dừa

Bình Định còn được biết đến là xứ dừa với vùng đất Tam Quan nổi tiếng bởi nhiều món ăn, đồ dùng được chế biến từ những trái dừa. Trong đó, bánh tráng dừa được nhiều người yêu thích và hay mua về làm quà mỗi khi ghé qua Bình Định.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-12

Tại thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), có khá nhiều làng nghề nổi tiếng, trong đó có làng nghề làm bánh tráng nước dừa. Không chỉ là một món ăn truyền thống mang đậm hương vị địa phương, chiếc bánh tráng mỏng manh còn chứa đựng rất nhiều tâm huyết của những người con xứ Dừa với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

13. Nem chợ huyện

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-13

Khi nhắc đến Bình Định thì người ta còn thường nhớ đến là món Nem chợ huyện. Thành phần cũng giống các loại nem của vùng khác nhưng nem Bình Định nổi bật bởi vị cay nồng của ớt xen lẫn vị tỏi, tiêu của nem để chuẩn ngày. Bạn có thể mua nem, bóc vỏ và ăn sống luôn, hoặc có thể ghé các hàng nem nướng thơm phức ở ven đường.

14. Ốc Quy nhơn

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-14

Đến một thành phố biển như Quy Nhơn tất nhiên không thể không nhắc đến món ốc và hải sản. Nào là các loại ốc biển, sò, nghêu, vẹm, hàu… hầu hết tất cả đều được nướng hành mỡ dậy mùi không thể hấp dẫn hơn. Ngoài các loại ốc hấp và đồ nướng, bạn đừng bỏ qua món gỏi ốc. Các loại ốc biển giòn khạy được trộn cùng xoài xanh thái chỉ, rau dăm, rau thơm, rắc hành khô và rưới nước sốt cay cay ngọt ngọt, thơm ngon không kể xiết.

15. Cua huỳnh đế Tam Quan

Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh), được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua. Với bộ áo giáp dày và cứng, màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao, nó xứng đáng được gọi là loài cua mang chữ “đế”.

wanderlust-tips-say-long-am-thuc-binh-dinh-15

Theo kinh nghiệm của ngư dân, cua Huỳnh đế chỉ xuất hiện nhiều ở vùng biển Tam Quan (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Những vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh mới “quyến rũ” được loại cua mang thương hiệu “vua” đến trú ngụ và sinh trưởng. Cua Huỳnh đế chỉ rộ nhất vào mùa xuân, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch. Cua thịt ngọt thơm không gì sánh bằng và cũng vô cùng bổ dưỡng.

https://youtu.be/9OSieb9mi4Q

LN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet