Mâm cỗ đặc biệt ngày Tết của các nước châu Á (P2)

Trong các bữa ăn sum họp đầu năm, ngoài những món cổ truyền, không phải ngẫu nhiên hay tùy tiện mà người ta thường mời nhau những món ăn may mắn, với hy vọng những điều tốt đẹp và thịnh vượng sẽ đến với gia đình, người thân và bạn bè.

Hàn Quốc thanh tao với bánh gạo Tteokguk

03.Wanderlusttips-Tteokguk-Han-Quoc

Nếu Việt Nam có bánh chưng xanh ăn cùng hành muối để chào đón năm mới thì ở Hàn lại có món canh bánh gạo độc đáo Tteoguk ăn kèm với kim chi. Người Hàn Quốc quan niệm, ngày đầu năm ăn “tteokguk” có ý nghĩa nghênh tiếp ánh sáng mặt trời; từ bỏ cái cũ và đón lấy cái mới, vạn vật hồi sinh, đem lại may mắn.

Những bát canh bánh này bao gồm những chiếc bánh gạo được nặn một cách khéo léo đầy đặn, kèm theo hành tây, thịt bò, hành hoa, tất cả các nguyên liệu trên sẽ được đun cùng với nước hầm xương bò tạo ra một hương vị rất tươi mát, thích hợp cho buổi sáng đầu xuân.

Điều khiến cho món bánh này không chỉ hấp dẫn những người lớn tuổi mà còn cả các bạn trẻ Hàn Quốc là bởi những chiếc bánh không chỉ tượng trưng cho năm mới tràn đầy hạnh phúc mà còn là tượng trưng cho sức trẻ, cho tuổi thanh xuân. Ngoài ra vào dịp Tết, người Hàn Quốc còn nhấm nháp chút rượu balki sool như một cách lấy may.

Sủi cảo, món ăn mang nhiều may mắn của người Trung Quốc

5.Wanderlusttips-Sui-cao-Trung-Quoc

Hàng năm vào đêm giao thừa, các gia đình người Hoa đều nhất định phải ăn sủi cảo. Sủi cảo được xem là món ăn may mắn vì những chiếc bánh này trông giống như những đồng tiền cổ của Trung Quốc, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Việc ăn món ăn này cũng rất cầu kì, phải theo các bước tuần tự như nghi thức đã có từ lâu đời. Bát thứ nhất là để thờ cúng tổ tiên, tỏ lòng tôn kính cha ông quá cố. Bát thứ hai là để cúng thần thánh trong dân gian (ví như ông Táo). Đến bát thứ ba, cả gia đình mới bắt đầu ăn. Theo tục lệ, khi ăn sủi cảo, người Trung Quốc chỉ ăn số chẵn, không ăn số lẻ với ngụ ý năm nào của cải cũng dư thừa, gia đình thịnh vượng.

Hình dáng của sủi cảo cũng mưu cầu sự may mắn. Sủi cảo hình bán nguyệt, viền bánh phải được viền cho đều gọi là “viền phúc”. Còn kéo hai đầu của hình bán nguyệt nối liền với nhau giống như một nén bạc để cầu mong cho cuộc sống tiền bạc dư dả, sung túc. Ngoài ra, Sủi cảo còn được người ta in hình bông lúa mì trên vỏ bánh để mong ước được một năm trồng trọt được mùa bội thu.

Với người Hoa, sủi cảo là món ăn tượng trưng cho sự may mắn và đoàn tụ gia đình, bởi họ cho rằng, ngay chính nguyên liệu làm nên chiếc bánh là gạo trắng và gạo nếp sẽ mang lại nhiều niềm vui, giúp “cầu được, ước thấy”. Cả gia đình quây quần gói sủi cảo, ăn sủi cảo, chung vui, đầm ấm trong bầu không khí bình an của ngày tết.

Mông Cổ độc đáo với món bánh bao nhân thịt cừu

02.Wanderlusttips-Banh-bao-nhan-thit-cuu-Mong-Co

Mông Cổ nổi tiếng là đất nước của thảo nguyên, của những đồng cỏ xanh, món ăn trong ngày Tết của các bạn trẻ Mông Cổ cũng từ nơi thảo nguyên ấy, đó là bánh bao nhân thịt cừu (còn gọi là bánh buuz).

Bánh buuz không lớn, thường có nhân bằng thịt cừu và ít rau cải, vỏ bằng bột mì không lên men. Khi ăn phải hút hết dầu rồi mới thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh. Tuy cách làm vỏ bánh không có gì khác so với bánh bao bình thường nhưng nhân bánh lại được làm từ thịt của những con cừu tươi ngon nhất trên thảo nguyên Mông Cổ, chính vì vậy mà bánh mang đến cho người ăn một hương vị độc đáo không loại bánh nào có được. Bánh thường được ăn kèm với sữa chua ngựa lên men tự nhiên rất bổ dưỡng .

Bên cạnh đó, họ còn chuẩn bị loại bánh ngọt đặc sắc, được xếp thành tầng theo số lẻ, nhiều nhất là chín tầng và ít nhất là ba tầng, ở giữa điểm xuyết thêm phô mai hoặc kẹo mứt. Người Mông Cổ không ăn thịt lợn, mâm cỗ Tết thường có thịt cừu hoặc thịt dê nướng nguyên con, đặt trong khay gỗ lớn, mùi vị vô cùng hấp dẫn.

Bánh chưng, món ăn may mắn của người Việt Nam

01.Wanderlusttips-Banh-chung-Viet-Nam

Trong mâm cỗ đón xuân, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.

Được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, gia vị gói trong lá dong, thứ bánh rất giản dị, đặc trưng cho một quốc gia nông nghiệp này mang theo thông điệp tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện sự biết ơn, kính trọng với cha mẹ và mong ước năm mới dồi dào, no đủ, sung túc, thịnh vượng. Trước kia, người Việt gìn giữ thói quen làm và nấu bánh chưng tại nhà. Quá trình nấu bánh mất nhiều thời gian, cả gia đình sẽ quây quần bên nồi bánh chưng, vừa trông bánh, vừa hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỉ niệm trong năm cũ và những mong ước cho năm mới.

Ngày nay, nhịp sống hiện đại khiến nếp sinh hoạt đó dần mất đi, nhiều gia đình không còn luộc bánh chưng mà chọn mua sẵn. Không khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà các chị tất bật những ngày giáp tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng. Mặc dù vậy, trong bất cứ bàn thờ gia tiên nào ngày Tết cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm…

Để chiếc bánh vuông đẹp, “chín rền” thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu, miếng bánh sau khi khi cắt nhân đỗ, thịt nạc luôn cân đối ở tất cả các phần. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh chưng xanh đã trở thành nét đẹp truyền thống trong văn hóa của dân tộc Việt.

Năm hết, Tết về, người người, nhà nhà lại tấp nập chuẩn bị những chiếc bánh chưng để bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với tổ tiên.

Trang Nguyễn | Wanderlusttips 

Trả lời