Cà phê Lâm: Vừa uống vừa thưởng thức nghệ thuật

Nói đến “văn hoá cà phê”, không thể không nhắc tới một địa chỉ quen thuộc của giới nghiền cà phê Hà thành. Cà phê Lâm, một quán nhỏ đã tồn tại hơn 50 năm giữa lòng phố cổ Hà Nội.

cafe lam wanderlust3

Đặc biệt, với những tâm hồn yêu nghệ thuật ở Hà Nội, chẳng có ai lại không biết đến cà phê Lâm. Bởi đây không phải là quán cà phê thông thường, không gian quán có thể ví như một bảo tàng thu nhỏ. Nếu chưa từng một lần nghe qua hay đến cà phê Lâm, chắc hẳn người nghe sẽ nhạc nhiên: vì sao quán cà phê lại giống bảo tàng thu nhỏ dành cho những tâm hồn nghệ thuật, phải chăng nơi này được đầu tư xây dựng, trưng bày như các bảo tàng…?

Thực tế, hoàn toàn không như vậy, cà phê Lâm là một quán cà phê nhỏ nằm giản dị trên phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội. Nhìn bên ngoài quán có vẻ cũ kỹ, đơn sơ y như hình ảnh được mô tả trong các tác phẩm Phố của danh họa Bùi Xuân Phái. Nếu không phải là khách quen hay đã từng đến quán, không dễ gì tìm thấy cà phê Lâm bởi quán không có đèn điện sáng choang như những quán mới bây giờ, biển hiệu cũng đơn sơ chỉ là một tấm biển nhựa ghi “Café Lâm”, không màu mè, khoa chương thu hút sự chú ý như cái cách người ta vẫn treo biển hiện nay. Bước vào bên trong quan, vẻ “cũ kỹ”, mùi “hoài niệm” càng rõ hơn bởi quán vẫn được giữ nguyên dáng vẻ như khi mới mở cửa cách đây hàng chục năm. Tường vôi cũ, gạch hoa cũ, bàn ghế gỗ thấp lè tè vẫn vậy…tất cả dường như vẫn nguyên vẹn như cái thời ông Lâm mới mở quán.

cafe lam wanderlust

Ông chủ quán cà phê Lâm tên đầy đủ là Nguyễn Văn Lâm. Vì mắt ông kém nên khách hàng quen gọi một cách thân mật là Lâm “toét” (hoặc Lâm “khói”). Ông Lâm bắt đầu bán cà phê bằng xe đẩy ở vườn hoa Chí Linh, Hà Nội, từ khoảng những năm 1950. Sau đó một thời gian, ông Lâm không còn bán bằng xe đẩy nữa mà mở một quán cà phê ở phố Hàng Vôi. Cuối cùng, ông Lâm mua căn nhà cổ ở phố Nguyễn Hữu Huân và nơi đây lập tức trở thành nơi lui tới tụ họp của giới văn nghệ sĩ Hà thành lúc bấy giờ.

Sở dĩ quán nhanh chóng trở thành nơi tụ họp của giới văn nghệ sĩ Hà Thành trong suốt những năm 60,70 không chỉ bởi quán có thứ cà phê ngon, được phê chế với mùi vị riêng biệt. Lý do chính là bởi, ông chủ quán “Lâm toét” là người rất dễ tính, yêu nghệ thuật và thân trọng các nghệ sĩ cũng như các tác phẩm của họ. Thời đó, Hà Nội vẫn còn nghèo chứ không như bây giờ, cái ăn còn thiếu nói gì đến việc thưởng thức nghệ thuật. Chẳng thế mà biết bao các tài năng xuất chúng của Việt Nam đã phải sống trong cảnh khốn cùng đến cuối đời bởi tranh của họ không có người mua, vẽ xong rồi cũng để đó.

Trong một xã hội như vậy, lại xuất hiện một ông chủ quán cà phê yêu tranh, trân trọng các giá trị nghệ thuật. Các họa sĩ thời đó cứ đến đây uống cà phê rồi ghi sổ nợ, gọi là nợ cho lịch sự chứ lấy tiền đâu mà trả. Nhiều họa sĩ còn vay tiền của ông Lâm để mua toan, lụa, bút, màu vẽ…mà đâu phải 1 – 2 người, Cà phê Lâm là tụ điểm của hầu hết giới văn nghệ sĩ Hà Thành thời kỳ đó. Giả như là một người khác, có lẽ đã không thể chịu được cảnh ghi nợ dài dài như vậy, ấy thế nhưng ông “Lâm toét” vẫn vui vẻ đón tiếp các nghệ sĩ từ ngày này qua tháng khác.. Cảm động với tình cảm của ông Lâm, các họa sĩ mang tranh của mình đến tặng ông như một hình thức bù lại những thiệt hại và “phiền hà” mà họ đã đem đến cà phê Lâm. Năm tháng trôi qua, những bức tường trong quán dần được phủ kín tranh với đủ các thể loại từ phong cảnh, cho đến chân dung, ký họa, tĩnh vật…đều của những tên tuổi hàng đầu Việt Nam như: Nguyễn Tư Nghiêm, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…

cafe lam wanderlust2

Tất cả các tranh mà ông Lâm được các danh họa tặng đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và là bản gốc. Tất nhiên, vào thời điểm đó, các danh họa mà người thời nay tôn vinh vẫn chỉ là những nghệ sĩ nghèo. Các tác phẩm của họ không có người mua, cũng chẳng được ghi nhận là tuyệt tác. Chính thế mà “cái tình” của ông Lâm mới trở thành vô giá, chứ giá như ngày đó người đời biết sau này những tác phẩm của các họa sĩ nghèo sẽ có ngày trở thành “kho báu”, chắc họ đã tranh nhau mua và các nghệ sĩ đã không phải sống cảnh khốn cùng đến vậy.

Trong suốt những năm 60-70, cà phê Lâm thực sự đã trờ thành mái nhà chung, là nơi chốn gặp gỡ của văn nghệ sĩ Hà Thành, không phải chỉ có giới họa sĩ mà cả các nhà văn, nhà thơ lớn như: Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Hoàng Lập Ngôn… cũng đều coi đây là nhà. Cà phê Lâm nổi tiếng tới mức, cụ Nguyễn Tuân còn nói vui rằng: “Hữu ngạn sông Seine có Bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có café Lâm”…

Sau khi ông Lâm mất đi, quán cà phê được con trai ông tiếp quản. Vẫn giữ nếp cũ, con trai ông Lâm không thay đổi nội thất, ngoại thất của quán, tranh vẫn nguyên vẹn trên tường, cái quạt trần hàng chục năm rồi vẫn đều đều quay, một số ghế gỗ cũ mục đươc thay mới song nói chung cảnh sắc không mấy thay đổi. Công thức cà phê ngày xưa ông Lâm mày mò tìm cách rang, xay, pha trộn đến ngay vẫn được duy trì thực hiện…

Sự khác biệt nhất có chăng là nay ông Lâm đã không còn, những cây đại thụ của hội họa, văn học, âm nhạc Việt Nam cũng đã về một thế giới khác – ở một nơi mà có lẽ họ vẫn đang cùng ông Lâm ngày ngày bầu bạn, tâm tình bên cốc cà phê.

Tuy thời gian đã qua đi, xã hội đã thay đổi, những người khách nghèo ngày xưa chẳng còn đến quán nữa. Thay vào đó là một thế hệ những người khách mới, họ có thể không phải là nghệ sĩ mà là bất kỳ ai: nhân viên văn phòng, kiến trúc sư, nhà kinh doanh, sinh viên… nhưng dù là ai đi chăng nữa, họ cũng đề là những người yêu nghệ thuật. Họ đến cà phê Lâm không chỉ để uống cà phê, để trò chuyện mà còn để thưởng thức các tác phẩm hội họa vô giá, để sống lại trong hoài niệm về một Hà Nội những năm 60,70.


Thông tin thêm:

Café Lâm

Địa chỉ: số 60 phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội

Quán mở cửa từ 6h đến 20h hàng ngày

Giá cà-phê nâu đá (cà-phê sữa đá) là 25.000 đồng/cốc, cà-phê nâu nóng (cà-phê sữa nóng) là 24.000 đồng/cốc.

Theo cinet

Trả lời