Tây Thiên – điểm du lịch tâm linh huyền bí

Danh thắng Tây Thiên nằm trong khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo, thuộc địa bàn xã Đại Đình và một phần xã Tam Quan (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Miền đất Tây Thiên sở hữu phong cảnh hữu tình làm say đắm lòng người với nhiều di tích lịch sử – văn hóa đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc.

tay thien dl tam linh wanderlust

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km về phía tây bắc, khu di tích danh thắng Tây Thiên là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991. Khu danh thắng Tây Thiên nằm ẩn mình trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo, tại trung sơn điểm giữa các huyết mạch quốc gia gồm Đền Hùng của nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, Hoa Lư của cố đô nước Đại Việt, núi Tản – Sông Đà, các trụ xứ phật giáo thâm uy như Chùa Hương, Yên Tử; tất cả tạo nên một thế phong thủy vững chãi dựa vào mạch núi thiêng tỏa ra đồng bằng rộng mở và tràn xuống phương Nam, hướng về biển lớn.

Tên gọi Tây Thiên mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên tới từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo. Tương truyền, vào thế kỷ III trước công nguyên, phái bộ thứ tám của vua A Dục đã tới nơi đây hoằng dương Phật pháp, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã, có suối chảy nước trong, thác ghềnh, non cao, rừng rậm đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân, xây dựng thành Nê Lê và chùa Địa Ngục. Tới thời Trần, Tây Thiên là một trong những trung tâm Phật giáo thâm uy giống như Yên Tử và Đông Triều. Các địa danh khác như Suối Giải Oan, suối Trường Sinh, chùa Đồng Cổ, rừng thông già đại thụ là nơi nhiều đời cao tăng tu tập, hành trì và viên tịch. Người ta cũng đã tìm đc 3 bia mộ đá và di cốt của Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư. Ngoài ra còn nhiều nền chùa cổ và các di chỉ hiếm hoi dưới nền đất rừng Tây Thiên được ghi lại trong sách Kiến Văn Tỉ Lục của Lê Quý Đôn.

tay thien dl tam linh wanderlust2

Quần thể khu di tích danh thắng Tây Thiên được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước, có công giúp Vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc. Với mỗi người, chuyến hành hương Tây Thiên có thể là đến thăm, có thể là sự trở về, song cả hai hành trình đều tràn ngập niềm hỷ lạc, an bình tự tại. Cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú, hùng vĩ, thanh bình và ngoạn mục đẹp trong từng giây, từng khoảnh khắc. Đó là cảnh núi rừng nguyên sơ, là những ngôi Cổ tự, Thảo am Tịnh thất cheo leo trên độ cao ngút ngàn hay nguồn Bát Nhã tuyền róc rách ca lên khúc nhạc hoàn hương từ vô thủy. Xa xa dòng Thác Bạc trắng xóa như dải ngân hàng vắt mình thả xuống từ trời cao xanh thẳm tạo nên một bầu không khí thanh bình.

Hành trình tham quan khu danh thắng Tây Thiên bắt đầu từ Đền Trình dưới chân núi. Để đến được nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, khách hành hương phải dâng lên một mâm lễ vật, báo cáo với thần linh thổ địa, chư vị Thánh Phật sự viếng thăm của mình, cho được an lành thanh sạch đi vào vùng đất thiêng rồi mới tiếp tục cuộc hành trình. Trước cửa đền là cây đa chín cội sừng sững, như thách thức với thời gian. Sau đền Trình, du khách sẽ vượt qua một quãng đường hơn 1km rợp bóng cây xanh mát, vượt qua khe Trường Sinh để lên tới đền Cậu, đền Cô, suối Giải Oan và giếng cổ…

tay thien dl tam linh wanderlust3

Đi thêm một đoạn sẽ lên đến Tịnh thất Tây Thiên. Đây là địa điểm tu hành của các ni cô phái Mật tông Tây Tạng. Du khách sẽ cảm nhận được sự huyền bí của thiên nhiên với suối chảy rầm rì, rừng sâu u tịch, mây nước hiền hòa và không gian thanh tịnh; được chìm đắm và thăng hoa trong những thanh âm của các pháp cụ cùng tiếng đọc kinh của các ni cô, du khách sẽ thực sự thấy lòng mình thư thái. Địa điểm cuối của chuyến hành hương là khu đền Thượng. Đền Thượng là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, vị thần chủ của Tây Thiên và nữ chúa vùng đất Tam Đảo.

Kết thúc tham quan về đền Quốc Mẫu Tây Thiên, du khách có thể tiếp tục vào tham quan Thiền Viện. Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật có niên hiệu từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và các di chỉ khảo cổ về Phật giáo minh chứng rõ thêm về chốn tổ Phật giáo nơi đây. Đầu xuân nào, Thiền Viện Tây Thiên cũng đón hàng vạn Phật tử, du khách trong và ngoài nước về đây hành hương, thắp hương khấn Phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng Tây Thiên.

Từ lâu Tây Thiên đã trở thành một điểm hẹn du lịch tâm linh thú vị cho đông đảo du khách nhờ có cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”… Hiện nay, Tây thiên đã và đang được trùng tu tôn tạo hệ thống đền, chùa, thảo am…, từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu mà không làm mất đi vẻ đẹp cổ xưa vốn có.

Vẻ đẹp ấy đã được lưu danh trong những câu ca “Ai lên ngắm cảnh Tây Thiên, mải mê thưởng ngoạn chớ quên đường về”. Thật may mắn cho ai từng được đến Tây Thiên để khám phá những điều huyền bí và linh thiêng của vùng đất này cũng như thỏa ước nguyện về một cuộc sống an lành, hạnh phúc.


Kinh nghiệm du lịch Tây Thiên:

Du lịch Tây Thiên khi nào?

Danh thắng Tây Thiên – Vĩnh Phúc chỉ cách Hà Nội hơn 70km nên bạn có thể đi trong 1 hoặc 2 ngày, đặc biệt thích hợp đi vào dịp cuối tuần. Bạn có thể lên Tây Thiên vào tất cả các mùa, mỗi một mùa đều có 1 điều thú vị khác nhau.

– Mùa xuân: là mùa lễ hội, cầu may, cầu tài lộc đầu năm, rất nhiều các tín đồ, tăng ni phật tử , khách thập phương hội tụ về Tây Thiên để cầu may mắn, tài lộc. Đến với Tây Thiên vào dịp này bạn ngoài việc cầu may, cầu tài lộc, may mắn các bạn còn có thể hòa mình vào không khí lễ hội đầu xuân nơi đây với rất nhiều những hoạt động văn hóa đặc trưng.

– Mùa hè: là mùa nghỉ ngơi của người Việt Nam, thời điểm thích hợp để đi du lịch, vào dịp cuối hè sau khi đã tham gia nhiều chương trình tham quan du lịch biển, dài ngày thì đây là lúc lên Tây Thiên để tận hưởng cảm giác thanh bình cùng tĩnh tâm với không khí thanh bình của nơi thánh địa bậc nhất của đạo Phật và cùng dự lễ sám hối tại thiền viện trúc lâm Tây Thiên để có một tâm lý thoải mái nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc thường ngày.

– Mùa thu và mùa đông: đây là lúc công việc khá gấp rút cho việc tổng kết cuối năm và cũng là lúc thời tiết đã se lạnh , không còn gì thích hợp hơn khi mà có thể dành 1, 2 ngày cuối tuần của mình để lên Tây Thiên hít thở không khí trong lành của núi rừng, cùng thoát khỏi sự mệt mỏi của cuộc sống hàng ngày, để có thể trở lại làm việc với một năng suất cao nhất.

Cách đến Tây Thiên?

Để đến Tây Thiên, từ Hà Nội bạn đi theo đường Thăng Long – Nội Bài, sau đó rẽ trái theo đường đi Vĩnh Phúc. Từ Vĩnh Phúc, bạn đi theo đường lên Tam Đảo nhưng đến chân núi, hãy rẽ trái theo biển chỉ dẫn đi Tây Thiên. Từ biển chỉ dẫn, bạn rẽ vào khoảng 10km là đến chân khu du lịch Tây Thiên.

tay thien dl tam linh wanderlust1

Trên đường vào, bạn sẽ phải lội qua 9 con suối nhỏ và 10 con dốc nhưng hãy yên tâm vì đường rất dễ đi. Nếu không tự tin về khả năng đi rừng, bạn nên thuê những hướng dẫn viên là người bản địa. Giá thuê người dẫn đường khoảng 100.000 đồng/ngày.

Giá cả ăn uống ở thác Chòi Tre khá rẻ, chỉ khoảng 30.000 đồng/người. Ngồi trên những chòi tre thoáng mát, trông xuống dưới là thác nước mát lạnh khiến bạn có cảm giác đang ngồi trên mây.

Còn một cách nửa là đi bằng cáp treo. Giá khứ hồi cho người lớn là180.000 đồng/người, trẻ em là 120.000 đồng/người. Giá vé một chiều cho người lớn là 120.000/ người, trẻ em là 70.000/người

Tuy nhiên theo mình để cảm nhận hết vùng đất thiên này, bạn nên đi bộ để tỏ lòng thành.

Đi lại bằng xe điện: Gồm 20 xe điện 8 chỗ hiện đại, chuyên chở du khách trên hành trình dài 1,5km từ bến xe điện (ngay sát Chùa Thiên Ân và đền Thỏng) tới Nhà ga đi cáp treo Tây Thiên.

Khách sạn, nhà nghỉ ở Tây Thiên

– Nhà nghỉ Dung Thắng: nằm ngay sát chân đền Thỏng – khu di tích danh thắng Tây Thiên – Điện thoại: 02113.814.567, không gian thoáng rộng, chỗ để xe rộng rãi,có phòng tập thể ( ở khoảng 15 người ), phòng đơn và phòng đôi đầy đủ tiện nghi.

– Nhà nghỉ Lan Rừng: sát chân đường lên thiền viện trúc lâm Tây Thiên rất tiện lợi cho việc tham quan thiền viện – Điện thoại: 02113.814668. Nhà nghỉ có 15 phòng tiện nghi đầy đủ, có điều hòa. Thái độ nhân viên phục vụ tốt, có dịch vụ giặt là, karaoke, ăn uống.

Du lịch Tây Thiên thăm gì?

Đầu tiên hãy thăm quan khu danh thắng Tây Thiên cổ là trung tâm Phật Giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu từ xa xưa.

Đền Thỏng, cây Đa chín cội: Việc đầu tiên khi mà các du khách, tín đồ, tăng ni phật tử tới thăm Tây Thiên đó chính là vào thắp hương tại đền Thỏng, là nơi trình diện đầu tiên của những ai lên Tây Thiên ngay trước cổng đền là cây đa chín cội đã trường tồn hàng trăm năm với mảnh đất linh thiên này.

Cáp treo Tây Thiên: Cáp treo Tây Thiên được đưa vào hoạt động vào 16/02/2012. Trước đây khi chưa có cáp treo chỉ có 1 con đường duy nhất để lên đỉnh Tây Thiên nơi có đền Quốc Mẫu Tây Thiên đó chính là đi men theo con đường suối rồi leo lên đỉnh.

Đền Quốc Mẫu Tây Thiên: Điểm dừng chân của cuối cùng và cũng là điểm thăm quan chính đó chính là đền Quốc Mẫu Tây Thiên là một trong hai vị Quốc Mẫu của Việt Nam được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước. Theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Tây Thiên có tên thật là Lăng Thị Tiêu, sinh ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, bà có công chiêu mộ binh sĩ, phò Vương cứu nước, cứu dân. Khi mất, bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước nên được sắc phong làm Quốc Mẫu.

Đại Bảo Tháp Kim Cương Thừa Mandala: Đại bảo tháp được khởi công xây dưng tháng 4/2011 đến nay đã hoàn thành phần yểm tâm và đang hoàn thiện kỹ thuật, hạng mục nội thất.

Đại bảo tháp Tây Thiên thiết kế theo kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa biểu trưng cho 5 yếu tố hình thành nên vũ trụ và sự sống gọi là ngũ đại : Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không và Thức. 3 phần của tháp tượng trưng cho Thân – Khẩu – Ý giác ngộ của Đức Phật.

Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm: Nằm trong hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm Việt Nam, đây là nơi tập tu của các ni sư thiền phái trúc lâm yên tử hành đạo. Điều đặc biệt là hàng ngày lúc 18h00 và 3h30 sáng đều có buổi thiền và nghe các sư cô giảng đạo, các bạn có thể lên đó tập thiền.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên: Nằm cạnh đền Thỏng ( cách khoảng 500m) là đến chân dốc lên thiền viện dài khoảng 2 km ( có thể đi bộ hoặc đi xe ôm giá khoảng 10k/ người ). Hiện tại dốc lên Thiền Viện xe 29 chỗ trở xuống có thể leo lên được.

Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.

Đến với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên thì các bạn có thể dự buổi lễ sám hối tại điện chính của thiền viện vào lúc 18h00 hàng ngày. Ngoài ra thiền viện còn có tổ chức các lớp học thiền (7 ngày) cho những ai muốn theo học

Theo cinet

Trả lời